Trà hoa rất phong phú, bởi gần như các loài hoa trên thế gian này không chỉ khoe sắc đua hương dưới ánh mặt trời, mà còn trở thành thức uống vô cùng đặc biệt. Chỉ kể riêng hoa hồng đã có đủ loại: gần thì Đà Lạt, xa hơn thì Phnompenh, sang trọng là hồng Pháp, kiêu kì như hồng Nhật Bản, bí ẩn nhất phải kể đến những nụ hồng được trồng trên vùng núi Tây Tạng. Họ hàng nhà cúc cũng góp mặt với cúc chi, san hô, bách nhật, trường thọ, hoàng cúc, hàm hương, kim tiền...
Bên cạnh đó là những loài hoa độc đáo cả về màu sắc lẫn mùi vị: đậu biếc, sa lem, bách hợp, anh đào, hibicus, sen tuyết... Tùy vào ý thích và ham muốn khám phá của mỗi người mà tự tay chọn lựa, phối hợp cho mình một tách trà mang hương vị riêng. Hoặc chỉ giản dị là thưởng thức nguyên bản từng loại hoa để trọn vẹn cảm nhận nét đặc trưng của mỗi loài.
Uống trà hoa không đòi hỏi sự cầu kì, nghiêm cẩn quá mức như trà đạo, nhưng cũng cần có chút công phu. Chẳng hạn, nước để pha trà không nên chỉ đun sôi nước lọc rồi chế vào bình/ ly trà mà nên “dụng công”: cho vào siêu nước một thanh quế nhỏ hoặc 2 – 3 củ sả tươi kèm miếng đường phèn, đun sôi từ 5 đến 10 phút để quế/ sả tỏa ra mùi thơm và đường tan hết.
Cho chừng 5 – 7 bông hoa (một loại hoặc vài loại kết hợp) vào ấm/ ly, thêm chút trà mạn nếu muốn có vị đậm đà đúng chất trà-hoa, rắc lên trên mấy hạt kì tử và vài lát táo đỏ xắt mỏng, đổ nước sôi vừa đủ ngập mặt hoa để “rửa” trà, rót hết phần nước tráng trà rồi từ từ chế nước để pha vào. Khi chế nước vào trà, cần phải nhẹ tay cho nước chảy theo thành ấm/ ly xuống chứ không thô bạo rót thẳng vào những cánh hoa để tránh tình trạng “tan hoa nát ngọc”.
Chỉ vài phút sau, những bông hoa cánh mỏng tí tách bung nở đến mức “mãn khai”, ngát lên mùi hương thanh khiết lan tỏa khắp không gian bình minh là lúc có thể thưởng trà trên tất cả các giác quan: ngắm nhìn, hít thở, nghe, nếm và cảm nhận tận đáy sâu trong tâm hồn.
Người yêu thích trải nghiệm luôn pha chế trà hoa theo nhiều cách khác nhau để tạo sự hấp dẫn cho mỗi ly trà khởi đầu ngày mới. Không chỉ đun nước quế/ sả với đường phèn, họ dùng mật ong để điểm vị cho trà hoa cúc hoặc một nhánh bạc hà để dậy hương cho ly hồng trà thêm nồng nàn. Nếu sẵn trong lòng tình yêu với hội họa, người thưởng trà còn có thể tạo hình hay “hòa sắc” cho mỗi ly trà của mình như khi pha hoa salem sẽ được một ly mang màu đại dương xanh thẳm, thêm lát chanh mỏng, lập tức ly trà chuyển sang màu hồng tím lãng mạn.
Nhìn những bông hoa rực rỡ, hài hòa khoe sắc không khác gì được thưởng lãm bức tranh tĩnh vật của các họa sĩ theo trường phái cổ điển. Người sành trà hoa thường uống hai cữ mỗi ngày: một cữ vào sáng sớm với chút trà mạn để tỉnh táo và một cữ buổi tối để dễ dàng đi sâu vào giấc ngủ ngon sau một ngày bận rộn.
Bởi vì trà hoa là loại thức uống dinh dưỡng hỗ trợ thải độc, tạo cảm giác dễ chịu, dễ ngủ, giảm stress, có công dụng điều trị một số bệnh lý với riêng từng loại hoa nhờ vào hàm lượng chất chống ô-xy hóa, có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về ung thư, tim mạch, Alzheimer…, cho nên giữa guồng quay của cuộc sống hiện đại, ồn ào này, thật tuyệt vời khi có được sự cân bằng, thư thả đến từ những khóm hoa trên khắp địa cầu.
Không quá khó khăn để kiếm được thứ đồ uống nên thơ đến thế ngay giữa phố phường náo nhiệt, và cũng rất dễ dàng khi những cánh hoa trà đã theo những vòng xe về đến tận các tỉnh thành xa xôi. Chỉ cần có tình yêu với cỏ cây hoa lá, mỗi ngày trong trái tim chúng ta sẽ nở ra những bông hoa hạnh phúc và bình an...