Ngay bây giờ đây khi ngồi viết những dòng này, với thất bại 0-3 trước tuyển U22 Thái Lan và bị loại từ vòng bảng của SEA Games, thú thực, tôi thấy rất buồn.
Có thể nói, trận thua 0-3 trước U22 Thái Lan và đặt dấu chấm hết cho những mục tiêu của U22 Việt Nam tại đấu trường này thực sự là trận thua bạc nhược.
Thật không ngoa khi nói rằng chúng ta thua trong xấu hổ, đau đớn và cả tủi nhục.
Một trận thua đau đớn, xấu hổ. Ảnh: VNE
Ngay đầu trận, hàng tiền vệ với những cầu thủ kỹ thuật có thừa nhưng hạn chế tranh chấp đã bị đội bạn lấn lướt hoàn toàn.
Còn về thể lực, sau trận đấu với U22 Philippines, U22 Việt Nam đã có dấu hiệu xuống sức.
Trước khi bắt đầu vòng bảng, tôi đã nghiên cứu kỹ về U22 Thái Lan.
Dù rằng công tác đào tạo trẻ của Thái Lan tốt hơn ta nhưng lứa U22 này của Thái Lan không có gì đặc biệt. U22 Thái Lan không có ngôi sao nào thực sự nổi bật nên người Thái xây dựng tập thể đồng đều, “sàn sàn” như nhau.
Nếu quan sát kỹ trận đấu giữa U22 Việt Nam - U22 Thái Lan, thời gian giữ bóng của U22 Việt Nam rất ít. Gần như các cầu thủ của ta không cầm được bóng và bị đối phương dẫn dắt hoàn toàn.
Trận thua tủi nhục này trước U22 Thái Lan thêm cơ hội để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, căn nguyên của thất bại cay đắng này.
Tôi xin được nói thẳng, căn nguyên trực tiếp và sâu xa của thất bại này chính là Giải bóng đá vô địch Quốc gia Việt Nam (V-League) chất lượng quá thấp với nhiều nhức nhối, giả tạo.
V-League với những trận đấu kiểu này sao có thể chất lượng? Ảnh: Người lao động
Phải nói đây là giải đấu quá ảo. Theo ngôn ngữ của thể thao là không hề có tính thực chiến.
Công tác trọng tài của V-League lùm xùm suốt bao năm qua. Trọng tài ngoài thiên vị cho các đội chủ nhà thì gần như rất dễ dãi với các cầu thủ.
Tại V-League, thủ môn Minh Long có thể “thoát tội” khi bắt bóng từ cầu thủ chuyền về nhưng tại đấu trường ngoài nước, trọng tài cứ chiếu theo luật nên việc bắt bóng sẽ bị “dính” ngay phạt gián tiếp.
Chưa kể, cầu thủ V-League quen với việc trên sân vắng tanh người, ra thi đấu ở nước ngoài khi quốc ca vang lên, khán giả ngợp khán đài có khi chưa đá đã run lẩy bẩy, bấn loạn hết tinh thần.
Một giải đấu ảo như V-League thì thử hỏi làm sao có thể có những cầu thủ với phong cách thi đấu chuyên nghiệp và đẳng cấp được?
Câu chuyện giải đấu V-League của ta có nhiều nét tương tự như võ thuật. Lâu nay, võ thuật Việt Nam cứ tự vỗ ngực rằng là “chiếc nôi sản sinh ra nhiều cao thủ” nhưng khi một ông Tây từ đâu tới thách đấu, có võ sư người thì trốn, người thì thua liểng xiểng sao có thể gọi là “tinh túy võ học” được.
Võ học hay bóng đá là phải thực chiến. Tổ chức thi đấu kiểu biểu diễn, “làm màu” rồi tự vỗ tay khen nhau đâu giải quyết được vấn đề gì, có chăng chỉ thêm tốn kém tiền của mà thôi.
HLV Hữu Thắng đã từ chức
Theo tôi, muốn bóng đá Việt Nam phát triển, ngay bây giờ, dù đã từ chức nhưng huấn luyện viên Hữu Thắng với hàng chục năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, hơn ai hết anh hiểu được những tồn tại của bóng đá Việt Nam thì hãy ngồi lại một lần nói ra “tất tần tật” những gì còn khúc mắc, còn tồn tại mà Hữu Thắng thấy còn “day dứt” về bóng đá Việt với những người có trách nhiệm.
Để từ những tồn tại, nhức nhối đó, chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, đừng có tự huyễn hoặc mình nữa để "phẫu thuật" nền bóng đá theo chiều hướng tốt lên. Dẫu đau cũng phải làm một lần.
Và về lâu dài, chúng ta phải có giải pháp nâng cao chất lượng của giải V-League vì nếu cứ giữ chất lượng “tà tà” như hiện nay sẽ vô tình “giết chết” bóng đá Việt!