Ảnh cắt từ video cho thấy điệp viên Triều Tiên đang chụp ảnh bản thiết kế một loại tên lửa tối mật của Ukraine
Lực lượng an ninh Ukraine tung hình ảnh cho thấy hai điệp viên Triều Tiên đang nghiên cứu bản thiết kế một loại tên lửa tối mật, trước khi bị bắt và tống giam hồi năm 2011. Đây chỉ là một phần trong chiến dịch triệt tiêu mạng lưới đánh cắp công nghệ vũ khí tại Ukraine vừa được hé lộ, CNN ngày 24/8 đưa tin.
Thông tin về chiến dịch phản gián này được công bố để bác bỏ cáo buộc cho rằng Triều Tiên đạt nhiều đột phá trong phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nhờ các thiết kế có nguồn gốc từ Ukraine. Trước đó, chuyên gia phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho rằng ICBM Triều Tiên dùng công nghệ của Phòng thiết kế Yuzhnoye, đặt trụ sở tại Dnipro, miền trung Ukraine.
Kiev liên tục bác bỏ liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, đồng thời khẳng định Moscow đã cung cấp thiết kế tên lửa cải tiến cho nước này. Về phần mình, Nga khẳng định không có liên hệ tới các dự án vũ khí Triều Tiên.
Một sĩ quan an ninh giấu tên của Ukraine, người trực tiếp tham gia chiến dịch phản gián năm 2011, cho rằng Triều Tiên không thể thu thập bất kỳ công nghệ nào từ nước này. Ông khẳng định mọi nỗ lực tìm mua và đánh cắp thiết kế đều bị ngăn chặn.
Tên lửa Hwasong-14 bị nghi là sử dụng công nghệ Ukraine. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ.
"Trong năm 2011, hai người Triều Tiên khác đã bị trục xuất khi đang tìm cách sở hữu đầu dò và phần chiến đấu của tên lửa không đối không. Người thứ ba có nhiệm vụ đưa thiết bị về nước cũng bị trục xuất", sĩ quan này tiết lộ. Tới năm 2015, có thêm 5 người Triều Tiên bị trục xuất vì hỗ trợ hoạt động tình báo tại Ukraine.
Ngoài hai người đang ngồi tù, hiện không còn công dân Triều Tiên nào sinh sống và làm việc tại Ukraine. Những người không bị trục xuất cũng tự nguyện trở về nước, hầu hết trong số đó làm việc tại các trung tâm y học.
Hoạt động gián điệp của Triều Tiên tại Ukraine
Hai điệp viên Triều Tiên đang thụ án 8 năm tù tại thị trấn Zhytomyr, cách thủ đô Kiev 140 km về phía tây. Người đầu tiên ở độ tuổi hơn 50 mang mật danh X5, có dáng người gầy ốm, khác xa với hồi mới bị bắt. Điệp viên còn lại trẻ tuổi hơn, là một chuyên gia kỹ thuật có mật danh X32.
Đây là những gián điệp công nghệ duy nhất phải ngồi tù tại Ukraine, dù chính phủ nước đã nhiều lần chặn đứng kế hoạch đánh cắp công nghệ tên lửa của Triều Tiên. Hình ảnh hai người được ghi lại hôm 27/7/2011 bằng một máy quay giấu kín, đánh dấu giai đoạn kết thúc chiến dịch phản gián kéo dài nhiều tháng.
Trước đó, điệp viên Triều Tiên đã liên hệ với các chuyên gia tên lửa Ukraine. Họ tìm kiếm nhiều công nghệ khác nhau, trong đó bao gồm thiết kế và quy trình chế tạo tên lửa đạn đạo, động cơ tàu vũ trụ, pin mặt trời, bệ phóng di động. Những nhà khoa học Ukraine sau đó báo cáo sự việc với cơ quan an ninh địa phương.
Một số tài liệu được Bình Nhưỡng theo đuổi có liên quan tới tên lửa RT-23 Molodets (NATO định danh: SS-24 Scalpel). Đây là mẫu ICBM dùng nhiên liệu rắn, có khả năng mang theo 10 đầu đạn hạt nhân độc lập và tầm bắn khoảng 11.000 km. RT-23 có thể triển khai từ bệ phóng cố định hoặc trên các đoàn tàu hỏa.
Bình Nhưỡng từng theo đuổi thiết kế ICBM RT-23 Molodets. Ảnh: Peer Gynt.
Hệ thống RT-23 trên đường sắt bị cấm sử dụng theo hiệp ước START-II do Mỹ và Nga ký vào cuối thập niên 1990. Tuy nhiên, lệnh cấm này chưa từng có hiệu lực trong thực tế. Bản thiết kế và dây chuyền chế tạo do Ukraine nắm giữ, nhưng nước này đã chấm dứt sản xuất tên lửa RT-23 vào năm 1995.
Hình ảnh từ máy quay an ninh cung cấp cái nhìn hiếm gặp về phương thức thu thập công nghệ vũ khí của Triều Tiên, nhằm phục vụ mục đích tấn công Mỹ và các đồng minh bằng tên lửa tầm xa. Nó cũng cho thấy những khoảnh khắc rất đời thường của hai điệp viên. Một người thì thầm rằng tài liệu họ đang tìm kiếm là "tuyệt mật", đồng thời lo lắng việc dùng đèn flash liên tục sẽ làm cạn pin máy ảnh.
Lời khai của hai điệp viên Triều Tiên
"Tôi đang chấp hành hình phạt dành cho mình. Họ cho chúng tôi ăn đầy đủ, chúng tôi cũng có việc để làm... Nhưng tôi không muốn tham gia phỏng vấn để bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình", X5 cho biết. Ông đảm nhận công việc trộn xi măng và chế tạo thép tại nhà tù.
Tài liệu thẩm vấn cho biết X5 liên tục khẳng định ông chỉ là một đại diện thương mại Triều Tiên tại Belarus, có nhiệm vụ sắp xếp quá trình đào tạo, chuyển giao công nghệ tên lửa cho các chuyên gia tại Bình Nhưỡng. X5 không nghĩ đó là thông tin tuyệt mật, ông thậm chí còn tìm cách đưa một chuyên gia Ukraine tới Triều Tiên để giảng dạy.
Điệp viên X5 trong phân xưởng làm việc. Ảnh: CNN.
X5 chia sẻ buồng giam với 8 người khác, tài sản duy nhất của ông là các hộp vitamin và một số đồ dùng cá nhân. Điệp viên này khẳng định ông rất muốn trở về Triều Tiên, nhất là khi chưa được nói chuyện với gia đình và bạn bè từ khi bị bắt hồi năm 2011.
Trong khi đó, X32 đồng ý trả lời phỏng vấn nhưng ngay lập tức đổi ý, trước khi lấy tay che máy ảnh và rời đi. Người này không thừa nhận tội của mình. X32 được giam ở khu vực thoải mái hơn X5 và nhận công việc chế tạo đồ nội thất.
Ông Denys Chernyshov, Thứ trưởng Tư pháp Ukraine, cho biết quan chức ngoại giao Triều Tiên chỉ gặp các điệp viên đúng một lần. "X5 và X32 từng đề nghị chính quyền Ukraine dẫn độ họ về Triều Tiên để tiếp tục án tù. Nhưng họ bị bắt vì làm gián điệp cho Bình Nhưỡng, đương nhiên chúng tôi đã bác bỏ yêu cầu này", ông Chernyshov cho biết.
"Bị cô lập ở một quốc gia và nền văn hóa khác là áp lực rất lớn. Họ rõ ràng là những người mạnh mẽ, được chuẩn bị rất tốt. Tuy nhiên, nhiệm vụ của cả hai đã thất bại, có thể họ sẽ không được chào đón khi trở về nước vào tháng 9/2018", ", Thứ tưởng Tư pháp Ukraine Chernyshov nhận định.