Vụ hè thu năm 2017, toàn tỉnh Cà Mau xuống giống hơn 36.700ha, trong đó huyện Trần Văn Thời gần 29.000ha; diện tích lúa đã thu hoạch là hơn 5.700ha.
Nông dân xót xa vì nhiều diện tích lúa ngập chìm trong nước. Ảnh: Chúc Ly
Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau ngày 23.8, trong những ngày qua nhiều cơn mưa lớn kéo dài đã làm đỗ ngã và ngập chìm nhiều trà lúa hè thu đang trong giai đoạn chín đến thu hoạch, chủ yếu tập trung tại huyện Trần Văn Thời, với tổng diện tích 26.427ha (giai đoạn chín đang thu hoạch 5.427ha, giai đoạn đỏ đuôi 21.000ha); trong đó diện tích lúa bị đỗ ngã hơn 2.000ha, mức độ thiệt hại ban đầu từ 30-70%, có 5ha thiệt hại trên 70%.
Nhiều diện tích lúa ở huyện Trần Văn Thời chìm trong "biển nước". Ảnh: Chúc Ly
Ghi nhận tại các xã có diện tích lúa lớn ở huyện Trần Văn Thời như Khánh Bình, Trần Hợi,…nhiều diện tích lúa đang bị chìm trong “biển nước”. Một số khu vực, tranh thủ ngày có nắng, rất nhiều nông dân đã đem lúa mới cắt ra phơi.
Nông dân tranh thủ phơi lúa khi có nắng (Ảnh: Chúc Ly)
Vừa loay hoay với đống lúa mới cắt xong chưa kịp phơi, ông Tiêu Phong Quyển (ấp Kinh Cũ, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời), ngao ngán nói: “Mưa kéo dài lúc lúa đang chín khiến gia đình tôi hết sức khổ sở. Nước trên ruộng quá nhiều, ngập toàn bộ diện tích hơn 3ha nên không thể nào đưa máy vào ruông cắt lúa được, buộc lòng phải cắt tay nên rất mất thời gian, công sức".
Những hạt lúa bị ngâm trong nước... Ảnh: Chúc Ly
Hơn 3ha lúa của gia đình ông Quyển chỉ thu về khoảng 6 tấn lúa (Ảnh: Chúc Ly)
Toàn bộ số lúa vừa mới thu hoạch của ông Quyển chờ được phơi khô (Ảnh: Chúc Ly)
“Riêng tiền thuê nhân công cắt lúa đã tốn 16 triệu đồng, tiền thuê nhân công đưa lúa từ ruộng vào nhà là 350.000 đồng/công (khoảng 13.000m2), tiền thuê máy suốt lúa là 15.000 đồng/bao lúa (50kg). Trong khi tổng sản lượng thu được chỉ khoảng 6 tấn lúa, chưa kể khi phơi khô sẽ còn hao hụt khoảng 20% nữa” - ông Quyển bộc bạch.
Với số lúa ướt này của gia đình ông Quyển, khi phơi khô sẽ tiếp tục hao hụt (Ảnh: Chúc Ly)
Cũng theo ông Quyển, hiện nay, phần lớn số lượng lúa bị ngã và ngập nước thì thương lái chưa chịu mua, vì lúa xấu và đen. Vụ hè thu năm nay, riêng chi phí phân thuốc đã gần 40 triệu đồng, như vậy gia đình ông cầm chắc lỗ.
Lúa ngập nước có màu đen, thương lái rất ngại mua (Ảnh: Chúc Ly)
Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Điền (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời), buồn rầu nói: Hơn 1ha lúa OM5451 của gia đình đã đến lứa thu hoạch từ 24 âm lịch, nhưng đến nay đã hơn 1 tuần vẫn chưa thể cắt được vì nước trên ruộng còn quá cao. Tôi ước tính diện tích này sẽ bị hao hụt sản lượng khoảng 40%, còn giá cả thì chắc chắn sẽ bị sụt giảm vì lúa quá xấu, có chỗ còn bị mọc cả mầm.
Nhiều khu vực trong ruộng lúa của gia đình ông Điền bị ngập trong nước, có lúa đã bị lên mầm (Ảnh: Chúc Ly)
Một số diện tích lúa của ông Điền tuy không bị ngã nhưng vẫn bị ngập đến đầu gối (Ảnh: Chúc Ly)
“Trước tình hình này để thu hoạch được diện tích lúa của gia đình, tôi đang chuẩn bị máy bơm để rút nước ra khỏi ruộng. Trong vài ngày tới nếu trời nắng lên thì mới mong đưa máy cắt vào cắt được, còn nếu không thì phải cắt tay. Dẫu biết là chi phí thu hoạch sẽ đội lên rất nhiều nhưng chẳng lẽ mình bỏ lúa, làm vất vả cả vụ chỉ mong đến ngày thu hoạch” - ông Điền chia sẻ.
Lúa đỗ ngã và ngập nước khiến cho sản lượng lúa giảm mạnh (Ảnh: Chúc Ly)
Theo ghi nhận của phóng viên, đến chiều nay (25.8), do tích cực tháo xổ nước và thời tiết đã giảm mưa trên diện rộng nên lượng nước trong nội đồng đã được xổ ra các cửa sông, mực nước trên ruộng đã rút nhiều so với vài ngày trước đây.
Nông dân huyện Trần Văn Thời huy động máy bơm để xổ nước, cứu lúa (Ảnh: Chúc Ly)
Trao đổi với chúng tôi, ông Duy Quốc Tuấn - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Trần Văn Thời, thông tin: Để chủ động chống ngập úng, Phòng NNPTNT đã chỉ đạo UBND các xã phân công cán bộ túc trực mở toàn bộ hệ thống cống đập trên địa bàn huyện để xổ nước và vận hành trạm bơm hoạt động để tiêu úng.
Đồng thời rà soát, huy động toàn lực các máy gặt đập liên hợp để cắt lúa cho người dân kịp thời, hạn chế thiệt hại, bên cạnh đó nắm bắt tình hình giá lúa không để tình trạng thương lái ép giá, ảnh hưởng đến thu nhập người dân.