Nhân lên nhiều “địa chỉ xanh”
Cứ đều đặn hàng tuần, hễ nghe tin ở đâu tổ chức hội chợ hay sự kiện về các sản phẩm thực phẩm an toàn, ông Nguyễn Văn Hoàng (ở quận Cầu Giấy) lại lặn lội tới tận nơi để mua. Ông Hoàng chia sẻ: “Trước thực trạng tình hình thực phẩm như hiện nay, nhiều năm nay gia đình tôi đã chủ động tìm tới các đơn vị, cơ sở sản xuất uy tín để mua. Nhưng mua của tận nhà sản xuất thì rất khó khăn, chủ yếu tranh thủ các hội chợ, hoặc những “địa chỉ xanh” bán nông sản an toàn do cơ quan đơn vị uy tín tổ chức mới yên tâm. Bởi những mặt hàng đều được kiểm tra, kiểm soát về chất lượng”.
Người tiêu dùng Hà Nội có thêm địa điểm để mua thực phẩm an toàn từ chương trình Bữa ăn an toàn. Ảnh: LS
Từ chỗ chỉ có 180 dòng sản phẩm, đến nay tại TP.Hà Nội đã có khoảng 1.800 mặt hàng nông sản, thực phẩm sạch của các địa phương được bày bán ở 142 điểm phân phối, với sự tham gia của 52 doanh nghiệp. |
Trong khi đó, bà Trần Thị Tâm, nhà ở quận Ba Đình (Hà Nội) thì cho rằng, đến với hội chợ, sự kiện nông sản sạch là mong muốn mua được sản phẩm sạch đúng chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. “Những hội chợ hay tổ chức ở các trung tâm, hội nghị, ở xa, và thỉnh thoảng nên chúng tôi mong muốn có những chương trình như “Bữa ăn an toàn”. Vì nó tiếp cận được tới chúng tôi ngay tại khu dân cư, và được các đơn vị sản xuất uy tín và các cơ quan chức năng cùng phối hợp tổ chức nên cảm thấy yên tâm hơn hẳn” – bà Tâm cho hay.
Từ lúc chương trình “Bữa an an toàn” được triển khai ở chung cư 24T, người dân ở cụm chung cư này có thêm một địa chỉ để mua thực phẩm an toàn. “Mấy ngày nay, thấy chương trình chuẩn bị mở cửa hàng trong khu chung cư, tôi cũng mừng lắm. Mong sao, Hà Nội tiếp tục duy trì và mở rộng được mô hình này thì quá tốt, những người nội trợ chúng tôi không phải mất công tìm kiếm. Rất tiện lợi mà giá cả không chênh lệch là bao” – bà Tâm nói.
Kết nối nhiều “nhà”
Theo các chuyên gia, để phát triển chuỗi và điểm bán nông sản an toàn, qua đó mở rộng cơ hội cho người dân tiếp cận nông sản, thực phẩm an toàn cần phải coi doanh nghiệp là “hạt nhân” và “đầu tàu”, đóng vai trò quyết định từ liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến đến tiêu thụ, phân phối trực tiếp nông sản thực phẩm an toàn trên thị trường. Theo đó, việc kết nối giữa doanh nghiệp và người nông dân sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất nông sản, từ đồng ruộng, chuồng trại đến bàn ăn theo đúng quy trình, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam và quốc tế.
“Khi tham gia và cung ứng chuỗi thực phẩm sạch cho Hà Nội, doanh số của doanh nghiệp tăng lên, đồng nghĩa với việc khuyến khích người dân nuôi trồng nhiều hơn để cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, từ đó tăng thu nhập cho người nông dân. Người tiêu dùng cũng hưởng lợi từ chuỗi trên về giá cả, công ty lấy lợi nhuận của các khâu để làm lãi, nhờ vậy giá thực phẩm đến tay người tiêu dùng không cao” – bà Hồ Thị Mai Chinh - Phó trưởng Ban chỉ đạo, chủ nhiệm Chương trình “Bữa ăn an toàn” Hà Nội chia sẻ.
Bà Hồ Thị Mai Chinh cũng cho biết sẽ tiếp tục xây dựng các gian hàng cố định tại các chung cư cao tầng ở Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai. Bên cạnh đó, tiếp tục công việc truy xuất nguồn gốc của các nhà cung cấp một cách nghiêm túc; gắn quyền lợi người tiêu dùng với trách nhiệm của 5 nhà nói trên để chung tay kiểm soát thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn. Bên cạnh đó, cũng cần khuyến cáo người cung cấp không lợi dụng “Bữa ăn an toàn” để đưa hàng hoá không đạt chất lượng, chưa được kiểm soát đến người tiêu dùng, làm mất uy tín của chương trình. Các nhà báo sẽ tham gia giám sát chương trình này, Ban tổ chức sẽ chỉ đạo theo 2 hướng: nếu làm tốt, khen thưởng, tuyên dương; nếu không tốt, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc”.