Dân Việt

Hội thảo sửa đổi NĐ67: Sắp có những ưu đãi chưa từng có cho ngư dân

Nhóm PV VPMT 29/08/2017 08:27 GMT+7
Những khó khăn, vướng mắc cùng các kiến nghị, đề xuất, hiến kế sẽ được nêu bật tại hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 - những vấn đề cần đặt ra” diễn ra vào sáng nay 29.8 tại TP.Đà Nẵng do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP.Đà Nẵng phối hợp tổ chức. Từ các ý kiến, hiến kế tại hội thảo giúp các cơ quan chức năng có hướng sửa đổi nghị định nhằm tạo ra những đột phá mạnh mẽ hơn giúp tàu 67 vững vàng vươn khơi.

8 giờ:

Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 những vấn đề cần đặt ra” chính thức diễn ra dưới sự chủ trì của ông Lại Xuân Môn - Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN.

img

Toàn cảnh hội thảo "Sửa đổi Nghị định 67 những vấn đề cần đặt ra". Ảnh: Ngọc Vũ

Cùng chủ trì và điều hành hội thảo còn có: Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, ông Nguyễn Ngọc Oai – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT); Nhà báo Lưu Quang Định – Tổng Biên tập Báo NTNN/báo điện tử Dân Việt;

Hội thảo có sự góp mặt của 200 đại biểu lãnh đạo Bộ NNPTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương.

Hội thảo cũng có sự tham dự của đại diện Thành ủy, UBND TP.Đà Nẵng, lãnh đạo UBND các tỉnh, Sở NNPTNT, Chi cục Thủy sản, Hội Nông dân các tỉnh ven biển cùng bà con ngư dân- những người trực tiếp được thụ hưởng những chính sách từ Nghị định 67. Đại diện các Ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp, công ty đóng tàu, công ty bảo hiểm tham gia Nghị định 67 cũng tham dự hội thảo ý nghĩa này.

img

Rất đông cơ quan báo chí đã đến tham dự đưa tin về hội thảo.

8 giờ 45

Đà Nẵng luôn sẵn sàng cho Hoàng Sa bội thu

Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh- Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, hiện Đà Nẵng có số lượng tàu cá không nhiều với 1.614 chiếc. Trong đó, thúng máy 458 chiếc, tàu công suất dưới 90cv 394 chiếc, tàu công suất từ 90cv trở lên 502 chiếc (trong 502 chiếc từ 90cv trở lên có 389 chiếc tàu có công suất từ 400cv trở lên); công suất bình quân khoảng 300cv/tàu; cơ cấu tàu thuyền tương đối hợp lý, ngư trường khai thác chủ yếu là Hoàng Sa, biển miền Trung và Vịnh Bắc Bộ.

Với chiến lược hướng biển, cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư đồng bộ, có khu công nghiệp thủy sản tập trung (cảng cá, chợ cá, âu thuyền, nhà máy chế biến, chợ hậu cần, cửa hàng vật tư, thiết bị tàu cá, cơ sở dầu, nước đá, cơ sở đóng sửa tàu, dịch vụ ăn uống, giải trí).

img

Ông Hồ Kỳ Minh phát biểu tại hội thảo (ảnh Đình Thiên).

Mỗi năm Âu thuyền - Cảng cá Thọ Quang tiếp nhận trên 19.200 lượt tàu khai thác hải sản của Đà Nẵng và các tỉnh bạn như: Bình Thuận, Khánh Hòa. Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa thiên Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh,....di chuyển đến đến ngư trường Đà Nẵng để khai thác, mua bán hải sản và sử dụng các dịch vụ hậu cần nghề cá; Hệ thống hạ tầng dịch vụ tại Cảng cá Thọ Quang từng bước được đầu tư, đáp ứng nhu cầu phục vụ đa dạng các hoạt động mua bán thủy sản sản, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, dịch vụ hậu cần nghề cá, ông Minh cho hay

Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng còn cho biết, thực hiện các chính sách hỗ trợ và phát triển thủy sản của Trung ương như Nghị định 67, Quyết định 48,..., thành phố Đà Nẵng đã ban hành các văn bản giao các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện trên tinh thần công khai minh bạch. Về Nghị định số 67, đến nay Đà Nẵng đã phê duyệt cho 07 cá nhân đóng mới 07 tàu cá (05 tàu vỏ thép, 02 tàu vỏ gỗ); 02 cá nhân nâng cấp tàu cá; Từ năm 2014 đến 2016 đã có 356  lượt tàu mua bảo hiểm thân tàu, mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho 6.049 người với tổng kinh phí khoảng 12,38 tỷ đồng.

Cũng theo ông Minh, song song với các chính sách của Trung ương, thành phố Đà Nẵng cũng ban hành các chính sách để hỗ trợ ngư dân bám biển như: đóng mới tàu cá theo Quyết định số 47 (từ năm 2012 đến nay đã đóng mới được 73 tàu với tổng kinh phí hỗ trợ 38 tỷ đồng), chính sách hỗ trợ ngư dân“xả bản“ tàu công suất nhỏ theo Quyết định số 4991 (tính đến nay, đã hỗ trợ cho 65 chủ phương tiện, với tổng kinh phí gần 03 tỷ đồng); chính sách hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên đối với các thuyền viên sản xuất trên các tàu có công suất từ 50CV đến 90CV (từ năm 2012 đến nay đã chi hỗ trợ cho  9.081 lượt thuyền viên người với tổng số tiền 525 triệu đồng); chính sách hỗ trợ các mô hình sản xuất như hầm bảo quản sản phẩm (từ năm 2010 đến nay đã chi hỗ trợ cho 71 hộ ngư dân với tổng số tiền gần 03 tỷ đồng); ngoài ra, thành phố cũng thường xuyên xem xét hỗ trợ cho ngư dân không may gặp tai nạn trên biển.

img

img

Hội thảo diễn ra trong không khí rất sôi nổi với nhiều ý kiến, báo cáo, tham luận được trình bày.

Phát biểu thêm tại hội thảo ông Hồ Kỳ Minh cho rằng, mặc dù, thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi về giao thông, địa lý, có cơ sở hậu cần nghề cá tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân trên địa bàn thành phố cũng như các tỉnh lân cận, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn cần được bổ sung hoàn thiện trong thời gian tới.

Cụ thể: theo thiết kế thì Âu thuyền Thọ Quang neo đậu được khoảng 600 tàu trong điều kiện thời tiết bình thường và 493 tàu khi có bão. Nhưng hiện nay số lượng tàu cá về neo đậu trong Âu thuyền Thọ Quang quá nhiều so với thiết kế, trong điều kiện thời tiết bình thường có từ 500 đến 600 chiếc neo đậu, khi có bão hoặc biển động thì số tàu cá vào neo đậu ở Âu thuyền từ 800 đến 1200 chiếc, gấp 2,5 lần số lượng tàu đậu theo thiết kế, gây quá tải nên không đảm bảo an toàn cho tàu cá; dễ xảy ra tình trạng nguy hiểm như đứt phao bù, đứt neo, các tàu va đập, mắc cạn, chìm, cháy nổ…

Để giảm tải neo đậu tàu cá tai Âu thuyền Thọ Quang và giảm ô nhiễm môi trường, thành phố đang cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu quy hoạch và đầu tư xây dựng thêm khu neo đậu ổn định lâu dài cho tàu cá kết hợp với phòng chống bão tại khu vực Âu nước cồn Mân Quang.

Về định hướng phát triển thủy sản thời gian tới, chính quyền thành phố sẽ nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó Đà Nẵng sẽ cơ cấu lại tàu thuyền, cơ cấu nghề; tổ chức lại hoạt động tổ đội trên biển; sản lượng khai thác; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ...

Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá đồng bộ theo hướng xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ: đầu tư cảng Thọ Quang thành trung tâm nghề cá của thành phố, của khu vực và vịnh Mân Quang thành nơi trú bão cho tàu thuyền công suất lớn từ 400 – 1.000 CV. 

Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, thống nhất phương án chia sẻ lợi ích với các địa phương lân cận để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án Trung tâm nghề cá khu vực. Ban hành quy định về bán đấu giá sản phẩm tại chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang.

Khôi phục, đầu tư nâng cấp phát triển lĩnh vực cơ khí thủy sản, trước hết là đóng, sửa các tàu cá khai thác xa bờ, mạng lưới dịch vụ cơ khí, cung ứng dịch vụ bảo dưỡng, bảo hành,... Nghiên cứu , có chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển và hỗ trợ bảo quản sản phẩm sau khai thác để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản phẩm.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng hy vọng rằng, hội thảo hôm nay sẽ tìm ra được những giải pháp thiết thực, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 67, giúp ngư dân cả nước vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo; đồng thời, giúp thành phố Đà Nẵng thực hiện được những định hướng nêu trên, ông Minh nói.

8 giờ 55

Chủ tịch Hội NDVN Lại Xuân Môn: 5 vấn đề cần tập trung thảo luận

img

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội ND Việt Nam Lại Xuân Môn phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã gợi ý 5 chủ đề cần thảo luận.

- Về chính sách đầu tư: Hạ tầng cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đã đồng bộ chưa? Cần phải làm những gì để thời gian tới công tác đầu tư hạ tầng cho ngành khai thác thủy hải sản được tốt hơn.

- Về chính sách tín dụng: Vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Thủ tục cho vay rườm rà, phức tạp, các ngân hàng vẫn yêu cầu ngư dân phải thế chấp sổ đỏ, lãi suất cho vay còn cao..., vì vậy nhiều ngư dân rất khó vay hoặc không muốn vay vốn.

- Về bảo hiểm tàu cá: Từ đầu năm đến nay, do hướng dẫn chậm, các doanh nghiệp bảo hiểm không tiếp tục thực hiện bảo hiểm theo Nghị định 67/2014 đã phát sinh vướng mắc, làm cho các ngân hàng thương mại không tiến hành giải ngân cho các tàu đang đóng hoặc tàu đã đóng xong nhưng không có bảo hiểm nên không đi biển được. 

-  Về thiết kế, thẩm định, thi công, công tác giám sát, kiểm tra đóng mới tàu cá: Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được khi đã có hơn 1.500 con tàu được nâng cấp, đóng mới, thời gian qua đã xảy ra sự cố đáng tiếc với 40 con tàu bị hỏng hóc máy móc, gỉ sét... nên phải nằm bờ. Thời gian tới, chúng ta phải thực hiện các quy trình, bảo đảm tính công khai, minh bạch ra sao; trách nhiệm của các bên như thế nào để hạn chế tối đa sự cố như vậy?

- Về một số chính sách khác: Việc đào tạo, hướng dẫn thuyền viên vận hành con tàu, hỗ trợ thiết bị đi biển dài ngày, thời gian đi biển như hiện nay đã hợp lý chưa? 

img

Rất đông các phóng viên báo, đài phỏng vấn Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn.

9 giờ 15

Nghị định 67 sửa đổi: Ngư dân sẽ được hỗ trợ tối đa

img

Ông Nguyễn Văn Trung- Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản.

Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Trung- Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết:

Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7.7.2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản, phát triển bền vững; các Bộ, ngành và địa phương đã tổ chức hướng dẫn kịp thời; các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đã được các Bộ, ngành liên quan đã tích cực hướng dẫn, giải đáp hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các nội dung vượt thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng hướng dẫn và ngư dân tham gia thực hiện.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nghị địnhh, các khó khăn, vướng mắc đã được Chính phủ và các Bộ, ngành tích cực tháo gỡ. Tuy nhiên còn một số khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục.

Về chính sách đầu tư: Các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đồng bộ (chưa quy định đối với các hạng mục như: hệ thống xử lý nước thải; nhà phân loại; nhà điều hành; sân và đường nội bộ; hệ thống đèn chiếu sáng); ngân sách nhà nước đầu tư cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, khu nuôi trồng thủy sản tập trung còn hạn chế (năm 2015 tăng 30,5% so với 2014; năm 2016 giảm 22,5% so với năm 2015).

Thời gian gần đây đội tàu cá phát triển mạnh về số lượng; kích thước và công suất tàu lớn hơn, trong khi cơ sở hạ tầng nghề cá (cảng cá, khu neo đậu) chưa kịp thời đáp ứng được; nguồn vốn cho duy tu bảo dưỡng thấp nên hầu hết các công trình cơ sở hạ tầng nghề cá bị xuống cấp, quá tải.

Về chính sách tín dụng: Thời gian đầu tiến độ đóng mới tàu cá còn chậm do khối lượng văn bản hướng dẫn nhiều, phối hợp nhiều đơn vị; chính sách được xây dựng theo hướng tạo điều kiện để ngư dân chủ động lựa chọn (tự quyết định việc vay vốn, lựa chọn mẫu tàu, máy móc trang thiết bị, ngư lưới cụ, cơ sở đóng tàu, ngân hàng vay vốn ...).

Do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên ngư dân còn lúng túng chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế và công tác giám sát thi công; công tác đăng kiểm còn thiếu về nguồn lực, yếu về trình độ. Một số tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Quảng Nam, Thanh Hóa, Ninh Thuận bị rỉ sét nặng phần vỏ, máy tàu bị hư hỏng, trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn hoạt động kém .... gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước.

img

Hội thảo có sự tham dự của gần 200 đại biểu.

Về chính sách vay vốn lưu động: Lãi suất cho vay cao, phương thức cho vay, cơ chế cho vay chưa phù hợp và chưa có cơ chế xử lý rủi ro cho các ngân hàng thương mại nên chưa tạo được sự tích cực cho vay và ngư dân thấy quá phiền phức nên không muốn vay; vì vậy với mục đích của chính sách này là không để ngư dân phải lệ thuộc vào chủ nậu vựa để chuẩn bị cho các chuyến biển là chưa đạt được.

Về chính sách bảo hiểm: Năm 2017, do hướng dẫn chậm, các doanh nghiệp bảo hiểm không tiếp tục thực hiện bảo hiểm theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã phát sinh vướng mắc từ đầu năm đến nay làm cho các ngân hàng thương mại không tiến hành giải cho các tàu đang đóng hoặc ngư dân có tàu đã đóng xong do không có bảo hiểm nên không đi biển được. Cần bổ sung thêm doanh nghiệp thực hiện bảo hiểm trên địa bản của mỗi tỉnh thay vì chỉ có một doanh nghiệp như hiện nay để ngư dân lựa chọn...

Về một số tàu cá vỏ thép bị hư hỏng tại các tỉnh Trung Bộ: Có 40 tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân tỉnh Bình Định (19 tàu) và Phú Yên (02 tàu), Thanh Hóa (18), Quảng Nam (1) bị hư hỏng (rỉ sét phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, van ống; máy chính, máy phát điện, trang thiết bị và hầm bảo quản).

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở đóng tàu và hướng dẫn thực hiện duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép; tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra thực tế các tàu cá bị hỏng tại nơi neo đậu và làm việc với địa phương, cơ sở đóng tàu và ngư dân để xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục; tổ chức Hội nghị chuyên đề về đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 09/6/2017 tại Bình Định. Sau Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tổng rà soát lại các cơ sở đóng tàu, các tàu vỏ thép đã đóng và đang đóng trên phạm vi toàn quốc để chấn chỉnh. UBND tỉnh Bình Định đang chỉ đạo quyết liệt để khắc phục các sự cố của tàu vỏ thép để đưa vào sản xuất, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, các tàu cá vỏ thép bị hư hỏng đã được các cơ sở đóng tàu, ngư dân và các đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành khắc phục, sửa chữa để đưa các tàu này tiếp tục đi vào hoạt động.

img

Theo dự thảo Nghị định 67 sửa đổi, tới đây ngư dân sẽ được hỗ trợ tối đa hơn nữa.

Về đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2014/NĐ-CP:

Ngân sách Trung ương ưu tiên tập trung đầu tư đồng bộ các hạng mục bao gồm cầu cảng; kè bờ, kè chắn sóng, chắn cát; nạo vét luồng ra vào cảng, vùng nước neo đậu tàu; công trình neo buộc tàu; hệ thống xử lý nước thải; nhà phân loại; nhà điều hành; sân và đường nội bộ; hệ thống đèn chiếu sáng; hệ thống phao tiêu, báo hiệu, đèn tín hiệu; hệ thống thông tin liên lạc chuyên dùng) và đầu tư xây dựng 05 Trung tâm nghề cá lớn (cảng cá động lực).

 Ngân sách Trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng đối với các dự án do Bộ, ngành Trung ương quản lý đối với các hạng mục hạ tầng đầu mối vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; vùng sản xuất giống tập trung bao gồm: Hệ thống cấp thoát nước (ao, bể chứa, cống, kênh, đường ống cấp, tiêu nước, trạm bơm), đê bao, kè, đường giao thông, hệ thống điện, công trình xử lý nước thải chung; nâng cấp cơ sở hạ tầng các Trung tâm giống thủy sản quốc gia, Trung tâm giống thủy sản cấp vùng, cấp tỉnh; Trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản, Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản cấp Trung ương và cấp vùng. Sửa đổi, bổ sung thời gian thực hiện chính sách đến năm 2020.

 Chính sách hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá cần chuyển từ chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng đóng mới tàu cá sang chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá theo hình thức hỗ trợ một lần sau đầu tư  theo hướng: Đóng mới tàu 800CV trở lên vỏ thép, vỏ vật liệu mới để thay thế tàu có công suất từ 90CV trở lên được giải bản. Không làm tăng, đảm bảo ổn định số lượng tàu cá xa bờ, cơ cấu lại nghề để giảm, chuyển đổi một số nghề không khuyến khích phát triển như lưới kéo. Mức hỗ trợ và điều kiện được hỗ trợ tương tự như đối với quy định tại Quyết định 47/2016/QĐ-TTg.

Chính sách tín dụng lưu động đề xuất sửa đổi bổ sung theo hướng tăng hạn mức cho vay tối đa cho một chuyến biển; sửa đổi, bổ sung thêm cơ chế cho vay, cơ chế xử lý rủi ro cho tổ chức tín dụng (theo hình thức vay tín chấp và bỏ thủ tục do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện được vay vốn.

Về chính sách bảo hiểm thực hiện hỗ trợ đối với tàu công suất từ 250CV trở lên;  quy định mức hỗ trợ là 70% chi phí bảo hiểm thân tàu và thuyền viên.  Bổ sung hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá và thuyên viên tàu có công suất máy chính từ 400CV trở lên.

img

Hội thảo có sự tham dự của nhiều đại biểu, trong đó có các lực lượng như biên phòng, kiểm ngư, cảnh sát biển.

9 giờ 55

Bổ sung đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho tàu cá 67

img

Ông Nguyễn Công Bình- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NNPTNT Bình Định)

Ông Nguyễn Công Bình- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NNPTNT Bình Định) cho biết: “Thực hiện NĐ 67, về đóng mới tàu cá, tỉnh Bình Định được Bộ Nông nghiệp và PTNT phân bổ với số lượng 305 tàu cá (285 tàu khai thác, 25 tàu dịch vụ hậu cần). UBND tỉnh đã phê duyệt 14 đợt các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới cho 260 tàu (149 tàu vỏ thép, 85 tàu vỏ gỗ, 26 tàu vỏ composite), trong đó có 247 tàu khai thác và 13 tàu dịch vụ hậu cần. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt 03 đợt chủ tàu được đóng mới tàu cá theo Quyết định 47/2016/QĐ-TTg với 37 chủ tàu (05 thép, 29 gỗ, 03 composite). Như vậy, so với kế hoạch đóng mới tàu cá được phân bổ (305 chiếc) thì đến nay toàn tỉnh đã thực hiện phê duyệt danh sách đủ điều kiện đóng mới đạt 97,37% (297/305 tàu).

Về nâng cấp tàu cá, UBND tỉnh đã phê duyệt 50 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn nâng cấp tàu cá võ gỗ thực hiện mua sắm ngư lưới cụ, trang thiết bị đánh bắt xa bờ”.

Theo ông Bình, đến nay, toàn tỉnh đã có 59 chủ tàu ký Hợp đồng tín dụng với các Ngân hàng, trong đó có 58 Hợp đồng đóng mới (thép: 47, Composite: 06, gỗ: 05) và 1 hợp đồng nâng cấp tàu vỏ gỗ với tổng số vốn cam kết cho vay 893.859 triệu đồng. Đã giải ngân cho 57 hợp đồng với số tiền 831.676 triệu đồng. Dư nợ cho vay 826.064 triệu đồng. Hiện tại có 54 tàu đóng xong và hạ thủy (52 tàu đi khai thác, 02 tàu chờ làm ngư lưới cụ); 04 tàu còn đang thi công.

Trong quá trình hoạt động sản xuất, một số ngư dân phản ánh về tình trạng vỏ thép bị rỉ sét nặng, máy tàu thường xuyên bị sự cố, lưới cuốn chân vịt, trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn bị hư hỏng hoặc không hoạt động. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NNPTNT phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và chủ tàu, cơ sở đóng tàu, chính quyền địa phương kiểm tra, giám định chất lượng vỏ tàu, máy tàu bị hư hỏng và chỉ đạo việc khắc phục các hư hỏng cho 20 tàu cá vỏ thép đóng mới tại 2 Công ty đóng tàu: Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đảm bảo chất lượng theo hợp đồng đóng tàu đã ký kết để sớm đưa tàu và hoạt động sản xuất.

Để nâng cao hiệu quả của các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ trong thời gian tới, đại diện Sở NNPTNT Bình Định đã đề nghị Bộ NNPTNT sớm trình sửa đổi, bổ sung NĐ 67/2014-NĐ-CP theo hướng hỗ trợ một lần sau đầu tư để giảm sự phụ thuộc và tránh rủi ro trong việc cho vay và thu hồi nợ vay của ngân hàng. Phối hợp các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển rà soát, đánh giá lại việc công bố cơ sở đủ điều kiện đóng mới tàu cá, đặc biệt là các cơ sở đóng mới tàu cá vỏ thép. Kiên quyết loại bỏ những cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện hoặc đóng tàu không đúng với chất lượng cam kết với ngư dân ra khỏi danh sách cơ sở đóng tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu.

Bên cạnh đó, bổ sung nội dung hỗ trợ đối với việc đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá; hỗ trợ kinh phí cho chủ tàu thuê tư vấn giám sát trong quá trình thi công đóng mới tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Ban hành quy định về định biên, các chức danh làm việc trên tàu cá, đặc biệt là tàu cá vỏ thép…

“Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hướng dẫn kéo dài thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi vay, điều chỉnh thời gian trả nợ trong năm hoặc hướng dẫn cơ cấu nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ  đối với một số tàu vỏ thép đóng mới bị hư hỏng phải nằm bờ để sửa chữa nhưng đã đến thời hạn trả nợ gốc và lãi vay.

Chỉ đạo các Ngân hàng thương mại liên quan tiếp tục triển khai vay vốn đóng mới tàu cá, đẩy nhanh việc thực hiện ký hợp đồng tín dụng với các chủ tàu đã được duyệt danh sách đủ điều kiện đóng mới theo NĐ67/2014/NĐ-CP. Hướng dẫn việc xử lý vốn vay đối với các tàu đóng mới sau khi đưa vào hoạt động sản xuất không phù hợp hoặc sản xuất không hiệu quả chuyển đổi sang nghề khác để đảm bảo hoạt động sản xuất và trả nợ của chủ tàu” - ông Bình nói.                                                                        

10 giờ 30

Sau giờ giải lao, các đại biểu đã bước vào phần thảo luận tại hội thảo

Chấm dứt tình trạng độc quyền về bảo hiểm tàu cá 67

img

Ông Trần Hữu Thế- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên.

Mở đầu phần thảo luận, ông Trần Hữu Thế- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chỉ rõ những bất cập trong việc triển khai các chính sách theo Nghị định 67 tại tỉnh. Ông Thế cho biết: Việc thực hiện Nghị định 67 tại tỉnh Phú Yên chậm, nhất là thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67 so với các tỉnh khác đạt tỷ lệ thấp và đạt thấp so với kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do: Một số cơ chế chính sách để thực hiện Nghị định 67 chưa đồng bộ, dẫn đến nhiều hạn chế, khó khăn vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện; Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các chế độ chính sách theo Nghị định 67 đến ngư dân có mặt còn hạn chế, nên nhiều ngư dân còn e dè, chưa mạnh tiếp cận nguồn vốn lớn, kể cả nguồn vốn lưu động đầu tư cho chuyến biển; Công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, đơn vị, chính quyền địa phương và các ngân hàng thương mại có lúc chưa đồng bộ nên việc xét duyệt, thẩm định các thủ tục hồ sơ vay vốn còn kéo dài...

img

Rất nhiều ngư dân đến tham dự hội thảo sáng nay 29.8.

Trên cơ sở đó, ông Thế cho hay, để quản lý việc đóng tàu theo Nghị định 67 được chặt chẽ, tránh các thiếu sót, sự cố gây thiệt hại cho chủ tàu, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ NNPTNT giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ.

Cụ thể, tỉnh đề nghị Bộ NNPTNT rà soát các mẫu thiết kế để bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với các nghề khai thác và vùng biển hoạt động; kiểm tra, rà soát các cơ sở đóng tàu thép, vật liệu mới và công bố các công ty có năng lực đóng tàu cá tốt nhất để ngư dân liên hệ đóng tàu.

UBND tỉnh Phú Yên cũng đề nghị Chính phủ sớm xem xét ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 quy định thêm một số vấn đề như: Hỗ trợ chi phí giám sát đóng tàu để chủ tàu thuê tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm giám sát quá trình đóng tàu đảm bảo chất lượng; hỗ trợ về đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 trở lên cho tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ; hỗ trợ bảo hiểm cho các tàu đóng theo Nghị định 67 đến hết thời hạn vay; quy định cơ chế xử lý đối với các trường hợp bất khả kháng.

Tỉnh cũng đề nghị xem xét cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tham gia chính sách bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh, để ngư dân có nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp tham gia bảo hiểm. Điều chỉnh qui phạm có liên quan về việc phân cấp vùng biển hạn chế hoạt động được ghị trong giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật đối với tàu cá công suất từ 90 Cv trở lên vì theo như qui định hiện nay không phù hợp với thực tế sản xuất.

Tiếp tục phần thảo luận, một số ngư dân đã lên tiếng.

Các công ty đóng tàu hỏng phải đền bù mọi thiệt hại cho ngư dân

img

Tại hội nghị, ngư dân Đinh Công Khánh- Chủ tàu BĐ 99086 TS quê tại Bình Định (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu), đưa ra lý lo, hôm nay 6 ngư dân chúng tôi lặn lội từ Bình Định ra đây với thông điệp yêu cầu doanh nghiệp đóng tàu phải sửa chữa bồi thường thiệt hại gây ra cho ngư dân Bình Định.

Sau khi đăng ký vay theo Nghị định 67, tôi được ngân hàng BIDV cho vay tổng cộng 18,7 tỷ đồng. Tôi chọn công ty đóng tàu TNHH MTV Nam Triệu của Bộ Công an vì nghĩ rằng sẽ yên tâm hơn. Tôi ra Hải Phòng tới 8 lần. Lần thứ 8 là tháng 8.2016 thì tôi mới biết công ty Nam Triệu gian dối.

“Ngày 20.9.2016, tôi đưa tàu ra Trường Sa để khai thác thì xảy ra sự cố: Hầm đá bị ứ nước, toàn bộ đá lạnh hỏng sạch không thể giữ lạnh cho cá. Chuyến biển này đi nửa tháng, đánh được tổng cộng 2 tấn cá khi đưa xuống hầm lạnh thì toàn bộ đá đã không còn. Cá đánh được hỏng sạch, bán được chưa đầy 30 triệu. Chuyến đó, tôi lỗ 280 triệu đồng. Tôi gọi ngay cho công ty đề nghị kỹ sư vô khắc phục hầm đá mấy tuần sau Nam Triệu mới bố trí người vào sửa chữa. Họ sửa chữa mất 1 tháng. Tới mùa mưa bão thì tôi đành để tàu nằm bờ. Ngày 16.3.2017, tôi mua bạn, phí tổn và 22 thuyền viên đi cùng. Tàu mới chạy ra 10 hải lý thì máy bị hỏng, chạy vào cảng Đề Gi (xã Cát Khánh) nằm bờ tới bây giờ”- ông Khánh bức xúc.

Để “chữa bệnh” cho tàu, ông Khánh phải bán con tàu vỏ gỗ với giá 1,5 tỷ đồng nhưng không "xi nhê" gì, tôi cũng bán luôn chiếc tàu thu mua hải sản gần 1 tỷ đồng. Ngày 25.8, tiền nợ quá hạn ngân hàng hơn1 tỷ đồng. Đến lúc này, tổng thiệt hại của ông Khánh đã lên đến hơn 1,3 tỷ đồng.

“Các cơ quan năng cần triệu tập lãnh đạo Công ty Nam Triệu vào Bình Định giải quyết. Hứa ngày 30 tháng 8 giao tàu nhưng tàu giờ chưa được sửa. Công ty  Nam Triệu phải đền bù thiệt hại cho chúng tôi vì đây là lỗi của doanh nghiệp đóng tàu. Nhân đây, tôi kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành có chỉ đạo ngân hàng có cách gì đó giãn nợ cho chúng tôi để chờ tàu được sửa xong thì chúng tôi lại ra khơi bám biển”- ông Khánh nói.

Ông Khánh cũng cho biết: “Tôi cũng mong cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý mạnh tay hành vi gian dối với ngư dân.  Chúng tôi là ngư dân, ngoài làm ăn trên biển, chúng tôi mong muốn mỗi người đều là những lá chắn bảo vệ cho Hoàng Sa, Trường Sa nhưng công ty đóng tàu họ quá ác, quá vô trách nhiệm và mất đạo đức. Chúng tôi kiến nghị xử lý thật nghiêm những hành vi gian dối này”.

Mẫu chưa phù hợp, hàng loạt tàu đổ bê tông để dằn tàu

Phát biểu trong phần thảo luận, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam cho rằng: Việc đánh giá các tiêu chí đủ điều kiện đóng mới tàu cá giữa các cấp chính quyền và các ngân hàng thương mại là chưa đồng nhất. Việc thương thảo, thỏa thuận hợp đồng vay vốn giữa chủ tàu và ngân hàng thương mại còn nhiều trở ngại do chưa thống nhất về cách tính toán đánh giá phương án vay vốn, giá trị đầu tư dự án nên sau khi được UBND tỉnh phê duyệt vào danh sách chủ tàu đủ điều kiện đóng mới, nhiều chủ tàu và các ngân hàng thương mại vẫn không thỏa thuận được để ký hợp đồng tín dụng. 

Ngoài ra, việc tìm hiểu, lựa chọn và thực hiện đóng tàu cá có công suất lớn, vỏ thép hoặc composite, trang bị nhiều thiết bị khai thác, hàng hải, bảo quản hiện đại còn mới lạ so với ngư dân; quy trình đăng ký, phê duyệt vào danh sách chủ tàu đủ điều kiện đóng mới, quy trình thẩm định, thỏa thuận để đi đến ký Hợp đồng tín dụng giữa chủ tàu cá và ngân hàng, công tác giải ngân của ngân hàng thương mại,... đòi hỏi một khoản thời gian tương đối dài để thực hiện, do vậy kết quả thực hiện chính sách đến nay chưa đạt được như mong đợi, cụ thể:

Bộ NNPTNT đã ban hành 26 mẫu tàu vỏ thép áp dụng cho toàn quốc, nhưng khi áp dụng cho từng địa phương, vẫn có nhiều điểm chưa phù hợp. Đối với ngư dân, lâu nay chỉ mới sử dụng tàu vỏ gỗ, chưa có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về tàu vỏ thép, nên khi đặt hàng thiết kế mới hoặc điều chỉnh thiết kế mẫu của Bộ, vẫn chưa thể đưa ra đầy đủ các yêu cầu của mình. Do vậy, khi thi công đóng mới, còn nhiều vấn đề nảy sinh cần phải thay đổi về kết cấu vỏ tàu, máy chính đẩy tàu, trang thiết bị, giá thành đầu tư,...làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện chính sách.

Ví dụ, các tàu cá của các chủ tàu ở Quảng Nam như: Đỗ Văn Tiến, Phạm Hiên, Đỗ Văn Thành, Trần Đậu đóng tàu tại Công ty Hải Sơn - Đà nẵng, chủ tàu Trần Công Kỳ, đóng tại Công ty Sông Đào - Nam Định phải đổ thêm nhiều tấn bê tông để dằn tàu.  

“Thời gian tới, cấp ngành Trung ương cần tăng cường công tác khuyến ngư, đào tạo, hướng dẫn thuyền trưởng, thuyền viên kỹ thuật vận hành tàu vỏ thép, kiến thức sử dụng các trang thiết bị hàng hải, khai thác hiện đại, phương pháp bảo quản sản phẩm tiên tiến,…để phát huy công năng tàu, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đối với tỉnh Quảng Nam, sẽ tranh thủ nguồn vốn đầu tư có mục tiêu Trung ương, nguồn vốn đầu tư trung hạn của tỉnh và kêu gọi các nhà đầu tư theo hình thức PPP để đẩy mạnh thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển thủy sản như: Khu neo đậu Hồng Triều kết hợp Cảng cá Hồng Triều; Cảng cá Tam Quang gắn với Khu neo đậu tàu thuyền An Hòa; Nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản; Cơ sở đóng tàu thuyền...” - ông Tấn nhấn mạnh.

Sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 trình Quốc hội, Chính phủ

img

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn phát biểu kết thúc hội thảo.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn khẳng định: Nghị định 67 ra đời vào một thời điểm cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa cả về chính trị, kinh tế, xã hội và quốc phòng an ninh.

Chủ tịch Lại Xuân Môn nhấn mạnh: “Ở các nước có điều kiện, ngư dân ra biển được nhà nước hỗ trợ mạnh mẽ. Họ cho vay nông nghiệp lãi suất chỉ bằng ¼ vay kinh doanh thương mại. Còn ở nước ta, vì miếng cơm manh áo, ngư dân ra khơi bám biển. Đi biển về, trừ chi phí còn lại họ được bao nhiêu. Vậy mà ngư dân phải làm 3 nhiệm vụ cả về kinh tế, cả về bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Clip: Phát biểu của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn 

Chủ tịch Lại Xuân Môn cũng đặt vấn đề: Chúng ta có bao nhiêu tàu chấp pháp. Trong khi ngư dân có tới mấy triệu người luôn luôn có mặt trên biển. Có thể nói, mỗi ngư dân là một chiến sĩ, là một lá chắn trên biển. Đúng ra chính sách này phải hỗ trợ hết mức cho ngư dân. Tất cả ý kiến phát biểu, thảo luận hôm nay đều rất tâm đắc, xác đáng và sâu sắc. Vì thế, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến này, để từ đó nghiên cứu., chỉnh sửa bổ sung Nghị định 67, để làm sao chủ trường chính sách của nhà nước ăn khớp với việc thực hiện để Nghị định phát huy hiệu quả.

Về việc vay vốn và trả nợ, ông Môn cho rằng: “Phải khẳng định rõ ràng, ngư dân chúng ta rất sòng phẳng. Chỉ là do thất cơ lỡ vận mới chậm trả nợ. Hiện nay,những tàu hỏng hóc nằm bờ sẽ đề nghị chính sách để hỗ trợ. Có thể là ngân hàng, doanh nghiệp hoặc những công ty đóng tàu sai phép, gian dối chịu trách nhiệm. Thậm chí sẽ yêu cầu đền bù các thiệt hại khác đối với các chủ tàu”.

“Về việc bảo vệ ngư dân cho thấy, các lực lượng chấp pháp đang tham gia bảo vệ ngư dân. Tuy nhiên phải thấy rằng chúng ta có bao nhiêu tàu chấp pháp, trong khi chúng ta có rất rất nhiều đội tàu đánh bắt. Vậy nên khi ngư dân gặp nạn, rủi ro việc ứng cứu sẽ gặp nhiều khó khăn. Tôi cho rằng, còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện để trình lên Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu ban hành các chính sách mới phù hợp hơn”, ông Môn nhấn mạnh.

LỜI CẢM ƠN

Ngày 29.8.2017, tại Trung tâm Hành chính UBND TP. Đà Nẵng, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT, UBND TP. Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội thảo "Sửa đổi Nghị định 67: Những vấn đề cần đặt ra" nhằm mục đích đánh giá, tổng kết lại 3 năm thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Báo NTNN/Dân Việt được giao trực tiếp tổ chức, thực hiện hội thảo.

Sau một buổi sáng làm việc với tinh thần khẩn trương, hiệu quả, hội thảo đã thành công tốt đẹp. Để có sự thành công này, Báo NTNN/Dân Việt xin được trân trọng gửi lời cảm ơn tới: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn đã dành thời gian tham dự chủ trì hội thảo; UBND TP. Đà Nẵng đã tạo điều kiện hỗ trợ về địa điểm, công tác hậu cần cho hội thảo; Bộ NNPNT đã phối hợp, chuẩn bị về mặt nội dung hội thảo.

Chúng tôi cũng trân trọng cảm ơn: Đại điện các cơ quan, Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND các tỉnh, Hội Nông dân, Sở NNPTNT, Chi cục Thủy sản các tỉnh; các lực lượng chức năng: Biên phòng; Cảnh sát biển; Kiểm ngư; đặc biệt là một số bà con ngư dân đã tới tham dự và có ý kiến tại hội thảo.

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã tài trợ để hội thảo thành công tốt đẹp./.

BBT BÁO NTNN/DÂN VIỆT