Dân Việt

Nỗi “khổ” khó nói của UBND TP.HCM liên quan đến BOT Phú Mỹ

Quốc Hải 29/08/2017 12:00 GMT+7
UBND TP.HCM đã “thẩm định không tới” năng lực của nhà đầu tư dự án BOT Phú Mỹ (Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ - PMC). Hệ quả tất yếu là TP.HCM đã nếm “trái đắng” là buộc phải trả nợ thay cho chủ đầu tư đến năm 2020...

Từ sau khi PMC tuyên bố không có khả năng trả nợ cho Dự án BOT Phú Mỹ (đầu năm 2015), UBND TP.HCM buộc phải tiếp tục trả nợ cho Ngân hàng Societe Generale (Pháp) khoản tiền đã vay để xây cầu Phú Mỹ. Theo đó, khoản nợ khoảng 1.370 tỷ đồng sẽ tiếp tục được TP thay cho chủ đầu tư trả dần đến năm 2020 với mỗi năm trả làm hai đợt (140 tỷ đồng/đợt).

img

Cầu Phú Mỹ đang bị Thanh tra Chính Phủ chỉ ra nhiều sai phạm 

Nhiều bất thường...

Cầu Phú Mỹ được xây dựng theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ (PMC) làm chủ đầu tư. Theo hợp đồng BOT, dự án có tổng vốn đầu tư 1.807 tỷ đồng và thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư cho dự án là 26 năm. Tuy nhiên, từ khi hợp đồng được ký đã bộc lộ nhiều bất thường, bởi theo đúng ý nghĩa của hợp đồng BOT thì chủ đầu tư (PMC) phải tự lo vốn (chủ sở hữu, vốn vay…) để đủ nguồn tiền chi phí xây cầu rồi sẽ thu phí giao thông để hoàn vốn đầu tư. Song trên thực tế, chính UBND TP.HCM là đơn vị đứng ra “bảo lãnh” cho PMC vay vốn.

Cụ thể, do PMC không đủ “uy tín” để vay nước ngoài nên UBND TP đã ủy nhiệm cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) vay vốn của Ngân hàng Societe Generale (Pháp), dưới sự bảo lãnh của Bộ Tài chính. Khoản tiền này được HFIC cho vay lại để xây cầu Phú Mỹ và PMC cam kết sẽ trả đủ nợ trong vòng 10 năm.

“Việc UBND TP.HCM đứng ra bảo lãnh và đi vay ngân hàng thương mại (thông qua HFIC) rồi mang về cho PMC vay lại để thực hiện dự án đã làm sai lệch bản chất của hợp đồng BOT”, TS Phạm Sanh, nguyên Tổ trưởng Tổ điều hành cầu Phú Mỹ đã nhận xét như thế về dự án BOT Phú Mỹ.

Trong quá trình triển khai dự án, PMC đã liên tục điều chỉnh tổng vốn đầu tư bởi các lý do như: tăng khả năng chống động đất, bổ sung chiếu sáng, cây xanh, biến động về giá nguyên vật liệu... từ mức 1.807 tỷ đồng ban đầu, PMC đề nghị nâng lên gần 2.400 tỷ đồng, rồi 3.030 tỷ đồng, 3.110 tỷ đồng và 3.408 tỷ đồng. Cuối cùng, tổng mức đầu tư của cầu Phú Mỹ được “chốt” ở con số gần 2.915 tỷ đồng, đội vốn lên hơn 1.000 tỷ đồng. Đáng nói, đây không phải là con số cuối cùng bởi chưa tính đến chênh lệch tỷ giá.

Đặc biệt, cơ cấu vốn của dự án đã thay đổi nhiều so với tỷ lệ 30% vốn chủ sở hữu và 70% nợ vay ban đầu. Cụ thể, theo một báo cáo của ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chính sách Công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright thì tổng giá trị nợ vay trên thực tế từ ba khoản (vay nước ngoài có bảo lãnh của chính phủ, vay BIDV và vay Sacombank) lên tới 2.777 tỷ đồng (kể cả lãi vay nhập gốc trong thời gian xây dựng).

Điều này một lần nữa đặt ra con số vốn góp của nhà đầu tư PMC là bao nhiêu? Có đạt 30% hay không vẫn là một vấn đề cần bàn lại, bởi nếu tính theo con số đầu tư mà UBND TP  đưa ra (giao cho cơ quan kiểm toán độc lập xác định) là 3.250 tỷ đồng thì vốn góp của nhà đầu tư chỉ khoảng gần 15%. Còn nếu tính theo tổng mức đầu tư mà UBND TP duyệt ở mức 2.914 tỷ đồng (ngày 18.2.2014), thì vốn chủ sở hữu chỉ gần... 5%.

img

Vì sao UBND TP phải ôm “trái đắng”?

Mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 8 tại UBND TP.HCM, các cơ quan truyền thông cũng đặt câu hỏi có hay không việc “ưu ái” của TP.HCM đối với PMC, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM khẳng định không có ưu ái nào với PMC. Tuy nhiên, lật lại quá trình đầu tư BOT Phú Mỹ, có thể nhiều “yêu sách” của PMC được đặt ra với TP.HCM và được thành phố chấp nhận.

Cụ thể, ngoài việc đồng ý nâng vốn đầu tư, ngay từ khi đi vào hoạt động, dự án đã gặp khó khăn về mặt tài chính. Trong hai năm đầu vận hành, dự án đã ba lần không trả được nợ và UBND TP.HCM buộc phải cho chủ đầu tư vay để trả nợ vào tháng 7.2010 (120 tỷ đồng), tháng 1.2011 (164,1 tỷ đồng) và tháng 7.2011 (158 tỷ đồng).

Đặc biệt, đến tháng 9.2011, PMC đề xuất với UBND TP.HCM ba phương án giải quyết khó khăn gồm: giãn khoản nợ nước ngoài từ 10 năm lên thành 15 hoặc 20 năm; xin ân hạn 5 năm đầu hoặc đề nghị UBND TP.HCM cho vay ưu đãi 1.000 tỷ VND để trả nợ; hoặc chủ đầu tư sẽ bàn giao dự án cầu Phú Mỹ lại cho UBND.TP.HCM vào tháng 9.2012 nếu UBND TP.HCM không đảm bảo các cam kết trong hợp đồng BOT.

Đến đầu năm 2015, PMC tuyên bố không có khả năng trả nợ cho Dự án BOT Phú Mỹ và UBND TP.HCM buộc phải tiếp tục trả nợ cho Ngân hàng Societe Generale (Pháp) khoản tiền đã vay còn lại (khoảng 1.370 tỷ đồng) trả dần đến năm 2020 với mỗi năm trả làm hai đợt (140 tỷ đồng/đợt)

Vì sao UBND TP.HCM phải ôm “trái đắng”? Thực tế, căn cứ vào Điều 7.4.4 trong Hợp đồng BOT Phú Mỹ, nếu Đường vành đai 2 được UBND TP.HCM đầu tư nhưng đi vào hoạt động chậm hơn Cầu Phú Mỹ trên 3 năm thì UBND TP.HCM phải hoàn trả cho chủ đầu tư toàn bộ vốn đầu tư của dự án (bao gồm vốn vay, lãi vay, vốn chủ sở hữu). Ngoài ra, chủ đầu tư còn được hưởng lãi bảo toàn vốn tính trên 30% TMĐT, với tỷ lệ 7,25%/năm tính từ khi bắt đầu triển khai dự án đến thời điểm chuyển giao và lãi BOT bằng 13,47% tính trên 30% tổng mức đầu tư công trình.

Tuy nhiên, kể từ ngày 9.9.2012, Dự án Đường vành đai 2 đã trễ tiến độ 3 năm so với Dự án Cầu Phú Mỹ. Như vậy, theo đúng quy định của Hợp đồng BOT thì UBND TP.HCM phải nhận lại dự án và hoàn trả tiền cho chủ đầu tư...