Kết thúc ngày thi đấu 29.8, TTVN vẫn đứng vị trí thứ 3 toàn đoàn với 58 HCV. Đối thủ cạnh tranh trực tiếp cho vị trí trong tốp 3 là Singapore (57 HCV) và gần như chắc chắn sẽ vượt qua chúng ta trên bảng tổng sắp huy chương sau khi SEA Games 29 khép lại.
Đơn giản, TTVN khó có thêm bất kỳ tấm HCV nào nữa khi chỉ còn 1 nội dung cử tạ thi đấu trưa 30.8. Trong khi đó, Singapore còn “mỏ vàng” trượt băng nghệ thuật: “Theo tính toán của chúng tôi, TTVN sẽ thua Singapore khoảng 3 HCV”, ông Phấn nhận định.
Trước câu hỏi của phóng viên liên quan tới áp lực mà các VĐV phải gánh chịu dẫn đến có một số môn thi đấu không thành công như bắn cung (chỉ tiêu 2 HCV nhưng chỉ được 1), bắn súng (chỉ tiêu 3 HCV nhưng chỉ được 1), taekwondo (chỉ tiêu 4 HCV nhưng chỉ được 2), bóng đá (vào chung kết nhưng bị loại ngay sau vòng bảng)?
Ông Phấn đáp: “Tôi có thể khẳng định đoàn TTVN không tạo áp lực gì với các VĐV. Chúng tôi gặp ban huấn luyện các môn nhiều trên tinh thần động viên, tạo tâm lý thoải mái nhất. Tuy nhiên đúng là VĐV Việt Nam hạn chế trong đó có vấn đề tâm lý”.
Ông Trần Đức Phấn trao đổi với báo chí sáng 30.8.
“Trong tương lai, chúng ta cần có bác sĩ tâm lý, bác sĩ dinh dưỡng nếu không sẽ khó phát triển, khẳng định vị thế trên đấu trường châu lục, thế giới. Nếu không có khoa học hỗ trợ, TTVN không thể đạt thành tích cao”.
Ngoài vấn đề bác sĩ tâm lý, dinh dưỡng, theo ông Phấn, trong tương lai, ngành cũng phải đầu tư các trung tâm kiểm tra vấn đề y sinh học cho VĐV: “Malaysia, Thái Lan, Indonesia đã có những trung tâm chuẩn như vậy còn chúng ta thì chưa. Điều này sẽ phải cải thiện”, ông Phấn chốt lại.