Dạy nghề linh hoạt theo nhu cầu
Bà Nguyễn Thị Thu Lan – giáo viên dạy nghề của Trung tâm Dạy nghề quận Ô Môn (TP.Cần Thơ) cho biết, hiện nay trung tâm dạy nghề vẫn còn thiếu thốn khá nhiều phương tiện phục vụ giảng dạy. Các học viên cũng khó khăn vì nhà ở xa trung tâm, công việc bận và không cố định, do vậy việc dạy và học nghề gặp nhiều khó khăn.
Lớp học may ở Trung tâm Dạy nghề quận Ô Môn (TP.Cần Thơ). Ảnh: M.N
"Toàn TP.Cần Thơ có 582 hộ nghèo có người tham gia học nghề đã thoát nghèo; 2.236 hộ có người tham gia học nghề trở thành hộ khá; trên 14.000 lao động nông thôn sau khi học nghề đã chuyển sang làm lĩnh vực phi nông nghiệp”. Ông Nguyễn Thanh Xuân |
“Chính vì vậy, trung tâm phải bố trí thời gian học linh hoạt, cách dạy cũng phải đa dạng để phù hợp với đối tượng người học là nông dân. Các lớp học có thể được mở ngay trên địa bàn các phường và tổ chức bất kỳ khoảng thời gian nào miễn là học viên sắp xếp được” – bà Lan nói.
Hầu hết lao động sau học nghề có thể xin việc làm tại các xí nghiệp trên địa bàn, tỷ lệ này chiếm 70%. Theo Phòng LĐTBXH quận Ô Môn, trong 6 tháng đầu năm 2017, quận đã mở các lớp nghề ngắn hạn như: 5 lớp nghề phi nông nghiệp; 1 lớp may gia dụng ở phường Long Hưng có 35 học viên theo học. Sau học nghề 90% trong số này đã có việc làm, thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Chị Tô Thị Trinh An (34 tuổi, ngụ xã Long Hưng, quận Ô Môn) là một trong nhiều học sinh phát huy được nghề học để tạo việc làm ổn định. Chị Trinh cho biết, năm 2015, chị tham gia lớp đào tạo nghề may do Trung tâm Dạy nghề quận Ô Môn tổ chức. Sau khi xong khóa đào tạo, chị đã có thể tự mở cơ sở may tại gia đình, đồng thời hướng dẫn, dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều người. Nhiều học trò của chị cũng đã vững tay nghề, có thể xin việc tại các công ty may khác hoặc mở cơ sở tại nhà.
Góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất
Ông Nguyễn Thanh Xuân – Giám đốc sở LĐTBXH tỉnh Cần Thơ cho biết, Trung tâm Dạy nghề huyện Ô Môn chỉ là một trong nhiều trung tâm làm tốt công tác dạy nghề cho nông dân ở TP.Cần Thơ. Trong 7 năm thực hiện đề án dạy nghề lao động nông thôn (2010 - 2016) tại Cần Thơ, hàng chục ngàn lao động nông thôn đã được dạy nghề và có việc làm, góp phần đáng kể vào việc giảm tỉ lệ hộ nghèo trên toàn thành phố (chỉ còn 4,12% năm 2016).
Giai đoạn 1 (2010-2014) của đề án dạy nghề, TP.Cần Thơ đã đào tạo cho hơn 19.300 lao động, với 567 lớp đào tạo. Trong đó, trình độ trung cấp nghề là 456 học viên, trình độ sơ cấp nghề dưới 3 tháng là 18.850 học viên, số lao động sau đào tạo có việc làm 13.810 (chiếm tỉ lệ 73,34%). Riêng năm 2016, TP.Cần Thơ đã đào tạo nghề cho hơn 4.700 lao động nông thôn, đạt 113,33% kế hoạch. Tỉ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo của toàn thành phố trung bình đạt 75%, có cơ sở đào tạo đạt tỉ lệ học viên có việc làm sau học nghề gần 100%.
Ông Xuân cũng cho biết: “Các mô hình thí điểm dạy nghề đều phát huy tác dụng tốt, tạo điều kiện cho người học nghề có cơ hội tìm việc làm và tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Các mô hình thí điểm sau một thời gian triển khai đã cho kết quả rõ rệt, tạo việc làm và tăng đáng kể nguồn thu nhập cho người lao động”.
Thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thời gian qua cộng tác dạy nghề ở TP.Cần Thơ cũng chuyển mạnh theo hướng tăng nghề công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm nghề nông - lâm - ngư nghiệp. Đến nay, có 9.957 lao động nông thôn làm việc trong các ngành công nghiệp - dịch vụ, góp phần giảm tỷ trọng lao động thuộc ngành nông - lâm - thủy sản xuống khoảng 26%. Tỉ lệ lao động chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp sau học nghề đạt khoảng 5,54%.