Dân Việt

Ngân hàng Nhà nước trả lời về "tâm thư" của chủ trại lợn 12 tỷ đồng

Trần Giang (thực hiện) 31/08/2017 06:26 GMT+7
“Để tạo điều kiện thuận lợi cho ông Tô Hiến Thành - người viết tâm thư cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng NNPTNT được vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, chúng tôi đề nghị địa phương xem xét, tháo gỡ khó khăn theo hướng cho ông này thuê đất dài hạn theo quy định của pháp luật”.

img

Ông Nguyễn Quốc Hùng (ảnh) - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết như trên sau loạt bài của Báo NTNN về tâm thư của nông dân và những bất cập trong cho  vay tam nông.

img

Loạt bài của Báo Nông Thôn Ngày Nay phản ánh vụ việc của ông Tô Hiến Thành. Ảnh: Ban Thư

Tăng cho vay không có bảo đảm tài sản

Thời gian qua đã có nhiều ý kiến của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và chuyên gia về những bất cập của Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Là cơ quan soạn thảo nghị định này, NHNN có ý kiến gì về những phản ánh này?

- Đúng là sau 2 năm thực hiện Nghị định 55 đã có một số nội dung bất cập với yêu cầu hiện tại và chưa phù hợp với một số chính sách mới của Chính phủ gần đây. Vì vậy, NHNN đã phối hợp các vộ, ngành sớm trình Chính phủ để sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định 55 cho phù hợp với Luật Dân sự có hiệu lực từ 1.1.2017.

Trong đó chú trọng bổ sung một số nội dung quy định tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho vay liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, xây dựng và phát triển nông thôn mới.

Thực tế triển khai Nghị định 55 trong thời gian qua thể hiện một số bất cập về hạn mức cho vay đối với cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Không chỉ doanh nghiệp, về phía ngân hàng trong quá trình triển khai theo Nghị định 55 cũng cho thấy những vướng mắc về vấn đề này. Vậy NHNN có nên đề xuất bỏ quy định về hạn mức tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp hay không?

-Hạn mức tín dụng là biện pháp quan trọng trong quản lý rủi ro tín dụng. Bên cạnh đó, trong nhiều lĩnh vực, nhiều trường hợp vẫn có các giải pháp linh hoạt bên cạnh giải pháp hạn mức.

img

Nghị định 55 cũng đã thể hiện một cơ chế thông thoáng cho vay nông nghiệp, nông thôn được thực hiện trong những năm qua. Các TCTD đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, không giới hạn về mức cho vay đối với khách hàng.

Nghị định cũng đã cho phép một số đối tượng khách hàng (cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, chủ trang trại, hợp tác xã…) được vay không có tài sản bảo đảm ở mức từ 50 triệu đồng đến 3 tỷ đồng.

Đặc biệt các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70 -80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh.

Đối với các khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả có thể được TCTD xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo (theo cơ chế cho vay thông thường) với số tiền lớn hơn mức vay quy định trong Nghị định 55.

Trong Nghị định 55 có nói đến việc đẩy mạnh cho vay tín chấp đối với lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, các ngân hàng vẫn yêu cầu tài sản thế chấp. Là cơ quan quản lý, NHNN có biện pháp gì để yêu cầu các ngân hanàng thương mại đẩy mạnh cho vay tín chấp nhằm khơi thông vốn vào lĩnh vực nông nghiệp?

- Để bảo đảm chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu thì những khoản vay có số tiền lớn hơn mức quy định trong Nghị định 55, TCTD được quyền yêu cầu khách hàng phải áp dụng các hình thức bảo đảm cho khoản vay trong đó có thế chấp bằng tài sản. Việc thế chấp tài sản cũng đòi hỏi khách hàng phải có trách nhiệm hơn khi vay vốn ngân hàng.

Đến 30.6.2017, dư nợ tín dụng không có tài sản bảo đảm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 20% dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các TCTD xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay. Qua đó tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, góp phần tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, để được cho vay tín chấp, bản thân khách hàng phải thực hiện đầy đủ việc lập thống kê,công khai minh bạch báo cáo tài chính theo quy định (có kiểm toán), giữ tín nhiệm trong quan hệ vay vốn với ngân hàng.

Xem xét cho thuê đất dài hạn...

Hiện nay trong quá trình thẩm định cho vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, tài sản thế chấp được thẩm định đánh giá thấp hơn so với giá trị tài sản thực tế. Theo quan điểm của NHNN, vấn đề này cần được giải quyết như thế nào?

- Trong quá trình thẩm định cho vay vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, ngân hàng gặp khó khăn trong việc định giá tài sản bảo đảm (giá trị tài sản bảo đảm thấp) do tài sản đảm bảo trong cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chủ yếu là đất nông nghiệp. Theo quy định của pháp luật thì các ngân hàng  phải căn cứ vào giá đất do UBND tỉnh công bố theo khung giá đất nhà nước để đánh giá giá trị tài sản đảm bảo để cho vay.

Tài sản hình thành từ các dự án trên đất nông nghiệp phục vụ cho chính hoạt động sản xuất nông nghiệp (nhà kính, nhà lưới) mặc dù có giá trị đầu tư lớn nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, gây khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng trong việc định giá và nhận thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản vay.

Chính vì vậy, tại Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7.3.2017, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TNMT phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Tư pháp nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp.

Trong đó bao gồm tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng.

Trường hợp ông Tô Hiến Thành là một người đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã có thành công nhưng vẫn phải vay tín dụng đen để duy trì sản xuất. NHNN có biện pháp gì để tháo gỡ khó khăn về vốn cho Hợp tác xã Trường Thành nói riêng và những cá nhân, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung?

-Ngay sau khi nhận được kiến nghị của ông Tô Hiến Thành, NHNN đã yêu cầu NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Giang và các ngân hàng trên địa bàn kiểm tra báo cáo cụ thể tình hình. Theo đó, hiện ông Thành đã được vay vốn tại 2 ngân hàng (Agribank và Vietinbank) với số tiền 3,9 tỷ đồng.

Qua trao đổi, khó khăn lớn nhất của ông là chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đất nhận khoán của thôn không đúng thẩm quyền, đất mua của dân chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, việc ông Thành đề nghị được tiếp tục vay vốn tín chấp nếu để mở rộng sản xuất kinh doanh có hiệu quả thì các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục cho vay.

Tuy nhiên, cơ sở chuồng trại của ông Thành xây dựng trên đất nhận khoán của thôn chưa đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Đất đó có thể bị thu hồi bất kỳ lúc nào để sử dụng vào mục đích khác, dẫn đến ngừng sản xuất và ông sẽ không được đền bù tài sản trên đất, gây nguy cơ mất vốn cho tổ chức tín dụng cho vay.

Xuất phát từ thực tế này, để tạo điều kiện thuận lợi cho ông Thành trong việc vay vốn ngân hàng mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển ổn định, NHNN rất mong muốn đề nghị chính quyền địa phương xem xét, tháo gỡ khó khăn theo hướng cho ông Thành được thuê đất dài hạn theo quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn ông!
 

Sau 2 năm triển khai, đến 30.6.2017, dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn đạt 1.188.075 tỷ đồng, tăng khoảng 47% so với thời điểm bắt đầu triển khai Nghị định 55 và tăng 13,7% so với cuối năm 2016, chiếm tỷ trọng 19,8% trong tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.