Dân Việt

Kỳ công trồng rau hữu cơ ở Trác Văn, ghi nhật ký, bắt sâu bằng tay

Trần Hồ - Dương Trường 31/08/2017 13:08 GMT+7
Sau 4 năm triển khai mô hình rau hữu cơ, xã Trác Văn, huyện Duy Tiên (Hà Nam) diện tích đã tăng lên 5ha, sản phẩm cung cấp đều đặn cho thị trường Hà Nội.

img

Rau hữu cơ Trác Văn tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Hà Nội

Bắt đầu từ một vùng thuần nông, quanh năm sản xuất rau thường, người dân xã Trác Văn tiếp cận dự án trồng rau hữu cơ dưới sự hướng dẫn của các viện, trường và doanh nghiệp. Giai đoạn đầu chỉ có 2 nhóm sản xuất, cùng nhau góp vốn làm rau sạch, đến nay đã phát triển thành 4 nhóm.

Nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của địa phương về nguồn vốn ban đầu, với sự giúp đỡ kỹ thuật của các kỹ sư Khoa Trồng trọt, Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ, người nông dân đã sản xuất hiệu quả và ngày càng mở rộng diện tích trồng. Họ đã bỏ lối canh tác lạc hậu để áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, tăng cường quảng bá sản phẩm để đưa rau Trác Văn vào siêu thị.

Theo ông Nguyễn Văn Phóng, Giám đốc HTXNN Trác Văn, sau 4 năm phát triển từ diện tích 1ha thí điểm ban đầu, đến nay HTX đã xây dựng và mở rộng diện tích lên 5ha rau hữu cơ đạt tiêu chuẩn PGS. Mỗi tháng, tổ HTX xuất ra thị trường 2,5 – 3 tấn rau hữu cơ các loại.

Nói về hiệu quả của mô hình, ông Phóng đánh giá: “Sau khi chuyển đổi sang mô hình mới, thu nhập của bà con nông dân trong HTX được ổn định với 3 triệu đồng/người/tháng. So với trồng ngô, trồng lạc… thì hiệu quả kinh tế cao gấp 7 – 8 lần. Đồng thời, thị trường tiêu thụ cũng đã ổn định, thương hiệu rau hữu cơ Trác Văn được nhiều người biết đến. Quan trọng hơn ý thức về sản xuất rau sạch, an toàn của người dân đã được nâng cao”.

Hơn thế, môi trường được đảm bảo khi người dân chỉ dùng các loại thuốc, phân bón hữu cơ và liên kết chặt chẽ với nhau để sản xuất lâu dài. Mô hình cũng giải quyết vấn đề nhân công, khi độ tuổi ngoài lao động cũng tham gia sản xuất.

img

Sản xuất rau hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao

Ngoài ra, HTX Trác Văn còn đứng ra thuê đất sản xuất cho bà con, xây dựng cơ sở hạ tầng cho từng nhóm. Bên cạnh đó còn xúc tiến thương mại, liên kết các doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm cho bà con nông dân tại các hội chợ.

Thời điểm trước đây, nhóm rau hữu cơ Trác Văn chỉ có khoảng 20 loại rau, nhưng đến nay, đã có trên 30 loại rau được bán trên thị trường. Rau hữu cơ có giá khoảng 15 nghìn đồng/kg, cao hơn rau bán tự do trên thị trường tầm 5 – 7 nghìn đồng/kg.

Chị Ngô Thị Hằng, nhóm sản xuất rau Lệ Thủy cho biết: “Nhờ trồng rau hữu cơ, chúng tôi có thu nhập khá. So với các cây màu khác, thì làm rau hơn rất nhiều. Sản xuất tuy khó nhưng giá cả cao hơn, đầu ra ổn định hơn. Hiện rau hữu cơ nhiều người dùng, HTX xuất bán chủ yếu cho các siêu thị ở Hà Nội. Chúng tôi cũng mong có sự hỗ trợ vốn để đầu tư xây nhà lưới, hệ thống phun sương. Làm được như vậy, bà con sẽ yên tâm sản xuất và làm được quanh năm”.