Cây mưng đặc biệt này cao khoảng 19m, chu vi gốc 320cm, đường kính 1,6m. Trong ảnh: Thanh niên tình nguyện chụp lưu niệm cùng “cụ mưng” trăm tuổi. Ảnh: Hùng Cường
Bản Tỉn Pù (tiếng Thái gọi là bản ở chân dốc) xã Quang Phong, Quế Phong (Nghệ An) cách Quốc lộ 48D khoảng 1km. Cuối bản, sát ruộng lúa có 1 cây lộc vừng (còn gọi là mưng) cổ thụ đứng sừng sững tách biệt với các cây cối khác. Trên thân cây, từ các cành lớn bé rũ xuông những chuỗi hoa đỏ tươi nom rất đẹp và ấn tượng. Dưới gốc, vô số bông hoa rụng đã tạo ra một tấm thảm có sự pha trộn giữa sắc xanh của đám lúa non và sắc đỏ ối của lộc vừng.
Dù cổ thụ nhưng cây lộc vừng vẫn ra rất nhiều hoa. Ảnh: Hùng Cường
Cây cao khoảng 19m, chu vi gốc 320cm, đường kính 1,6m. Gốc cây sù sì và đã rỗng ruột theo thời gian. Cụ Lương Văn Nét năm nay đã xấp xỉ 100 tuổi, một trong những người cao tuổi nhất bản Tỉn Pù cho biết: “Khi tôi sinh ra thì cây lộc vừng đã như thế này rồi, tôi hỏi các cụ thế hệ trước thì không ai biết cây có từ khi nào. Họ cũng như tôi, sinh ra đã thấy cây lớn ở bản. Các cụ vẫn nói rằng, cây này phải đến trên trăm tuổi".
Cây lộc vừng nằm ở cuối bản Tỉn Pù, bên bờ ruộng và sát với ngôi nhà của ông Lương Văn Bành. Ảnh: Hùng Cường
Những bông hoa lộc vừng rụng xuống khiến đám ruộng trông như một tấm thảm. Ảnh: Hùng Cường
Còn cụ Lương Văn Bành, năm nay 80 tuổi, nhà ở sát cây lộc vừng cổ thụ chia sẻ: “Từ lâu tôi cùng gia đình đã chăm sóc, bảo vệ cây mưng. Để nói chính xác tuổi cây là bao nhiêu thì không ai dám chắc, nhưng người dân đều cho rằng cây này đã trên trăm tuổi.”
Cây lộc vừng cổ thụ nằm tách biệt với các cây cối khác. Ảnh: Hùng Cường
Thân cây lộc vừng có nhiều cây tầm gửi sinh sống. Ảnh: Hùng Cường
Người dân bản Tỉn Pù cho biết, đã có nhiều người sưu tầm cây cổ thụ cũng như các tay buôn cây cảnh tìm đến bản hỏi mua cây lộc vừng nhưng bà con dân bản quyết không bán. Ông Lô Văn Phú - Trưởng bản Tỉn Pù cho biết: “Cách đây hơn 1 tháng có người từ miền Bắc vào hỏi và trả giá 400 triệu, BQL bản họp dân và quyết không bán cho dù có mua với giá 1tỷ đồng. Bản chỉ đồng ý "đổi" cây lộc vừng với điều kiện người mua phải mở rộng con đường 1km từ Quốc lộ 48D vào bản, đồng thời xây dựng các cống giao thông để xe ô tô có thể vào ra bản, thuận tiện cho việc đi lại của người dân, và kèm theo 60 triệu đồng để bản trả công cho người chăm sóc và mua trâu bò làm liên hoan".
Cây lộc vừng bị rỗng ruột do dấu ấn của thời gian. Ảnh: Hùng Cường
Bản Tỉn Pù, xã Quang Phong nơi có cây lộc vừng cổ thụ. Ảnh: Hùng Cường
Ông Phú cũng cho hay, có một người đã đồng ý với điều kiện mà bản Tỉn Pù đưa ra, nhưng lại vướng mắc trong việc đền bù cho 2 hộ dân có diện tích đất liên quan đến việc mở rộng đường. Vậy nên sau một thời gian thỏa thuận không thành vị khách chưa thấy quay lại. "Những người hỏi mua cây lộc vừng với giá 200, 300, 400 triệu đồng thì rất nhiều nhưng bà con dân bản không bán” - ông Phú nói.