Trải qua hơn 40 năm tồn tại, chiếc cốc vại bia xù xì thô kệch đến nay vẫn là lựa chọn số 1 của dân nhậu mỗi khi uống bia hơi Hà Nội. Nhiều người yêu thích cảm giác khi thấy lớp bọt bia trắng xốp nổi trên miệng cốc, cảm giác cầm nặng tay, tha hồ nâng lên hạ xuống chạm canh cách không sợ vỡ mà chiếc cốc vại “huyền thoại” này mang lại.
Cũng chính vì lý do được người tiêu dùng yêu thích mà đến nay nhiều cơ sở sản xuất cốc vại bia dù với công nghệ thô sơ nhưng ngày ngày vẫn cho ra đời hàng nghìn chiếc cốc, phục vụ nhu cầu của người dân khắp mọi miền tổ quốc.
Có mặt tại một xưởng sản xuất cốc vại bia ở Đan Phượng (Hà Nội) mới thấy công nghệ sản xuất cốc thuỷ tinh tái chế vẫn thô sơ như những năm 70 của thế kỷ trước.
Nguyên liệu để sản xuất những chiếc cốc vại bia này là thuỷ tinh tái chế. Trước khi sản xuất, các mảnh thủy tinh được đập thành mảnh nhỏ, kích thước tương đối đều nhau.
Các mảnh thuỷ tinh được được nung trong lò ở nhiệt độ ~1000 độ C trong khoảng 6 tiếng liên tục.
Sau đó thủy tinh nóng chảy được lấy ra bằng một chiếc ống rỗng, hay được gọi là ống tán, dùng để thổi thành hình cốc. Công đoạn này được những người thợ có kinh nghiệm và tay nghề cao đảm nhận.
Sau đó thuỷ tinh nóng tiếp tục được đưa vào một khuôn thép để thổi định hình.
Chỉ chưa đầy 1 phút, từ khối thuỷ tinh nóng bỏng hàng ngàn độ C giờ đây đã mang hình dáng của chiếc cốc vại bia huyền thoại.
Sau đó, chiếc cốc tiếp tục được chuyển sang công đoạn cắt mép. Trong quá trình cắt mép, một ngọn đèn khò liên tục phun lửa để duy trì nhiệt độ của chiếc cốc.
Công đoạn làm tròn mép cốc cũng yêu cầu người thợ phải hết sức khéo léo và nhanh tay để đảm bảo mép cốc tròn đều không còn cạnh sắc.
Tiếp theo, những chiếc cốc đang nóng được ủ dưới một lớp tro để không bị nguội quá nhanh gây nứt vỡ.
Mặc dù những chiếc cốc vại bia có hình dáng mộc mạc, thậm chí đơn giản nhưng qua nhiều năm nay những người uống bia hơi Hà Nội vẫn ưa thích sử dụng loại cốc này. Chủ xưởng sản xuất cốc vại bia này cho biết, mỗi ngày lò của anh cho ra đời từ 800 tới 1.000 chiếc cốc với giá thành 6.500 đồng/ chiếc.
Thời bao cấp gian khó nhưng với nhiều người, nó lại là ký ức không thể nào quên.