Dân Việt

Giấc mơ ô tô Made in Vietnam của ông Phạm Nhật Vượng có khả thi?

Thanh Xuân 03/09/2017 13:33 GMT+7
Trong khi Bộ Công Thương thừa nhận mục tiêu phát triển ngành ô tô Việt Nam thất bại, giá bán vẫn cao gấp đôi so với các nước trong khu vực, cùng với đó tỷ lệ nội địa hóa cũng không đạt yêu cầu đề ra…thì Tập đoàn Vingroup đã đặt ra mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa ô tô xe máy của doanh nghiệp này là 60%. Mục tiêu này liệu có thành hiện thực hay không vẫn còn là câu hỏi được nhiều chuyên gia băn khoăn?

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu

Nếu chỉ tự làm trong lĩnh vực này thì rất khó thành công.

Trao đổi với Dân Việt, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết: “ Tôi đã nghe tới mục tiêu của Vingroup qua các phương tiện truyền thông. Vấn đề sâu về lĩnh vực kinh doanh của họ thì tôi không thể bình luận, tuy nhiên, với chính sách của Chính phủ đang đề ra thì cần phải nội địa hóa cao mới tồn tại được”, lãnh đạo VAMA phân tích.

Là một trong 4 TSKH đầu ngành trong lĩnh vực cơ khí của Việt Nam hiện nay, GS. TSKH. Phạm Văn Lang, Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch cho biết: “Hiện tại tôi cũng đang tham gia trong Hội đồng xét duyệt dự án của Trường Hải và  đặt vấn đề họ phải đạt ít nhất tỉ lệ nội địa 40% cho dự án mới này. Làm xe máy và ô tô điện là rất tốt nhưng để đảm bảo tính khả thi thì tỉ lệ nội địa hóa phải đạt 40% trở lên ".

Cũng theo ông Lang, đối với sản xuất ô tô, để có động cơ sản xuất nội địa là không đơn giản. Trước đây động cơ đốt trong đã được Mỹ hỗ trợ tiền và công nghệ cho tỉnh Thái Nguyên nhưng vẫn không thực sự thành công.

Ông Lang cũng cho biết, sản xuất một chiếc ô tô có thể chia ra 4 hệ thống chính, gồm: Động cơ, trường lực, thủy lực, di động (bánh xe, vành bánh). Dù là ô tô động cơ đốt trong hay ô tô điện, thì ngoài động cơ tự sản xuất hoặc nhập khẩu ra thì các hệ thống trường lực và di động cần phải tự sản xuất thì mới đạt được tỷ lệ 40% nội địa hóa.

“Việc Vingroup mạnh dạn đầu tư vào xe máy điện và ô tô là rất tốt và nên khuyến khích. Thực tế,  lĩnh vực công nghiệp chế tạo của Việt Nam còn kém nên cái gì cũng phải nhập khẩu. Cái khó của sản xuất ô tô, xe máy chính là ở chỗ đó. Do đó, việc Vingroup quyết tâm làm từ đầu, bao gồm đầu tư cả vào các ngành công nghiệp cơ khí phụ trợ thì chắc chắn cũng sẽ đẩy mạnh được tỷ lệ nội địa hóa tốt hơn”, GS Lang nói.

GS. Lang cũng cho rằng, việc Vingroup bắt tay vào lĩnh vực sản xuất ô tô xe máy cũng nên đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực chế tạo cơ khí, sản xuất ô tô, xe máy trong nước . Nếu chỉ một mình tự làm trong lĩnh vực này thì rất khó có thể thành công.

Làm công nghiệp ô tô không giống đầu tư vào bất động sản

Cùng chung nhận định trên, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ chia sẻ: “Việc Vingroup quyết định đầu tư vào sản xuất ô tô, xe máy và được Chính phủ cho phép là đáng hoan nghênh vì lâu nay các “đại gia” Việt Nam chưa  từng đầu tư bài bản và lớn như thế. Do đó, công nghiệp ô tô của Việt Nam còn “lình xình”, nhiều người thất bại. Tỷ lệ nội địa hóa hiện tại cũng chỉ trên dưới 20% mà thôi”, ông Bích Hồ nói. Theo ông Bích Hồ, hiện ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam chủ yếu vẫn là lắp ráp thuần túy chứ chưa phải công nghiệp chế tạo.

Ông Lưu Bích Hồ cũng cho rằng: Quyết tâm của Vingroup đầu tư vào ô tô, xe máy với mục tiêu tỉ lệ nội địa hóa 60% là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, Vingroup lâu nay chỉ làm bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, bán lẻ, nông nghiệp… chuyển sang ô tô là một lĩnh vực hoàn toàn mới nên chờ xem họ làm như thế nào. “Tôi cho rằng, kế hoạch này sẽ rất khó khăn vì chỉ vài ba năm mà nâng tỷ lệ nội địa hóa của ô tô lên 60% sẽ không hề đơn giản. Dù Vingroup cho rằng sẽ mời hết các doanh nghiệp lớn của thế giới và các chuyên gia lớn nhưng vẫn chờ xem họ làm như thế nào”, ông Bích Hồ nói.

Theo ông Bích Hồ, cái khó chính là vì làm công nghiệp ô tô không giống đầu tư vào bất động sản hay đầu tư vào các lĩnh vực khác vì đây là sản xuất, cần có kỹ năng về mặt công nghệ và quản lý. Không phải cứ bỏ tiền ra thuê là làm được ô tô, xe máy với tỉ lệ nội đia hóa cao như thế ngay được. Kinh nghiệm Samsung làm ở Việt Nam hàng chục năm nay với mục tiêu đẩy mạnh tỉ lệ nội địa hóa nhưng cũng rất khó khăn.

“Dù khó cũng phải làm, chúng ta đã có thương hiệu điện thoại của Việt Nam, dù thành công hay không còn chờ thêm thời gian nhưng ô tô Việt cũng phải có chứ chẳng nhẽ mãi vẫn chỉ là giấc mơ!”, ông  Bích Hồ nhấn mạnh.  

Mới đây, Bộ Công Thương đã thừa nhận thất bại trong việc nâng tỷ lệ nội địa hóa xe ô tô dưới 9 chỗ. Bộ này từng xây dựng mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010. Tuy nhiên, đến hiện tại chỉ đạt bình quân 7-10%. Các sản phẩm đã được nội địa hóa vẫn mang hàm lượng công nghệ rất thấp như săm, lốp ôtô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa... Giá trị linh kiện nhập khẩu hàng năm của các doanh nghiệp lên tới 2-3,5 tỷ USD, là con số rất lớn. Có tới 80 - 90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật cao hiện phải nhập khẩu. Vật liệu làm khuôn mẫu chủ yếu cũng phải nhập khẩu. Bộ Công Thương cho biết vẫn sẽ kiên trì mục tiêu phát triển ngành này. Bộ đã thành lập một tổ công tác liên ngành đánh giá toàn diện thị trường ôtô Việt Nam trong mối tương quan với thị trường khu vực và thế giới.