Vào thời điểm này nước lũ đã lên đồng, hầu hết các hộ ở vùng lũ Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ đã sẵn sàng sắm xuồng, lưới, câu… để đánh bắt thủy sản. Trong đó loài cá linh vẫn là loài cho sản lượng lớn và có thu nhập cao.
Ngư dân huyện An Phú – An Giang đánh bắt cá linh đầu mùa bằng dụng cụ lưới đáy ở nơi nước chảy xiết có thể bắt từ 1-2 tấn cá linh non mỗi ngày.
Ngoài lưới đáy, phương tiện thông dụng nhất để đánh bắt cá linh là dớn hay đú, loại lưới cước có chiều dài từ 100-150m được đặt trên những cánh đồng ruộng trong mùa lũ. Loại dụng cụ này có thể sử dụng 2-3 mùa lũ.
Những cái dớn được đặt san sát với nhau trên những cách đồng ngập nước lũ từ 2-3m để đánh bắt cá linh.
Đối với những hộ gia đình không đủ điều kiện sắm lưới đáy hay dớn họ tự trang bị những tay lưới, câu với chiếc xuồng “đuôi tôm” có thể hành nghề mưu sinh trong mùa lũ.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hữu, ở Hồng Ngự - Đồng Tháp có hơn 15 năm trong nghề đặt dớn cá linh, ông nói: Cá linh đầu mùa có giá từ 140.000 -150.000 đ/kg, năm nay cá linh về nhiều nên tranh thủ đánh bắt một ngày đêm cũng hơn 250kg cá linh, trừ chi phí còn lãi gần 20 triệu đồng.
Đây cũng là loại cá đặc sản được thiên nhiên ban tặng, một năm xuất hiện một lần vào mùa lũ, đã giúp nhiều nông dân nơi đây tăng nguồn thu nhập.
Anh Nguyễn Văn Cội, ở xã Khánh An, huyện An Phú – An Giang, chuyên đánh bắt cá linh non cho biết: “Năm nào lũ về gia đình qua Campuchia thuê đất để đặt lú cá linh. Bình quân một ngày anh có 40 miệng lú, bắt hơn 100 kg cá linh non, bán với giá 140.000 đ/kg cho thương lái, trừ chi phí còn lời 10 triệu đồng.
Cá linh mang nguồn lợi rất lớn trong mùa lũ, nên ai cũng tập trung đầu tư ngư cụ để khai thác loài cá này
Theo nhiều ngư dân có kinh nghiệm lâu năm, cho rằng: “cá linh giá cao nhất vào đầu mùa vì cá còn nhỏ hơn ngón tay út, ăn rất ngon có thể chế biến nhiều món ăn như kho lạt với me, nấu canh chua bông điên điển, chiến với bột hoặc làm chả cá linh… rất tuyệt vời”.
Ngược lại cá linh càng lớn giá càng thấp chỉ giao động 30.000 – 45.000 đ/kg.
Cá linh non còn sống bán tại chợ 140.000 đ/kg, cá linh móc ruột giá 160.000 đ/kg, còn vào nhà hàng giá từ 180.000 -200.000 đ/kg.
Thông thường cá linh được đánh bắt về cá còn sống, để vận chuyển đi xa về TP.HCM hay các tỉnh ĐBSCL bán phải có oxi cá mới tươi sống bán có giá cao.
Đem cá giao cho bạn hàng ở khu vực.
Bên cạnh đó ngư dân đánh bắt được cá linh loại lớn khoảng 2 ngón tay, tranh thủ ủ làm nước mắm.
Xuồng câu của ngư dân vùng lũ sau những chuyến lên đên trên sông nước, sau một ngày lao động vất vả cập bến mang cá, tôm, cua đến các chợ để bán.
Anh Lê Tấn Thủ, thương lái thu mua cá linh ở chợ xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp, cho biết: “hơn tuần nay mỗi ngày anh mua 1 tấn cá linh non và nhiều loại tôm, cua, rắn rùa…để cung cấp cho thị trường TP.HCM.
Niềm vui của ngư dân được mùa cá linh.
Theo nhiều ngư dân sống ở vùng lũ, cho rằng: cá linh là loại cá của thiên nhiên ban tặng mỗi năm xuất hiện một lần từ tháng 7 đến tháng 11. Hiện nay chưa ai nhân tạo hoặc nuôi được loại cá này.