Từ những con bò đầu tiên
Chúng tôi về xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh - nơi được Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Và không phụ lòng của Chủ tịch nước, từ xuất phát điểm ban đầu, Vĩnh Thạch đã vươn lên trở thành một trong những địa phương dẫn đầu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở huyện Vĩnh Linh.
Chăm sóc đàn bò được Chủ tịch nước trao tặng
Ông Nguyễn Viết Sinh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạch cho biết: “Vĩnh Thạch về đích nông thôn mới từ năm 2014, là một trong những xã về đích nông thôn mới đầu tiên của huyện Vĩnh Linh. Để có được ngày hôm nay, chính quyền và người dân địa phương đã nhận được sự giúp đỡ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Trong đó phải kể đến đàn bò giúp dân vươn lên thoát nghèo của Chủ tịch nước. Đó không chỉ là món quà bằng hiện vật mà còn là nguồn động lực động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Thạch vươn lên, xây dựng quê hương giàu đẹp”.
Về Vĩnh Thạch bây giờ, hỏi “đàn bò của Chủ tịch nước”, người dân từ già đến trẻ đều biết và kể lại với niềm biết ơn, phấn khởi, tự hào. Anh Trần Xuân Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã kể lại, ngày 2/3/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm đời sống nhân dân xã Vĩnh Thạch, nơi mảnh đất cách mạng kiên trung, bất khuất đã tạo nên công trình kỳ vĩ dưới lòng đất - địa đạo Vịnh Mốc. Chủ tịch nước lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng người dân, thấy đời sống nhân dân nơi đây còn vất vả và quyết định trao tặng 100 con bò nái khỏe mạnh cho những hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn chăn nuôi làm vốn để từng bước thoát nghèo, cùng chung sức với địa phương xây dựng nông thôn mới.
Từ số tiền bán bò do Chủ tịch nước tặng, anh Thạch mua sắm máy móc, làm thêm nghề cơ khí phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng
Ngoài ra, Chủ tịch nước còn trao tặng 40 con lợn giống cho 20 hộ và 3.000 con gà giống cho 60 gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Về phía địa phương, sau khi được Chủ tịch nước hỗ trợ xây dựng nông thôn mới với những lời căn dặn ân cần, chu đáo, chính quyền địa phương đã giao cho Ban quản lý xây dựng nông thôn mới ở từng thôn lập ra quy chế để xét chọn những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đủ khả năng chăn nuôi bò để trao bò giống.
Sau khi khảo sát, 100 con bò nái khỏe mạnh đã được trao tận tay cho 53 hộ gia đình trên địa bàn xã. Những gia đình được nhận bò giống của Chủ tịch nước xem đây là món quà ý nghĩa, to lớn nhất mà họ từng nhận. Từ nay, họ đã có tài sản, vốn liếng để làm ăn phát triển kinh tế gia đình. Họ gọi đàn bò được Chủ tịch nước trao tặng bằng tên gọi thân thương là “đàn bò của Chủ tịch nước”.
Theo chân anh Trần Xuân Hải, chúng tôi đến những hộ gia đình đầu tiên được Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng bò giống. Gặp chúng tôi trong lúc đang chăm sóc đàn bò lai sind vâm váp, to khỏe, anh Phan Ngọc Tiến (51 tuổi) ở thôn An Đông, một trong những người đầu tiên được Chủ tịch nước trao tặng bò niềm nở bắt tay rồi mời khách vào nhà trò chuyện. Gia đình anh Tiến nhận được 2 con bò nái lai sind của Chủ tịch nước vào tháng 6.2013.
Lúc bấy giờ, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Đôi vợ chồng trẻ quanh năm bám ruộng đồng lại nuôi 2 đứa con nhỏ ăn học nên cuộc sống còn khó khăn. “Thế rồi, khi được chính quyền địa phương tận tay trao 2 con bò giống, vợ chồng tôi mừng đến chảy nước mắt. Từ đây, chúng tôi đã có tài sản và tự thấy có trách nhiệm với món quà mà Chủ tịch nước trao tặng. Để có thêm kinh nghiệm chăn nuôi bò, tôi đều đặn tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do địa phương phối hợp với ngành chức năng tổ chức. Ngoài ra, tôi còn chủ động tìm tòi, học hỏi thêm kiến thức từ sách báo, truyền hình”, anh Tiến chia sẻ.
Một hộ dân vừa được nhận bò “quay vòng”
Từ 2 con bò giống ban đầu, đến nay gia đình anh đã có 6 con bò sinh trưởng khỏe mạnh. Điều đáng mừng là gia đình anh đã thoát nghèo từ năm 2014 nhờ đàn bò. Năm 2016, sau khi cặp bò nái nhà anh sinh được một con bò nái khác, anh giao con bò con này cho một hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác trong thôn theo chủ trương của địa phương.
Quay vòng món quà của Chủ tịch nước
Không chỉ có gia đình anh Tiến thoát nghèo từ “đàn bò của Chủ tịch nước” mà hầu hết, 53 hộ gia đình ban đầu nhận được bò giống đều thoát nghèo sau đó ít lâu. Khi đàn bò của họ sinh sản ra con bò nái đầu tiên, sau 10 tháng thì con bò nái này sẽ được giao cho một hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác ở trong xã để hộ này có sinh kế, làm ăn thoát nghèo. Đây là chính sách “quay vòng bò” của chính quyền địa phương nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân và hỗ trợ những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Anh Trần Xuân Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Theo quy chế địa phương ban hành, những gia đình đầu tiên nhận được bò giống của Chủ tịch nước trao tặng phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi đàn bò này vì đó là gia sản của họ rồi. Nhưng sau khi đôi bò giống này sinh ra một con bò nái đầu tiên thì sẽ được “quay vòng” bằng cách giao cho những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn khác trong địa phương nuôi. Đấy là cách mà chúng tôi gọi là “quay vòng bò”. Làm như vậy sẽ hài hòa được lợi ích của người dân”.
Tháng 6.2013, gia đình anh Trần Phú Thạch (44 tuổi) ở thôn Xóm Bợc nhận được 2 con bò nái sinh sản của Chủ tịch nước. Lúc bấy giờ, nhà anh nghèo nhất nhì thôn. Sau khi nhận được 2 con bò nái, ngày ngày, vợ chồng anh cắt khoai, sắn và cỏ voi cho bò ăn. Nhờ chăm sóc tốt và siêng năng học tập kỹ thuật chăn nuôi bò, đến nay đàn bò của gia đình anh đã tăng lên 4 con. Từ số tiền bán bò, anh Thạch mua sắm máy móc, làm thêm nghề cơ khí phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng và nuôi 2 người con trai ăn học đến nơi đến chốn.
“Năm 2015, gia đình tôi chính thức thoát nghèo. Sau đó 1 năm, tức là năm 2016, đàn bò nhà tôi sinh được 1 con bò nái nên tôi giao cho 1 hộ khác trong thôn có hoàn cảnh khó khăn để họ nuôi theo chủ trương “quay vòng bò” của địa phương. Chủ tịch nước giúp gia đình tôi. Chúng tôi phải đoàn kết và có trách nhiệm giúp đỡ những người khác nữa chứ”, anh Thạch chia sẻ. Nay thu nhập bình quân của gia đình anh Thạch đạt trên 50 triệu đồng/năm.
Rời nhà anh Thạch, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Trần Như Vinh (66 tuổi) ở thôn An Đông, là một trong những hộ nhận bò quay vòng từ “đàn bò của Chủ tịch nước”. Ông Vinh xúc động nói: “Tháng 2/2016, tôi nhận 1 con bò nái từ gia đình anh Phan Văn Tiến. Lúc bấy giờ, con bò nái nhà tôi nhận đã được 7 tháng tuổi. Nó ăn khỏe và rất nhanh lớn. Từ tay trắng, nay gia đình tôi đã có vốn liếng là con bò này để làm ăn, để hi vọng vào tương lai”.
Được biết, trong số bò giống ban đầu, đã có 74 con bò nái sinh sản ra 94 bê con; trong đó, có 54 bê đực và 39 bê cái; 39 bê nái đang chửa và đã xuất quay vòng 16 bê cái cho 16 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tính đến thời điểm hiện tại, “đàn bò của Chủ tịch nước” đã tăng từ 100 lên 193 con. Nhờ chăn nuôi bò mà nhiều hộ trong xã đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống và chuyển đổi sinh kế phù hợp.
Đưa việc phát triển đàn bò vào nghị quyết của Đảng bộ
Để đảm bảo tất cả người dân đều nắm vững kỹ thuật chăn nuôi bò, hàng năm, chính quyền địa phương phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Trường Đại học Nông lâm Huế tổ chức các lớp tuận huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cho nhân dân. Trong giai đoạn từ năm 2013-2014, địa phương đã mở được 5 lớp tập huấn nuôi bò thâm canh. Theo anh Trần Xuân Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã, từ khi có “đàn bò của Chủ tịch nước”, chính quyền và người dân xã Vĩnh Thạch chú trọng hơn vào việc đầu tư trồng cỏ voi để nuôi bò thâm canh theo hình thức nuôi nhốt hoàn toàn.
Năm 2013, toàn xã Vĩnh Thạch chỉ có 7 ha cỏ voi nhưng đến nay, số diện tích ấy tăng lên 26 ha. Ngoài ra, năm 2016 vừa rồi, được sự hỗ trợ từ ban, ngành các cấp, Vĩnh Thạch đã thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò thâm canh với 22 hộ gia đình tham gia. Từ khi thành lập đến nay, tổ hợp tác đã phát huy vai trò hỗ trợ người chăn nuôi về nhiều mặt như nguồn vốn, con giống… dưới sự quản lý của Hội Nông dân.
Anh Hải cho biết thêm, chính quyền địa phương đang xây dựng và phát triển thêm mô hình chăn nuôi bò vỗ béo. Trong đó, Hội Nông dân trực tiếp tư vẫn, hỗ trợ người dân về mặt kỹ thuật. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Sinh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạch cho hay, phát triển đàn bò nói chung và “đàn bò của Chủ tịch nước” nói riêng luôn là sự ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương. Trong các kỳ đại hội Đảng bộ xã, luôn đưa ra những nghị quyết, chủ trương về chú trọng phát triển đàn bò và đồng cỏ.
“Đàn bò của Chủ tịch nước đã góp phần rất lớn trong công cuộc giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Nếu như năm 2013, toàn xã có tỷ lệ hộ nghèo là 12,4% (theo tiêu chí cũ) thì đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm còn 4,9% (theo tiêu chí mới); thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 34 triệu đồng/người, phấn đấu đến cuối năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai phát triển chăn nuôi bò theo hướng tập trung, thâm canh và mở rộng diện tích trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi đàn bò, giúp người dân tự chủ trong làm ăn phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên quê hương”, ông Sinh cho biết thêm.