Dân Việt

Chiếc "cần câu cơm di động" giúp nông dân vững tâm thoát nghèo

Hải Đăng 06/09/2017 19:15 GMT+7
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NNPTNT Hà Nội) đã tổ chức lễ cấp bò giống thuộc mô hình “Chăn nuôi bò sinh sản” năm 2017 - 2018 cho 30 hộ nghèo thuộc xã Ba Trại, huyện Ba Vì (Hà Nội).

Cụ thể hóa mục tiêu thoát nghèo bền vững

img

Đại diện Sở NNPTNT trao tặng bò cho các hộ nghèo xã Ba Trại, huyện Ba Vì (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng

Để giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, chúng tôi cam kết sẽ luôn sát cánh và hỗ trợ cho bà con những "chiếc cần câu" tốt nhất để bà con có thể "thoát nghèo. Mong rằng, với đức tính cần cù, chịu khó của mình, các hộ sẽ yên tâm chăn nuôi để thoát nghèo và làm giàu".

Ông Nguyễn Xuân Đại -
Phó Giám đốc Sở NNPTNT
Hà Nội

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, cùng với đợt trao bò cho 30 hộ nghèo của xã Ba Trại (mỗi hộ 1 con bò sinh sản từ 12 - 15 tuần tuổi, nặng trung bình 180kg), vào đầu năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã phối hợp 2 huyện Thạch Thất và Mỹ Đức tiến hành rà soát, đánh giá các hộ nghèo đủ điều kiện.

Theo đó, 30 hộ nghèo thuộc 3 xã: Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) và 30 hộ nghèo thuộc xã An Phú (huyện Mỹ Đức) cũng đã nhận được bò sinh sản miễn phí để chăn nuôi. Đây không chỉ là sự động viên, khích lệ lớn, mà còn là “lối mở” cho nỗ lực thoát nghèo của rất nhiều hộ gia đình khó khăn.

Đặc biệt, bò sinh sản tặng cho bà con đều đã được cán bộ của mô hình tiêm phòng các loại vaccine lở mồm long móng, tụ huyết trùng miễn phí. Ngoài ra, đơn vị cũng hỗ trợ cho các hộ nhận bò 50% thức ăn hỗn hợp trong giai đoạn bò sinh sản.

Bên cạnh việc trao bò sinh sản, các hộ nghèo còn được cán bộ của trạm khuyến nông cơ sở tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò sinh sản. Đến nay, các hộ đều đã nắm bắt được một số kỹ thuật cơ bản trong chăn nuôi, cũng như nhận biết được dấu hiệu khi bò mắc bệnh.

Bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, mô hình “Chăn nuôi bò sinh sản” với quy mô 90 con được triển khai tại 3 huyện miền núi Ba Vì, Thạch Thất và Mỹ Đức là sự cụ thể hóa mục tiêu hỗ trợ đồng bào “cần câu” để tiến tới thoát nghèo bền vững. Thông qua sự hỗ trợ sát sườn này sẽ tạo nên đòn bẩy cần thiết, giúp nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống cho các hộ nghèo.

Mong tiếp tục được hỗ trợ kỹ thuật

Là một trong số 30 hộ nghèo của xã Ba Trại được nhận hỗ trợ bò lần này, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tân tỏ ra hết sức vui mừng khi được Nhà nước trao cho cơ hội mới để gia đình vươn lên thoát nghèo. "Vợ chồng tôi vô cùng xúc động, mong con bò này sẽ giúp gia đình tôi hiện thực hóa ước mơ thoát nghèo đang ấp ủ bao lâu nay" - anh Tân nói.

Dù bước đầu triển khai và còn cần thời gian để đánh giá nhưng người dân và chính quyền các địa phương nơi được nhận bò cảm thấy rất phấn khởi. Bà Bạch Minh Hằng - Bí thư Đảng ủy xã Ba Trại, huyện Ba Vì cho hay: "Ba Trại là địa phương có nhiều tiềm năng cho phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi bò nên việc trao bò sinh sản cho các hộ nghèo là một việc làm rất thiết thực nhất để giúp các hộ nghèo có "cần câu", có cơ hội để vươn lên thoát nghèo".

Bà Hằng đánh giá, việc thực hiện mô hình "Chăn nuôi bò sinh sản" do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai là một hướng đi đúng, cần nhân rộng.