Vận động các ông chồng
Đội kèn nữ giáo họ Giáp Nội được thành lập vào tháng 8.2010. Việc xây dựng mô hình sinh hoạt câu lạc bộ độc đáo này dựa trên ý tưởng của anh Nguyễn Ngọc Cẩn (43 tuổi) - người có thâm niên 27 năm chơi kèn.
Nhắc lại những ngày đầu tiên thành lập đội kèn, anh Cẩn cho biết: “Yêu thích tiếng kèn nên từ năm 1988, tôi quyết tâm học và tự tìm hiểu, mày mò sửa chữa kèn, đến năm 1996 bắt đầu đi dạy kèn. Do thường xuyên đi sửa chữa, dạy kèn khắp nơi, thấy trong các ban nhạc lễ cũng có nhiều tay kèn nữ, tôi nảy sinh ý tưởng thành lập đội kèn nữ tại quê nhà”.
Đội kèn nữ giáo họ Giáp Nội tại Hội thi nhạc kèn và hợp xướng đồng ca toàn tỉnh Nam Định. |
Ấp ủ ý tưởng này, anh Cẩn trao đổi với các bà, các cô trong giáo họ và rất được ủng hộ. Những ngày đầu, các bà, các cô tích cực đi tuyên truyền, động viên, mời gọi chị em phụ nữ trong thôn xóm tham gia câu lạc bộ. Người tích cực động viên chị em tham gia nhất là bác Nguyễn Văn Din và cô Nguyễn Thị Lợi- hiện là Đội trưởng đội kèn. Theo anh Cẩn, động viên, khuyến khích chị em tham gia một phần đã khó, phần khó nhất là vận động các ông chồng ủng hộ cho vợ, bởi đàn bà con gái buổi tối ra khỏi nhà đi tập kèn là rất ngại, chưa kể họ phải thu xếp công việc gia đình, con cái...
Dần dà cũng vận động được 15 chị em vào đội, tham gia sinh hoạt thường xuyên. Nhưng từ đây cũng bắt đầu nảy sinh nhiều khó khăn. Người dạy thì đã có anh Cẩn, nhưng thiếu kèn cho các thành viên tập luyện. Trước tình hình này, cô Lợi đành dốc hết vốn liếng tạm ứng cho chị em mua kèn.
“Nếu mua kèn của các nước châu Âu, nhất là do Pháp sản xuất thì giá rất đắt, có khi lên tới hàng nghìn đô la Mỹ một cây, đến các tay kèn chuyên nghiệp cũng ít có điều kiện để mua, nói gì đến những phụ nữ đồng quê, quanh năm chỉ biết ruộng vườn”- anh Cẩn lý giải. Phương án đưa ra là mua kèn do Trung Quốc sản xuất, có giá dao động từ 6 - 10 triệu đồng/cây, dù mức giá đó cũng là khá cao đối với nhiều thành viên, nhưng họ được vay tiền mua kèn và trả dần cho cô Lợi.
Anh Cẩn hướng dẫn chị em trong đội tập luyện. |
Suốt ngày “thở ra, hít vào”
Vạn sự khởi đầu nan, sau khi mua được kèn, anh Cẩn bắt tay vào công việc giảng dạy. Theo anh, dạy kèn cho đàn ông đã khó, bởi đặc thù của nhạc cụ thuộc bộ hơi này là phải biết lấy hơi, nhả hơi, luyến láy... chưa kể là tính phức tạp của hệ thống nút bấm trên cây kèn, vậy mà đây toàn là chị em phụ nữ, nhạc lý chưa rõ, tay chân còn lóng ngóng khi cầm kèn.
Mất 15 ngày giới thiệu về âm nhạc, về cấu tạo cũng như cách sử dụng của các loại kèn cho từng thành viên để họ có kiến thức sơ khai về môn học, sau đó là 3 tháng vừa học nhạc lý, vừa tập với kèn. Thời gian đó khá nhiều chị em tỏ ra nản chí, bởi lượng kiến thức âm nhạc cần phải trau dồi khá lớn cũng như kỹ thuật lấy hơi không hề đơn giản. Thế nhưng dưới sự dìu dắt tận tình theo kiểu “cầm tay chỉ việc” của anh Cẩn, cộng với sự quan tâm, động viên sâu sát của người nhà, nên sau 3 tháng, đa số các chị em đều đã nắm tương đối các kỹ thuật cơ bản, một số người khá thành thục, có thể chơi những bản nhạc hoàn chỉnh.
“Ngày đầu cầm cây kèn mà tay cứ lóng ngóng, do mình chưa quen nên chỉ được một lúc là các ngón tay lại lệch khỏi nút bấm. Khi tay đã quen rồi thì đến phần khó nhất là học cách lấy hơi và nhả hơi sao cho chuẩn nốt, đúng cao độ, trường độ. Về nhà cứ tập hít ra, hít vào suốt, khó lắm. Nhưng bởi mình cũng rất yêu thích tiếng kèn saxophone nên quyết tâm tập luyện bất kể khi nào rảnh rỗi”- chị Trần Thị Oanh (35 tuổi, ở xóm 9, xã Hải Bắc)- người tham gia sinh hoạt từ đầu và hiện là tay kèn rất khá trong đội, tâm sự.
Như bao chị em khác, ngoài công việc đồng áng, chị Oanh cũng có nghề phụ là trang trí họa tiết áo dài, nhưng cứ ngơi tay kim chỉ lại mang kèn ra tập. Cũng với quyết tâm như chị Oanh, hiện trong đội có nhiều chị đã có “tay nghề” rất khá như chị Nhâm, chị Hương...
Cứ 1 tháng 10 buổi, các nữ thành viên đội kèn lại chăm chỉ tập luyện, trao đổi kinh nghiệm dưới sự hướng dẫn nhiệt tình, sát sao của anh Cẩn. Tiếng lành đồn xa, sau nhiều lần trình diễn tại các dịp lễ, tết... đội kèn ngày càng thu hút thêm nhiều chị em hăng hái tham gia tập luyện. Giờ đây, nhắc đến Hải Bắc, người dân Nam Định lại tấm tắc nói với nhau: “Ở đó có một đội kèn nữ trên cả tuyệt vời!”.
Chu Hồng Châu