Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 502 cơ sở ATDB, trong đó có 273 cơ sở chăn nuôi gia cầm ATDB đối với bệnh cúm, newscastle; 229 cơ sở chăn nuôi heo ATDB với dịch tả lợn và lở mồm long móng.
Hạn chế dịch bệnh
Thành công bước đầu từ vùng ATDB là tiền đề để xây dựng các chuỗi cung ứng tiếp theo như sản xuất trứng gà ở Công ty chăn nuôi Thanh Đức. Ảnh: Thanh Đức
Từ đầu năm 2017, Đồng Nai đã xây dựng tiếp vùng ATDB ở 10 xã thuộc 4 huyện Xuân Lộc, Long Thành, Cẩm Mỹ và Tân Phú để tạo vùng đệm an toàn. Dự kiến xây vùng ATDB trên địa bàn thị xã Long Khánh, Định Quán và các xã xung quanh trại gà đẻ trứng thương phẩm Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) phục vụ trứng gà xuất khẩu. |
Đối với các nước nhập khẩu thịt gà trên thế giới, Việt Nam vẫn nằm trong vùng dịch cúm gia cầm. Trước khi thực hiện đề án thí điểm theo Quyết định 440/2015 của Bộ NNPTNT, dịch bệnh vẫn là nỗi ám ảnh đối với chính quyền và người chăn nuôi ở tỉnh Đồng Nai. Đơn cử, đầu năm 2014, virus cúm H5N1 nhánh mới (khác với nhánh đã tiêm phòng) phát sinh và lưu hành. Đồng Nai xuất hiện 3 ổ dịch bệnh trên gần 10.000 con gà, khiến 2 xã, thị trấn thuộc huyện Vĩnh Cửu phải công bố dịch.
Thống Nhất, Trảng Bom là 2 huyện tiên phong được chọn làm thí điểm. Sau khi thực hiện đề án, 2 huyện này không còn phát hiện mầm bệnh cúm và newcastle. Đến nay, 2 huyện này đã có tổng số 114 cơ sở chăn nuôi được công nhận ATDB. 100% các xã tại 2 huyện này (huyện Thống Nhất: 10 xã, huyện Trảng Bom: 17 xã) đã được công nhận ATDB cấp xã. Hai huyện này cũng được Cục Thú y công nhận là vùng ATDB cấp huyện với cúm gia cầm và newcastle.
Mục tiêu đến cuối năm 2017, Đồng Nai phấn đấu có 235 cơ sở chăn nuôi gà tập trung được công nhận ATDB so với mục tiêu đề án là 212 cơ sở. Toàn tỉnh sẽ có 9 huyện thị là vùng ATDB với 2 huyện là Tân Phú và Xuân Lộc là vùng đệm an toàn, sau đó sẽ xây dựng tiếp các huyện còn lại.
Ông Lã Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) cho biết chính quyền địa phương tiếp tục nỗ lực vì mục tiêu chung của tỉnh. UBND cấp xã sẽ quản lý chặt chẽ các hộ chăn nuôi, các trang trại về vệ sinh môi trường. Các hộ chăn nuôi sẽ được hỗ trợ vaccine, tiền công, vật tư tiêm phòng cho đàn gia cầm. Thống kê và cấp 100% sổ quản lý cho các hộ để thực hiện nghiêm việc ghi chép, báo cáo sổ chăn nuôi hàng tháng.
“Các cơ sở chăn nuôi tập trung thì bắt buộc phải đăng ký xây dựng cơ sở ATDB động vật gắn với công tác kiểm dịch, tạo điều kiện cho các trại chăn nuôi có thể báo cáo qua mạng internet” - ông Hùng kể.
Mở rộng vùng ATDB
Theo ông Nguyễn Văn Quang - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, việc xây dựng và chứng nhận ATDB cấp xã trong 2 vùng Thống Nhất, Trảng Bom và 10 xã quanh trại gà của Công ty Koyo&Unitek được đánh dấu bằng lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang Nhật. Thành công này là tiền đề để xây dựng các chuỗi cung ứng tiếp theo.
Chăn nuôi gia cầm của tỉnh Đồng Nai có lợi thế về hiệu quả kinh tế do vùng có một số công ty chăn nuôi lớn như CP, Japfa, Emivest… tổ chức cho người dân chăn nuôi gia công nên đàn gia cầm có điều kiện phát triển nhanh.
Mặc dù vậy, từ đầu năm đến nay giá cả thị trường không ổn định nên các công ty chỉ chọn một số trại gia công. Hộ nuôi tư nhân vì thua lỗ nên đàn giam cầm không tăng. Giá cả thị trường không ổn định, giá bán sản phẩm ATDB, sản phẩm tham gia vào chuỗi chưa có sự khác biệt so với sản phẩm thường nên người chăn nuôi chưa tích cực hưởng ứng tham gia đăng ký. Các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế biến cũng chưa thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.
So với 4 tỉnh khác (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh) cùng thực hiện đề án thì Đồng Nai đi đầu cả nước về số vùng, cơ sở được chứng nhận ATDB, hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu.
“Nhưng so với tổng số trang trại trên địa bàn tỉnh, 502 cơ sở đạt chứng nhận ATDB chỉ mới chiếm 30%. Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh mở rộng vùng ATDB, phục vụ an toàn thực phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc tiến tới xuất khẩu” - ông Quang nói.
Tính đến tháng 7.2017, toàn tỉnh Đồng Nai có tổng đàn gà khoảng 18,6 triệu con; chăn nuôi trang trại chiếm 87,6% với 470 trại, tập trung nhiều nhất ở 2 huyện Trảng Bom, Thống Nhất (266 trại).