Anh Nguyễn Văn Minh - nông dân đang sở hữu 3 sào đào với gần 300 gốc ở bãi sông Hồng, thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội, với 10 năm kinh nghiệm chăm sóc đào cho rằng: “Khi đốt bằng lửa, gốc cành đào sẽ cháy, không thể hút được nước, chất dinh dưỡng để nuôi cành, làm cho cành đào nhanh héo, hoa chóng tàn. Việc đốt gốc cành đào để giữ hoa tươi là phản khoa học”.
Một người bán đào đang đốt gốc cành. |
Bà Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch Hội Nông dân phường Nhật Tân, có gia đình nhiều đời trồng, chăm sóc và bán đào cũng cho rằng, việc đốt gốc cành đào là không khoa học, phản tác dụng trong việc bảo vệ đào. Hiện đa số nông dân Nhật Tân không áp dụng biện pháp này.
Trao đổi với NTNN, TS Đặng Văn Đông - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hoa và cây cảnh - Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư cho rằng: “Theo kinh nghiệm dân gian, đốt cành đào trước hết là để diệt khuẩn, diệt nấm xâm nhập vào các bó mạch dẫn của cành đào, làm cành đào hạn chế chảy nhựa, mất dinh dưỡng của cành và làm sạch nước cắm đào... Tuy nhiên, việc đốt gốc cành đào cũng sẽ gây tắc các mạch, không cho nước và dinh dưỡng đi lên nuôi cành”.
Theo TS Đông, nếu áp dụng biện pháp đốt cành thì chỉ đốt vừa phải. “Nếu đốt quá lâu, quá nhiều sẽ gây tổn thương mạch, tắc mạch, sẽ lại làm cành đào chóng tàn” - TS Đông nói.
Theo TS Đông, muốn bảo vệ đào đẹp, tươi lâu trong ngày tết giá lạnh, cần đặt cành đào trong nhà, vị trí khuất gió để giữ ấm. Ngoài ra, người chơi đào có thể tưới nước ấm, bổ sung thêm vài viên vitamin B1 hay phân kali trong nước để tưới cho cành đào.
Sỹ Lực