Dân Việt

"Vứt" hàng trăm triệu đồng để mang cọng rau sạch từ rẫy đến bàn ăn

Ngọc Trảng 08/09/2017 13:20 GMT+7
Vợ chồng anh Hồ Tấn Việt và chị Mai Kim Cương (ấp Phước Hanh A, xã Phước Hậu- Long Hồ), được sự hỗ trợ của những người bạn, đầu tư hàng trăm triệu đồng trồng thử nghiệm rau sạch đúng nghĩa trong nhà lưới, nhiều người cho là... khùng.

img

Những bó rau đầu tiên được mời bán trực tiếp cho những người thân quen

Nỗi khổ người trồng rau

Để mở rộng diện tích 6.000m2 rau sạch trong nhà lưới như hiện nay, là cả một quá trình trăn trở và thử nghiệm hơn 2 năm trời của anh Hồ Tấn Việt và chị Mai Kim Cương.

Ban đầu, với 720m2 được đổ cột xi măng, bao bọc lưới kín, hệ thống tưới tự động và trồng khoảng chục loại rau sạch, theo nguyên tắc: sử dụng phân chuồng, phân vi sinh và tuyệt đối không dùng phân hóa học và các loại thuốc trừ sâu.

Những bó rau đầu tiên được mời bán trực tiếp cho những người thân quen, được mọi người rất ủng hộ; tuy nhiên vấn đề là chi phí đầu tư quá tốn kém, chỉ với 720m2 đã ngốn mất gần 30 triệu đồng.

Đó là nhờ bán rau trực tiếp cho người tiêu dùng, còn qua tay thương lái thì coi như... lỗ nặng.

Trong khi cứ gieo trồng ngoài trời, thì không cách gì không xịt thuốc, nhất là vào mùa mưa có nhiều sâu bệnh.

Ông Năm C. ở xã Tân Bình (Bình Tân) chỉ ra đám hành 3 công giải thích: “Cái giống hành này nếu ngưng xịt là tiêu ngay, xịt thuốc nhiều khi nhổ bán cọng hành còn trắng thuốc. Nhiều người trồng hành, trồng hẹ nhưng cũng đâu dám ăn”.

Theo ông Năm C, một số nông dân xịt thuốc gấp mấy lần liều lượng so với chỉ dẫn trên bao bì.

Thêm một vấn đề cho tương lai đất nông nghiệp xứ mình, dư lượng thuốc trừ sâu qua thời gian dài đã ngấm vào đất, vào các mạch nước ngầm; cùng với thói quen bón phân hóa học góp phần làm giảm độ phì của đất.

Trong khi đó, lượng phù sa từ hệ thống sông Mekong ngày càng trở nên hiếm hoi. Tai hại trước mắt chính là sức khỏe người tiêu dùng, là vấn đề không ai có thể đo đếm được.

Tuy nhiên, cần thông cảm và thương cho nông dân, một cọng rau từ rẫy ra tới chợ và đến bàn ăn người tiêu dùng, phải “cõng” biết bao nhiêu chi phí cùng với sự chèn ép đủ điều.

Chị Mai Kim Cương cho biết, để bán 100kg rau cho thương lái, thì thực tế nông dân phải cân 115kg, mà chưa hết đâu, cái chuyện trừ bì rổ cân rau cũng là một xảo thuật ăn thêm một khúc nữa.

Nhưng khi rau hút chợ còn đỡ khổ, khi dội hàng ế ẩm thì nông dân ăn tiền đâu có ngọt, phải trừ đầu, trừ đuôi nữa.

Mà so sánh giá rau ở rẫy với giá rau chợ, trong siêu thị càng một trời một vực. Trong khi rau đang hút hàng, lên giá ở chợ rau muống gần 13.000 đ/kg, trong siêu thị là trên 20.000 đ/kg, thì thương lái chỉ thu bà con 4.000- 5.000 đ/kg. Mà trong 4.000đ này, nông dân đã chi phí bao nhiêu cho các loại phân, thuốc nông nghiệp rồi.

Do vậy, trong cái thế “ăn chia” như vậy, có nông dân nào dám đầu tư mấy chục triệu đồng cho một công rẫy để có thể làm ra cọng rau sạch. Thôi thì cứ “ai sao mình vậy”, người ta xịt thì mình cũng phải xịt thôi.

Cái tác hại này không chỉ người tiêu dùng gánh chịu, mà ngay nông dân cũng chịu thiệt trăm bề vì một nền nông nghiệp “kém chất lượng” về sản phẩm và hủy hoại dần đất đai là tài sản quý nhất của nông dân.

img

Để có cọng rau sạch, cần phải có lương tâm “sạch”,

Lương tâm sạch làm nên cọng rau sạch

Để thay đổi ý thức trồng trọt nông sản an toàn, là cả một vấn đề mà phải còn lâu chúng ta mới đạt được một chất lượng cao, một nền nông nghiệp “sạch”, bền vững.

Mà cái ý thức, chắc rằng phải đi kèm với một sự công bằng cho nông dân, phải được thụ hưởng phần lợi lớn nhất khi chính họ mới là người đầu tư công sức, chi phí nhiều nhất.

Để buôn 1 tấn rau, thương lái chỉ cần bỏ ra vài triệu tiền cọc; trong khi đó để sản xuất ra 1 tấn rau, nông dân phải đầu tư hàng chục triệu đồng, cộng với “vốn cố định” hàng trăm triệu đồng là đất đai mà họ hoàn toàn không được “tự quyết” giá cả.

Chị Kim Cương cho rằng, trong khi “chờ” có được nền sản xuất lớn, thì ngay bây giờ nông dân cũng tự “xoay trở” nhiều cách để tự cứu mình.

Với mong mỏi lớn nhất là làm sao cọng rau từ rẫy đến bàn ăn của người tiêu dùng, phải bớt các “công đoạn” trong cái hệ thống phân phối chưa “công bằng”, thì nông dân mình có thể tự đi bán rau không, có thể phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng không?

Ngược lại, nông dân phải bảo đảm với người tiêu dùng là cọng rau mình làm ra là hoàn toàn sinh thái, an toàn, vệ sinh nhất có thể.

Để có cọng rau sạch, cần phải có lương tâm “sạch”, dám nghĩ, dám làm, chị Kim Cương đã đầu tư nhiều công sức và trên 100 triệu đồng để quyết tâm sản xuất rau sạch và tự tay phân phối đến người tiêu dùng. Nhiều người cho rằng chị... bị khùng, nhưng xã hội đang rất cần những người “khùng” có tấm lòng nhân ái, biết nghĩ đến sức khỏe người tiêu dùng.

Hiện chỉ mới là những bước thăm dò, lắng nghe phản hồi của người tiêu dùng, dần hình thành hệ thống khách hàng thân thuộc. Với 6.000m2 được trồng các loại: rau muống, rau dền, cải xanh, cải ngọt, mồng tơi, dưa leo, đậu bắp, cải bông,... khi ổn định sẽ tăng cường thêm nhiều loại rau thông dụng hàng ngày.

Và đối tượng ban đầu chị Kim Cương hướng đến là cán bộ, công chức, những người có ý thức cao về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tùy theo giá cả từng loại rau, từng thời điểm, rau được bó thành từng bó, bán đồng giá 10.000 đ/bó.

Cái lợi trước mắt, là chính gia đình mình và những người thân, bạn bè mình có thể an tâm ăn rau sạch hàng ngày.

Nhưng để làm ra cọng rau sạch cũng rất nhiêu khê, như thay vì xịt thuốc cỏ vài chục ngàn đồng, thì phải thuê người nhổ cỏ với chi phí khá cao 120.000 đ/người/ngày. Với 5 nhân công là một ngày mất 600.000đ rồi.

Khâu xử lý đất cũng tốn nhiều công cán, các loại vôi, tro hỗ trợ khi xuống giống. Trong khi năng suất rau rất thấp, cọng rau nhẹ và không “đẹp” như khi được xịt thuốc và bón phân hóa học.

Tuy nhiên, chị Kim Cương tin tưởng người tiêu dùng sẽ dần phân biệt được cọng rau sạch và sẽ “ghiền” những cọng rau hoàn toàn sử dụng phân chuồng, phân vi sinh.