Dân Việt

Không luật nào cấm tài xế dùng tiền lẻ khi qua trạm thu phí BOT

Đình Việt (ghi) 08/09/2017 14:27 GMT+7
Bày tỏ quan điểm về việc Công ty VidIfi báo cáo cơ quan công an việc người dân dùng tiền lẻ để phản đối trạm BOT trên QL5 gây ùn tắc, luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) khẳng định không có bất kỳ điều cấm nào dùng tiền lẻ trong giao dịch dân sự. 

Những ngày vừa qua, dư luận xôn xao về việc nhiều lái xe dùng tiền lẻ để trả phí khi đi qua trạm thu phí số 1 trên Quốc lộ 5 đoạn qua địa bàn huyện Văn Lâm (Hưng Yên) để phản đối việc thu phí tại đây, làm ảnh hưởng tới việc tham gia giao thông của nhiều phương tiện khác gây ùn tắc giao thông trên quốc lộ.

Trả lời báo chí, một lãnh đạo Vidifi cho biết: “Việc người dân dùng tiền lẻ để phản đối trạm BOT số 1 gây ùn tắc, Vidifi đã báo cáo cơ quan chức năng, trong đó có công an các địa phương và Tổng cục An ninh để cơ quan chức năng nắm được tình hình, hỗ trợ công tác phân luồng giao thông, giải tỏa ùn tắc, chứ không đề nghị điều tra việc trả tiền lẻ”.

Vị lãnh đạo Vidifi cũng cho rằng, việc lái xe đi chậm và dàn hàng ngang từ ngã tư khu công nghiệp Phố Nối trên Quốc lộ 5 để gây ùn tắc trước trạm thu phí, sau đó sử dụng tiền lẻ trả phí là có vấn đề, cần được xử lý triệt để.

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng Văn phòng luật sư Interla – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) để nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý.

Thưa luật sư, việc các lái xe trả tiền lẻ khi đến trạm thu phí có vi phạm pháp luật hay không?

img

Việc người dân trả tiền lẻ khi đi qua trạm được coi là giao dịch dân sự không bị cấm (Ảnh: Dân Trí) 

- Trước hết, việc nộp tiền khi qua trạm thu phí bản chất là một giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 116 BLDS 2015.

“Tiền dù ở mệnh giá nào cũng được lưu hành hợp pháp và trạm thu phí không thể từ chối. Bên cạnh đó, cũng không có bất kỳ quy định nào nghiêm cấm dùng tiền lẻ trong giao dịch dân sự. Chính vì vậy, việc các lái xe dùng tiền lẻ để thanh toán khi qua trạm thu phí hoàn toàn không vi phạm pháp luật”

                                                     (Luật sư Trương Quốc Hòe) 

Cụ thể, khi điều khiển xe lưu thông trên đường, đến trạm thu phí thì tài xế phải nộp một khoản tiền cho nhân viên của trạm để được cho phép lưu thông. Khi tài xế đã nộp tiền xong và nhân viên trạm thu phí đồng ý cho xe lưu thông là các bên đã hoàn thành giao dịch dân sự. Giao dịch dân sự này là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.

Khi tài xế dùng tiền lẻ thanh toán, nhân viên trạm thu phí phải kiểm đủ tiền thì mới cho xe qua dẫn đến việc mỗi xe qua trạm thì phải tốn thời gian hơn bình thường.

Khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng nhà nước đã quy định rõ: “Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Vì vậy, tiền dù ở mệnh giá nào cũng được lưu hành hợp pháp và trạm thu phí không thể từ chối. Bên cạnh đó, cũng không có bất kỳ quy định nào nghiêm cấm dùng tiền lẻ trong giao dịch dân sự. Chính vì vậy, việc các lái xe dùng tiền lẻ để thanh toán khi qua trạm thu phí hoàn toàn không vi phạm pháp luật.

Có ý kiến cho rằng việc các lái xe dùng tiền lẻ để thanh toán khi qua trạm thu phí gây ra ùn tắc giao thông là hành vi gây rối trật tự công cộng. Quan điểm của ông thế nào?

- Điều 245 BLHS quy định như sau: “Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm…”

Theo đó, hành vi gây rối trật tự công cộng được hiểu là hành vi: tập trung đông người ở nơi công cộng gây náo động làm mất trật tự công cộng; đuổi đánh nhau, hò hét gây náo động ở nơi công cộng; đập phá các công trình ở nơi công cộng, đập phá các tài sản trong các, quán ăn, quán giải khái có đông người… xâm phạm đến an toàn công cộng, đến quy tắc, sinh hoạt, đi lại, làm việc, vui chơi… ở nơi công cộng.

Tuy nhiên, theo các thông tin được đăng tải trên báo chí những ngày qua, các lái xe không hề có hành vi như hò hét, lôi kéo, kích động người dân, đập phá hay gây khó dễ cho các nhân viên của trạm hay chen lấn khi vào trạm. Lái xe chỉ đơn giản là sử dụng tiền lẻ để thanh toán khi qua trạm.

img

Luật sư Trương Quốc Hòe. 

Như đã phân tích, việc dùng tiền lẻ để thanh toán khi qua trạm thu phí là không sai, không vi phạm pháp luật. Việc xe qua trạm chậm là do nhân viên của trạm phải kiểm, đếm lại số tiền mà tài xế đã trả, nếu đủ thì sẽ cho xe lưu thông.

Vì vậy, việc ùn tắc giao thông một phần là do nhân viên trạm kiểm đếm không nhanh chóng chứ không thể đổ lỗi hoàn toàn cho phía lái xe. Tại sao dùng tiền mệnh giá lớn để thanh toán thì cho xe qua trạm nhanh mà dùng tiền mệnh giá nhỏ thì cho xe qua trạm chậm?

Do đó, để đảm bảo việc lưu thông của xe thì bên thu phí phải bố trí phương tiện, nhân lực kiểm đếm nhanh chóng chứ không thể hoàn toàn đổ lỗi cho lái xe. Có thể thấy, hành vi dùng tiền lẻ để thanh toán khi qua chạm thu phí của các lái xe không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc ùn tắc giao thông tại trạm thu phí. Chính vì vậy, không thể khẳng định việc các lái xe trả tiền lẻ cho trạm thu phí là hành vi gây rối trật tự công cộng.

Vậy việc người dân phản ứng bằng cách trả tiền lẻ qua trạm BOT được coi là giao dịch bình thường?

-  Theo các thông tin tôi được biết thì nguyên nhân dẫn đến việc lái xe sử dụng tiền lẻ khi qua trạm thu phí là do hiện nay phí áp dụng đối với các xe qua đây quá cao so với mức phí cũ. Theo quan điểm của tôi, trước hết các cơ quan chức năng cần xem xét nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, toàn diện, thấu tình đạt lý tránh việc hình sự hóa các quan hệ dân sự, cũng như xem xét, tìm giải pháp để đảm bảo quyền và lợi ích của cả hai phía.

Bên cạnh đó, trước khi có giải pháp chấm dứt tình trạng trên, phía trạm thu phí số 1 cần bố trí, sắp xếp nhân viên để kiểm đếm tiền nhanh chóng, phân luồng phương tiện vào trạm để đảm bảo an toàn giao thông, tránh xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông như những ngày qua.