Dân Việt

Giữa bão giá, giám đốc HTX nuôi lợn vẫn "cả gan" nuôi 28.000 con

Trần Quang 18/09/2017 07:28 GMT+7
Trong cơn khủng hoảng giá lợn kéo dài mấy tháng vừa qua, Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ gồm 36 hộ nuôi lợn vững tâm vượt qua. Có được điều này là nhờ 1 phần lớn bản lĩnh cầm lái của ông Giám đốc Nguyễn Văn Thanh. Bản lĩnh này vốn được ông Thanh tôi rèn trong mấy chục năm gắn bó với nghề nuôi lợn và trải qua bao thăng trầm, sóng gió...

Ông Nguyễn Văn Thanh hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc  HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ (xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), một người nổi tiếng với trong vùng với kinh nghiệm và bản lĩnh trong nghề nuôi lợn.

Bán nhà đổ tiền vào nuôi lợn

img

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải (phải) thăm mô hình nuôi lợn của HTX Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ. Anh Nguyễn Văn Thanh (trái) giới thiệu về việc chăm sóc lợn con mới đẻ.  Ảnh: T.Q

Gắn bó nhiều thập kỷ với nghiệp chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Thanh đã nhận được những danh hiệu, giải thưởng cao quý như: Công dân ưu tú Thủ đô năm 2013; Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu làm theo lời Bác; Thương hiệu vàng Thăng Long; Sản phẩm chất lượng vàng Thủ đô (năm 2013); Sản phẩm tiêu biểu năm 2013 và năm 2014; Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2015); Danh hiệu Tập thể điển hình tiên tiến Toàn quốc (năm 2016).

Sau khoảng thời gian dài giá thịt lợn hơi rớt thảm hại, khi người nông dân càng nuôi càng lỗ thì việc vẫn trụ vững được về cả kinh tế lẫn tinh thần như ông Nguyễn Văn Thanh thật sự khiến người ta nể phục. Với ông Thanh, mọi khó khăn dường như không làm ông mất tinh thần mà niềm tin vào bản thân càng thêm mạnh mẽ. Có thể nói, trong những cơn khủng hoảng hay khó khăn, ông luôn tìm thấy cơ hội cho mình.

Lấy ví dụ như đợt dịch lợn tai xanh, lở mồm long móng trên lợn nhiều năm về trước, khi những hộ chăn nuôi lợn rơi vào cảnh khốn đốn, chật vật thì ông đã vượt qua và vươn lên. Còn đợt giảm giá thịt lợn năm nay, ông chỉ cười xòa mà nói rằng: “Tôi vẫn trụ được, không vấn đề gì, chỉ là bớt lãi thôi...”. Nghe ông kể bằng giọng tếu táo, giản dị như vậy, chúng tôi ai nấy đều nể phục...

Cùng đi thăm một vòng trang trại của ông Nguyễn Văn Thanh và cơ ngơi của gia đình ông ngày hôm nay, chúng tôi được ông kể lại những tháng ngày gian khó đã qua của mình. Sinh năm 1963 trong một gia đình có 6 anh em, bố mẹ làm nghề nông và chạy chợ, ông Nguyễn Văn Thanh đã từng trải qua nhiều nghề kiếm kế sinh nhai. Ông từng học khoa văn Đại học Sư phạm, Trung cấp Tài chính rồi đến làm công ăn lương trong một cơ quan xuất nhập khẩu ở huyện Mỹ Đức. Nhưng những ngày tháng đó, anh Thanh lại say sưa tích lũy kinh nghiệm... nuôi lợn.

Không dừng lại ở ý nghĩ, ông Thanh hiện thực hóa nó bằng việc bắt tay vào chăn nuôi. Ban đầu, ông trưng dụng cả gầm cầu thang, sân hè để nuôi lợn. Hễ trong vườn chỗ nào cảm thấy đủ rộng là ông quây chuồng để… nuôi lợn. Việc này không những giúp ông có thực tế về chăn nuôi mà còn là cơ sở để hình thành và tích lũy kinh nghiệm cho những bước đi vừng chắc sau này.

Câu chuyện kể được tiếp nối về những ký ức giữa năm 1989 – 1990, khi thực hiện chính sách khoán 10, tỉnh Hà Tây (cũ) có chủ trương phát triển ngành chăn nuôi tập trung. Nếu là người khác, có thể điều này chỉ là “gió thoảng ngang qua” thì anh thanh niên Nguyễn Văn Thanh lại coi đây là cơ hội tốt để mình đổi đời, biến những dự định, ước mơ thành hiện thực.

Trong tình cảnh tay không có một đồng, sau nhiều đêm nghiền ngẫm, Nguyễn Văn Thanh đã đi đến một quyết định được coi là quá liều lĩnh, thậm chí không tưởng thời bấy giờ, đó là bán hết cả nhà và đất để có tiền đầu tư nuôi lợn.

“Khi quyết định như thế, bạn bè, người thân, ai cũng can ngăn, có người còn bảo tôi nên dùng vốn đó để đi buôn sẽ nhanh giàu hơn, chứ ai lại mang cả cơ nghiệp gia đình đi đánh cược với con lợn như thế” - ông Thanh kể.

img

Công nhân đang chăm sóc 1 trong những khu chuồng nuôi lợn thịt thương phẩm của Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ. Ảnh: T.Q

Mô hình nuôi lợn công nghệ cao, 100% tự động hóa của ông Thanh chia làm 3 khu chuồng trại:  Khu lợn giống, khu lợn nái và khu lợn thịt. Khu chuồng trại nào cũng sạch sẽ, có quạt mát, đèn điện, lợn uống nước sạch, ăn thức ăn công nghiệp đạt chuẩn, nằm trên sàn bê tông thoáng mát.

Đúng kế hoạch vạch ra trong đầu, Thanh dốc toàn lực được 50 triệu đồng và dùng số tiền này vào một số việc như thuê 1 mẫu đất ngoài đồng bãi, dựng lán trại, mua 7 con lợn nái về nuôi. Và tiếp theo đó, anh dành toàn bộ thời gian, công sức, tâm huyết vào chăm bẵm đàn lợn của mình. Sau một năm, đàn lợn bắt đầu sinh sôi, chăn nuôi dần có lãi, giúp anh có đủ tự tin khi quyết định mua thêm con giống, mở mang chuồng trại…

Với suy nghĩ, kiến thức, kỹ năng mình biết là có hạn và cần phải học hỏi thêm nhiều hơn nữa, anh Thanh vừa nuôi  lợn vừa tìm đến những trang trại lớn ở các tỉnh, thành khác để học hỏi, trao đổi, tích lũy kinh nghiệm cho riêng mình. Dù bận rộn đến mấy, anh vẫn dành thời gian tham gia các tập huấn kỹ thuật chăn nuôi của Hội Nông dân huyện tổ chức và còn học theo các chương trình giảng dạy, chăm sóc chữa trị bệnh cho gia súc, gia cầm trong chương trình khuyến nông trên sóng truyền hình, đài phát thanh, qua sách báo...

Tinh thần ham học hỏi và cầu thị đó cùng việc mạnh tay đầu tư, vốn dư năm này đầu tư qua năm khác, trang trại của ông Nguyễn Văn Thanh đã phát triển khang trang và ngày càng quy mô gồm cả nuôi lợn giống và lợn thịt.

Mạnh dạn áp dụng chăn nuôi công nghệ cao

Năm 2000, ông Nguyễn Văn Thanh quyết định nhận thầu 8,84ha, xây dựng 72.000m2 chuồng trại tổng hợp vừa nuôi lợn nái để bán giống, vừa chăn nuôi lợn thịt thương phẩm. Cùng thời điểm đó, ông  ký hợp đồng với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P để cung ứng thức ăn chăn nuôi và dịch vụ về chăn nuôi lợn. Ông hiểu rằng, cứ giữ mãi kiểu chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống sẽ khó phát triển, để làm ăn lớn, chăn nuôi quy mô lớn thì phải liên kết với nước ngoài, qua đó tiếp nhận, áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào chăn nuôi.

Với sự hợp tác, hỗ trợ từ các chuyên gia chăn nuôi của Công ty C.P, năm 2006, ông Thanh tiếp tục tính toán, dồn lực vào đầu tư mạnh tay hơn và được bầu làm Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ gồm 36 hộ nuôi lợn. Từ đây, ông áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, hiện đại từ khâu sản xuất con giống, cung ứng thức ăn đến cách phòng dịch, tiêu thụ sản phẩm đầu ra…

Trong việc phát triển chăn nuôi lợn, mỗi năm doanh thu của HTX của ông Thanh đạt trên 200 tỷ đồng. Quy mô diện tích  nuôi của HTX là 22ha với 3.000 con lợn nái, lợn nuôi thịt 70.000 con/năm, cung cấp thịt lợn hơi hàng năm cho thành phố 3.000 tấn. HTX giải quyết việc làm cho 60 lao động với mức lương bình quân đạt 5,5 triệu/người/tháng.

Khi được hỏi về kinh nghiệm thành công trong chăn nuôi lợn, ông Thanh cho rằng: "Để chăn nuôi lợn thì cần phải đặc biệt coi trọng công tác phòng dịch bệnh, từ cách xây dựng chuồng trại thoáng mát, phun khử trùng dịch bệnh thường xuyên đến việc xây dựng bể và xử lý phân thải của lợn. Ngoài ra, cách chọn giống lợn tốt cũng đóng vai trò rất lớn trong việc thành bại của mỗi chủ trang trại". Ông Thanh bảo, những kinh nghiệm trên là do tự ông mày mò, chắt lọc, học hỏi từ nhiều kênh trong nước và nước ngoài. Không quá ngạc nhiên khi trong số những người bạn lớn của ông, có cả những chuyên gia nước ngoài ở lĩnh vực chăn nuôi. Không những tiếp tục học hỏi, ông Thanh còn tích cực chia sẻ những gì mình biết cho mọi người, qua đó đã góp phần tạo nên thành công và thương hiệu cho ông và HTX.

Thời gian qua, dù thịt lợn hơi bất ngờ rớt giá (có lúc xuống dưới 20.000 đồng/kg), ông Thanh vẫn trụ vững và tiếp tục có những bước đi, định hướng rõ ràng trong thời gian tới là vẫn duy trì kế hoạch giữ đàn, tăng đàn. Ông Thanh xác định: Ngay cả khi thị trường thịt lợn bình ổn trở lại thì giá vẫn không cao dẫn đến lãi không cao. Để tồn tại và phát triển được buộc HTX  phải tăng năng suất. Muốn vậy, phải áp dụng công nghệ cao và hiện đại hơn nữa vào chăn nuôi, sản xuất thông qua việc đầu tư con giống tốt, chuồng trại đảm bảo, thức ăn đạt chuẩn theo đúng quy trình. Hiện trang trại của ông Thanh vẫn duy trì 3.000 lợn nái và khoảng 25.000 lợn thịt. Tổng đàn lợn của ông hiện vẫn đủ "quân số" là 28.000 con.