Trước mỗi chuyến ra khơi, ngư dân hơn 20 năm làm nghề Vũ Trung Thu (Quảng Yên, Quảng Ninh) chưa bao giờ quên kiểm tra các thiết bị định vị.
Dựa vào kinh nghiệm lâu năm, những ngư dân lão luyện luôn nắm bắt được luồng cá. Công việc thả lưới, kéo lưới được giao cho các thanh niên trẻ, khỏe.
Nếu khoang giữa là nơi ăn ngủ thì đuôi thuyền không chỉ là nơi thả lưới mà còn tận dụng để nấu ăn. Diện tích sinh hoạt trên các thuyền rất chật chỉ vài mét vuông.
Gặp ngày “trúng mẻ”, tôm mực, bề bề, cá tráp, cá nục, cá phèn khoai… đầy khoang theo ngư dân về lúc sớm mai. Tiểu thương tới thu mua tận thuyền, phân loại mang lên các chợ cá nhộn nhịp từ Bến Do, Hòn Gai sang tới Cát Bà.
Vươn ra ngoài những đảo đá kỳ quan, không thể đếm hết có bao nhiêu ngư dân đang ngày đêm sống gắn bó với mặt nước mênh mông.
Ngư trường Quảng Ninh - Hải Phòng là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước. Bên cạnh những tàu cá hiện đại, công suất lớn vươn khơi xa, nhiều ngư dân tại đây vẫn đánh bắt bằng tàu nhỏ 100-150CV với nghề truyền thống lưới kéo, giã cào hay còn gọi dân dã là lưới chã.
Bữa cơm ngày thường trên thuyền của gia đình ông Vũ Trung Thu có rau và cá, tôm, sò vừa đánh bắt được. Những ngày không ra khơi được thì chỉ có cá khô.
Xong bữa sáng, ngư dân lại bắt tay vào các công việc khác, đan lại lưới, sảm lại thuyền, phơi và ướp cá…
Khi hoàng hôn buông, trên vùng biển Hạ Long, Cát Bà cũng là lúc những chiếc thuyền đồng loạt tiến ra khơi. Mỗi thuyền thường có 3-4 người là cha con, anh em họ hàng thân thuộc cùng làm việc ăn ý.