Dân Việt

Vô lý và thiếu công bằng: Thủ tục xuất gà đi khó vạn lần cho nhập

Ngày 9.9 vừa qua, Công ty De Heus và Koyu & Unitek đã tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô hàng thịt gà đầu tiên sang Nhật Bản. Như vậy, sau nhiều năm chỉ có cấp phép cho nhập khẩu, nay, ngoài nỗ lực chủ yếu từ phía doanh nghiệp, lần đầu tiên ngành nông nghiệp ít nhiều cũng có “công” xuất khẩu được thịt gà...

Liên doanh Koyu & Unitek mất hơn hai năm hoàn thiện các thủ tục pháp lý, quy trình chăn nuôi mới có được kết quả xuất khẩu container sản phẩm đầu tiên vào ngày 9.9. Thường, để xuất khẩu được sản phẩm thịt gà, Việt Nam phải chứng minh môi trường chăn nuôi sạch bệnh, sau đó, cơ quan Thú y có thư đề xuất với đối tác công nhận vùng an toàn dịch bệnh và hai bên ký hiệp định thư.

Nội dung công việc tóm tắt chỉ có vậy, nhưng Koyu & Unitek phải mất hai năm, và vướng mắc lớn nhất là ở phía cơ quan chức năng có quyết tâm chứng minh Việt Nam có môi trường chăn nuôi sạch bệnh hay không.

img

Koyu & Unitek phải mất hai năm mới lo xong thủ tục xuất khẩu thịt gà sang xứ Phù Tang khó tính. Khó khăn cả nội tại lẫn ngoại tại.

Việc Việt Nam bán được gà qua Nhật, một thị trường khó tính bậc nhất thế giới không chỉ được giới doanh nghiệp, người chăn nuôi quan tâm, mà ngay cả Bộ Nông nghiệp cũng coi đây là sự kiện quan trọng. Nhìn lại, ngành chăn nuôi gà công nghiệp của Việt Nam mỗi năm sản xuất ra khoảng 150 triệu con, mỗi con có trọng lượng trung bình 2,5kg, nếu tính giá thành 24.500 đồng/kg (gà lông) thì chí ít cũng có giá trị gần nửa tỉ đôla chứ không ít.

Dù giá trị lớn như vậy, nhưng lâu nay chúng ta nuôi gà chỉ theo dạng “tự sản tự tiêu”, chứ chưa bao giờ xuất khẩu được. Sở dĩ con gà nội không thể xuất khẩu được là do nó chưa được quan tâm một cách đúng mức. Người chăn nuôi chưa tiếp cận vốn vay ưu đãi mua sắm thiết bị, xây chuồng trại. Các chính sách đất đai, hỗ trợ con giống, thức ăn, công nghệ, kỹ thuật cũng…khiếm tốn, khiến giá thành không thể cạnh tranh.

Ngoài ra, các chính sách bảo hộ thương mại, hàng rào kỹ thuật lại càng lỏng lẻo khi hàng năm chúng ta vẫn hào phóng mở cửa cho nhập khẩu ồ ạt lượng lớn thịt ngoại. Trong vòng ba - bốn năm trở lại đây, trung bình mỗi năm Cục Thú y cấp phép cho 150.000 – 200.000 tấn thịt gà ngoại tràn vào. Sản lượng gà ngoại ngang với lượng nuôi trong nước, đã khiến cho ngành chăn nuôi này gặp không ít khó khăn.

Cụ thể, theo số liệu sơ bộ của tổng cục Hải quan, trong cả năm 2016, các doanh nghiệp nhập khẩu 140.000 tấn thịt gà các loại (gà nguyên con, đùi gà, cánh gà, thịt gà khác), trị giá 107,8 triệu USD với giá bình quân nhập khẩu trước thuế là 0,77 USD/kg. Trước đó, trong năm 2015, sản lượng gà nhập là 153.100 tấn, có trị giá lên đến 111,1 triệu USD, giá bình quân nhập khẩu trước thuế là 0,72 USD/kg. Ba quốc gia bán thịt gà vào Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Mỹ, Brazil và Hàn Quốc.

img

Việc xuất khẩu gà thành công ở Công ty Koyo & Unitek mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp khác trong nước. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trong khi Koyu & Unitek phải mất hai năm mới lo xong thủ tục xuất khẩu thịt gà, thì các doanh nghiệp nhập khẩu chỉ mất khoảng một ngày, chậm nhất là một tuần là được cấp phép cho nhập khẩu. Trước đây, theo ông Đoàn Ngọc Thơ, giám đốc Công ty THO, chuyên nhập khẩu thịt gà, doanh nghiệp phải đem hồ sơ ra Cục Thú y, nay, chỉ cần gửi thông tin qua email trong vòng một tuần là được chấp nhận. Hàng về cảng cũng được thông quan nhanh nhất.

Quản lý thịt gà nhập dễ dàng như vậy nên trong nhiều năm liền, thị trường Việt Nam được các nước như Mỹ, Brazil, Hàn Quốc… đặc biệt chú ý. Giá thịt gà ngoại có thời điểm, 1kg chỉ khoảng 20.000 đồng, nên loại thực phẩm này đã tràn ngập thị trường Việt Nam. Hàng triệu công nhân, học sinh, lao động phổ thông… nhiều năm liền không còn xa lạ với món đùi gà góc tư, cánh gà hay gà dai bọng (gà đẻ loại) nhập khẩu từ Mỹ, Barazil, Hàn Quốc.

Trong khi đang thực hiện bài viết này, phóng viên gọi điện chia sẻ thông tin Koyu & Unitek xuất khẩu thịt gà với ông Nguyễn Quốc Trung, Tổng Giám đốc Công ty thực phẩm 3F, ông cũng bức xúc cách làm việc chậm chạp của cơ quan chức năng. Ông Trung kể, vừa qua được đối tác Hàn Quốc yêu cầu cung cấp đùi gà, ức gà, sau đó, công ty đã gửi yêu cầu ra bộ đề nghị hỗ trợ thủ tục xuất khẩu, nhưng không có cơ quan nào trả lời một cách cặn kẽ.

Theo ông Trung, cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc yêu cầu Cục Thú y phải có thư ngỏ xem xét bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt gà (vì Việt Nam đang nằm trong vùng dịch), để tiến tới hai bên ký hiệp định hợp tác thú y. Phần còn lại, phía 3F sẽ lo xây dựng hệ thống trang trại chăn nuôi, nhà máy giết mổ, chế biến đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của Hàn Quốc.

“Chúng tôi cũng mong muốn xuất khẩu thịt gà giống như Koyu & Unitek. Hiện nay, Công ty 3F có khả năng làm điều này, chỉ còn chờ bộ ra tay nữa là xong!”, ông Trung tâm sự.

Không biết người chăn nuôi và các doanh nghiệp của Mỹ, Hàn Quốc, Brazil khi bán hàng trăm ngàn tấn thịt gà vào Việt Nam họ có phải mất thời gian chờ đợi, hoàn thiện quy trình chăn nuôi để có giấy phép giống như doanh nghiệp Việt Nam? Ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại gà đang chăn nuôi theo chuỗi GlobalGAP để cung cấp sản phẩm cho Koyu & Unitek, nói trang trại của ông phải bỏ ra hàng tỉ đồng đầu tư mới và thay đổi cách chăn nuôi mới đáp ứng được các tiêu chuẩn của Nhật và châu Âu.

“Trong khi nước ngoài mua gà của Việt Nam yêu cầu đủ thứ giấy tờ, đủ thứ tiêu chuẩn, thì chúng ta lại cấp phép cho nhập khẩu ồ ạt thịt gà của họ. Đây là một cách làm vô lý, không công bằng!”, ông Ngọc cũng nêu bức xúc.