Dân Việt

Dự án tiền tỷ bỏ hoang, vùng rau an toàn lại thiếu hạ tầng sản xuất

Hải Đăng - Ngọc Quỳnh 11/09/2017 06:12 GMT+7
Đến nay, ngành nông nghiệp Hà Nội đã lập 31 dự án vùng trồng rau an toàn tập trung với tổng diện tích 2.081ha, trong đó có 10 dự án được phê duyệt đầu tư và đang thi công. Tuy nhiên việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cho các vùng trồng rau an toàn vẫn còn thiếu đồng bộ, bởi không đủ kinh phí để xây dựng nhà sơ chế, đường điện, giao thông thủy lợi nội đồng.

Dự án tiền tỷ bị bỏ hoang

Để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phát huy hiệu quả đầu tư hạ tầng, ứng dụng quy trình kỹ thuật tạo ra vùng sản xuất rau an toàn tập trung, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, năm 2012 huyện Ba Vì đã triển khai dự án trồng rau an toàn tập trung tại 3 xã, thị trấn là Chu Minh, Minh Châu và thị trấn Tây Đằng.

img

Nông dân chăm sóc rau an toàn trên cánh đồng thuộc xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng

Toàn xã có 20ha trồng rau an toàn, nhưng toàn bộ cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư. Để bảo đảm sơ chế số lượng rau từ 3 - 3,5 tấn, hợp tác xã đầu tư một nhà sơ chế diện tích 70m2 với kinh phí 300 triệu đồng, vậy nhưng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất”. 

Ông Nguyễn Văn Hải -
Chủ tịch HĐQT, Giám đốc
Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng
(huyện Đông Anh)

Theo kế hoạch dự án, xã Minh Châu có quy mô 20ha, xã Chu Minh 25ha và thị trấn Tây Đằng 45ha. Riêng tại xã Minh Châu, địa phương đã quy hoạch được 3 vùng trồng rau an toàn với tổng diện tích 34ha và được người dân khoan 325 giếng tại ruộng để lấy nước phục vụ cho việc trồng trọt.

Năm 2012, dự án rau an toàn tại 3 xã thuộc huyện Ba Vì được rót tiền đầu tư xây dựng trạm bơm nước, nhà sơ chế với số vốn hơn 60 tỷ đồng. Theo đó, UBND huyện Ba Vì sẽ hỗ trợ 11 tỷ đồng để lắp đặt hoàn thiện đường ống dẫn nước, tổ chức sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trong 3 năm.

Theo kế hoạch, dự án được khởi công từ năm 2012, dự kiến năm 2015- 2016 có sản phẩm rau an toàn, song đến đầu năm 2017 dự án trên vẫn chưa hoạt động. Hiện các công trình được giao UBND xã quản lý, sau đó sẽ bàn giao cho các hợp tác xã tiếp nhận.

Ông Phạm Văn Minh, một người dân xã Minh Châu cho biết, việc xây dựng hệ thống bơm nước và nhà sơ chế đã hoàn thiện từ cách đây hơn một năm nhưng không hiểu sao các công trình này lại bị bỏ hoang.

Theo ông Nguyễn Văn Ban - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất), năm 2012, xã Hương Ngải được thành phố phê duyệt đầu tư cơ sở hạ tầng gồm đường giao thông, nhà sơ chế… cho vùng trồng rau an toàn tập trung 55ha, với kinh phí 21 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2018 sẽ hoàn thành các hạng mục, tạo thuận lợi cho người dân sản xuất. Mặc dù vậy, cho đến nay, nhiều hạng mục công trình vẫn chưa được triển khai.

"Để phục vụ sản xuất, hợp tác xã đã đầu tư 300 triệu đồng đào giếng khoan, kéo đường điện… song không đáp ứng được nhu cầu sản xuất" - ông Ban nói.

Cùng thực trạng đó, tại huyện Chương Mỹ, ông Hoàng Văn Thám - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Thụy Hương được thành phố quy hoạch vùng rau an toàn với diện tích 79,5ha, đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, nhưng do đầu ra không thuận lợi, nên người dân chưa mặn mà với trồng rau an toàn. Vì vậy, toàn bộ nhà sơ chế cùng nhiều hạng mục trạm cấp nước, đường dẫn ống nước bị hỏng, vỡ... do không vận hành.

Để không gây lãng phí, huyện Chương Mỹ, xã Thụy Hương đã đồng ý cho doanh nghiệp vào tiếp nhận và sửa chữa, đầu tư lại toàn bộ cơ sở hạ tầng ban đầu.

Tránh đầu tư dàn trải

Theo thống kê, đến nay, toàn thành phố có 8 cơ sở sơ chế rau an toàn gắn với vùng sản xuất tập trung công suất từ 3 đến 7 tấn/ngày; 42 cơ sở sơ chế nhỏ của hợp tác xã, doanh nghiệp với công suất từ 200 đến 1.000kg/ngày. Tuy vậy, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các vùng trồng rau an toàn chưa đồng bộ, gây khó khăn cho việc sản xuất.

Chia sẻ về thực trạng này, ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho rằng: "Các địa phương khi lập dự án quy hoạch vùng trồng rau an toàn cần lựa chọn vùng tập trung diện tích lớn và điều kiện thuận lợi để ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng. Một số hợp tác xã tiêu thụ rau an toàn khi đầu tư nhà sơ chế phải phù hợp với quy mô sản xuất và chủng loại sản phẩm".

"Tùy theo điều kiện của từng vùng, chủng loại rau, thời vụ gieo trồng để đầu tư nhà màng, nhà lưới, mái che kiên cố hoặc bán kiên cố có quy mô phù hợp, không nên đầu tư dàn trải gây lãng phí nguồn ngân sách. Cùng với đó, lựa chọn hạng mục đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiệu quả, quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội như: Chợ đầu mối, chợ bán buôn, chợ bán lẻ, bố trí điểm bán hàng, hỗ trợ thuê cửa hàng rau an toàn" - ông Hồng nói.