Là người đầu tiên phát hiện ra loại nhãn tím (nguyên nhân do đột biến gien tự nhiên) rồi chiết nhánh cung cấp ra thị trường, ông Trần Văn Huy ở ấp Phong Thạnh, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) cho biết: “Vườn nhà tôi trồng nhãn long và nhãn da bò. Khoảng năm 2000, tôi phát hiện trên cây nhãn long có một nhánh nhãn màu tím. Tôi nghĩ do nhãn bị đột biến, thấy lạ nên tôi chiết nhánh nhãn này mang đi trồng. Kết quả, cây sinh trưởng tốt và cho trái nhãn với màu tím rất đẹp”.
Vườn nhãn tím của ông Trần Văn Huy ở xã Phong Nẫm. Ảnh: Công Tuấn.
Mỗi nhánh nhãn tím giống giá...1 triệu đồng
Vào năm 2012, theo vận động của chính quyền địa phương, ông Huy đã mang nhãn tím đi trưng bày tại lễ hội “Sông nước miệt vườn” diễn ra ở cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ thì loại “trái lạ” này được nhiều người biết tới và đặc biệt quan tâm. Ông Huy thông tin: “Hiện nay, trong vườn nhà tôi có khoảng 40 cây đang cho trái, do đang tập trung chiết nhánh nên số lượng trái không nhiều, mỗi vụ chỉ được khoảng 100 - 150kg, nhưng với giá bán 100.000 đồng/kg cũng mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình”.
Tuy nhiên, việc nhân giống nhãn tím rất khó, xác suất thành công lại ít, nên giá cây giống tương đối cao, khoảng 1 triệu đồng/nhánh, đó cũng là một trong những nguyên nhân mà người dân địa phương còn hạn chế trồng loại cây này. Trao đổi với chúng tôi, ông Huy cho biết thêm: “Trồng nhãn tím cho lợi nhuận cao, nhưng vườn của tôi chủ yếu là chiết nhánh bán giống cho bà con. Hiện nay trên địa bàn toàn xã chỉ có một số ít hộ trồng nhãn tím thành công, nên sản phẩm chủ yếu dành để bán lẻ”.
Những chùm nhãn tím trong vườn nhà ông Trần Văn Huy luôn thu hút nhiều khách thăm quan, tìm hiểu giống nhãn lạ.
Với những thành công bước đầu, theo ông Huy, vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng vận động gia đình mở mô hình du lịch homestay để du khách đến nghỉ, tham quan, thưởng thức nhãn tím nhưng do gia đình không có kinh nghiệm làm du lịch nên vẫn chưa dám làm.
Cũng như ông Huy, gia đình ông Dương Thanh Điền (em rể ông Huy) cùng ngụ tại ấp Phong Thạnh hiện đang phát triển khoảng 300 cây nhãn tím. Ông Điền cho biết: “Tôi đã chuyển hơn 4 công đất gần nhà sang trồng nhãn tím và trước mắt chỉ tập trung chăm sóc vườn nhãn tím thật tốt. Cây nhãn tím ít bệnh nên không tốn nhiều phân bón, thuốc, nhưng không phải ai cũng trồng được vì rất khó nhân giống. Do mới trồng nên gia đình tôi chỉ thu hoạch một mùa thuận, tính luôn việc chiết nhánh bán thì mỗi năm thu về cũng gần 100 triệu đồng”.
Không nên ồ ạt trồng nhãn tím
Nhãn tím không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà vài năm trở lại đây, loại trái cây này là 1 trong những đại diện thương hiệu của Sóc Trăng được trưng bày ở các cuộc triển lãm, hội chợ, lễ hội… Các trung tâm giống, người dân từ các tỉnh, thành, như xa, gần Hà Nội, Đồng Nai, Bến Tre, Hậu Giang… thậm chí du khách từ Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Indonesia…nghe tiếng cũng tìm về xã Phong Nẫm để tham quan vườn nhãn tím và hỏi mua nhánh đem về trồng. Được biết, hiện nay Viện Cây ăn quả miền Nam đã mang cây nhãn tím về nghiên cứu để sớm xác định được các đặc tính cũng như quá trình sinh trưởng của cây và đặt tên cho cây theo khoa học.
Ông Trần Văn Huy cho hay, sau 3 năm trồng sẽ cho thu hoạch rộ với những trái nhãn màu tím trông rất đẹp mặt. Ảnh: Công Tuấn.
Trưởng Trạm khuyến nông huyện Kế Sách-ông Nguyễn Hoàng Nhu cho biết: “Mặc dù cây nhãn tím ra trái bao nhiêu là nhà vườn bán hết bấy nhiêu ngay tại chỗ, không đủ trái để mang ra chợ bán, song, ngành chức năng địa phương đã khuyến cáo người dân không nên trồng ồ ạt. Để phát triển loại cây này với diện tích lớn thì cần có một thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng và bền vững, bởi khi mở rộng diện tích nhưng “bí” đầu ra thì e là lại rơi vào cảnh dội chợ, nông dân khó thu hồi vốn, trong khi đó chi phí cây giống rất cao”...