Ngày 7.9, trên báo chí có đăng tải thông tin phản ánh nhóm CSGT làm nhiệm vụ ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất có dấu hiệu làm sai quy trình, không lập biên bản xử lý.
Sau đó, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng Phòng tham mưu, người phát ngôn của Công an TP.HCM cho biết, lãnh đạo Công an TP.HCM đã tạm đình chỉ công tác 3 CSGT thuộc Đội CSGT Tân Sơn Nhất (Phòng Cảnh sát đường bộ - đường sắt PC67, Công an TP.HCM) có mặt trong clip “Cảnh sát giao thông 'làm luật' ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất” để xác minh, điều tra.
Theo đại tá Quang, quan điểm của Công an TP.HCM sẽ xử lý nghiêm, kiên quyết, không bao che, dung túng cho cán bộ vi phạm. Trước đây lãnh đạo TP.HCM đã có những quyết định xử lý nghiêm về hành vi này.
Để độc giả có cái nhìn rõ hơn về quy định của pháp luật liên quan đến vụ việc này, PV Dân Việt đã trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla. (Đoàn luật sư TP. Hà Nội).
Thưa luật sư, nếu xác định được đúng là những CSGT đã có hành vi nhận mãi lộ như báo chí phản ánh thì họ sẽ phải đối mặt với hình phạt nào?
- Trong thời gian gần đây, đặc biệt với sự phát triển của các phương tiện truyền thông thì việc phanh phui ra các vụ việc CSGT nhận tiền của người vi phạm không còn là việc hiếm thấy. Xem xét, điều tra và xử lý nghiêm minh những hành vi trên thực sự là cần thiết để tạo niềm tin trong nhân dân.
Công an TP.HCM đã tạm đình chỉ công tác 3 CSGT thuộc Đội CSGT Tân Sơn Nhất (Phòng Cảnh sát đường bộ - đường sắt PC67, Công an TP.HCM). (Ảnh: Zing.vn)
Tùy vào từng hành vi cụ thể và mức độ vi phạm mà người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Bên cạnh việc xử lý theo những quy định của ngành Công an như: kỷ luật ngành; đình chỉ công tác có thời hạn; hoặc thậm chí sa thải... thì việc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những sự việc nghiêm trọng là rất cần thiết.
BLHS năm 1999 đã quy định rõ về tội nhận hối lộ và mức xử phạt: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”. Mức hình phạt cao nhất của tội này lên đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình".
Như vậy, pháp luật hình sự đã quy định rất rõ về tội nhận hối lộ và mức độ xử lý đối với tội này cũng rất nghiêm khắc. Xét trong trường hợp những CSGT ở trên, trải qua quá trình điều tra, nếu xác minh mà có đầy đủ các dấu hiệu của tội nhận hối lộ thì họ có thể bị khởi tố về tội này.
Cũng phải nói thêm rằng, có thể truy cứu về tội nhận hối lộ thì cũng có thể truy cứu về tội đưa hối lộ.
Đáng lẽ ra khi nhận thấy mình vi phạm thì người tham gia giao thông nên yêu cầu CSGT thực hiện đúng thủ tục là lập biên bản vi phạm để họ xem và ký xác nhận, theo nội dung biên bản đến kho bạc nộp tiền phạt để quay về nhận lại giấy tờ xe thì thực tế một số người lại có tâm lý muốn xử lý nhanh và vô tình đã tiếp tay cho việc nhận tiền của CSGT.
Luật sư Trương Quốc Hòe.
Nói như vậy không phải là lỗi hoàn toàn thuộc về người tham gia giao thông, CSGT là những người thực thi pháp luật khi thấy hành vi đưa tiền của những người vi phạm luật giao thông thì họ cần chấn chỉnh ngay và có thái độ xử lý nghiêm khắc đối với hành vi này.
Nhưng thay vào đó, chính những CSGT này lại coi đó là chuyện bình thường, chuyện đương nhiên làm cho người dân có thiện cảm không tốt. Thay vì cảm thấy an toàn về việc mình sẽ được bảo vệ khi tham gia giao thông thì người dân lại có tâm lý “thù địch” với chính những người đang bảo vệ họ.
Từ thực trạng trên, thiết nghĩ cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp các ngành và có những giải pháp cụ thể để giải quyết vấn nạn trên, đặc biệt là việc nâng cao ý thức tham gia giao thông để môi trường giao thông nước nhà trở nên trong sạch hơn.
Với tình trạng nhũng nhiễu, mãi lộ, thì theo luật sư cấp chỉ huy có phải liên đới chịu trách nhiệm?
- Khi đánh giá, xem xét sai phạm của bất cứ cán bộ, chiến sĩ nào thì cần phải quy cả trách nhiệm cho các cấp chỉ huy, người đứng đầu. Việc buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra đôn đốc và không kiên quyết, kịp thời trong đấu tranh, xử lý sai phạm của người đứng đầu cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng sai phạm nối tiếp sai phạm xảy ra.
Việc truy cứu trách nhiệm người đứng đầu cũng sẽ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chồng vi phạm, tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ chiến sĩ công an nói chung và lực lượng CSGT nói riêng.
Chúng ta cũng cần kêu gọi mọi người cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong quá trình tham gia giao thông cũng như khi bị CSGT xử lý vi phạm (nếu có). Chúng ta không chấp nhận các cá nhân cán bộ, chiến sĩ suy thoái đạo đức, tiêu cực. Đồng thời, chúng ta cũng cần lên án các hành vi vi phạm pháp luật giao thông dù người đó là ai, tuyệt đối không để tình trạng vi phạm rồi tìm cách "thỏa hiệp" với CSGT.