Dân Việt

Có nhiều cách tăng thu thuế, sao phải tăng thuế suất thuế GTGT?

Hoàng Thắng 12/09/2017 18:30 GMT+7
“Lựa chọn tăng thuế GTGT rất nhạy cảm, có tác động xã hội rất lớn. Cần phải có đánh giá tác động kĩ càng. Tăng thuế suất thuế GTGT nên là lựa chọn cuối cùng” – TS. Vũ Đình Ánh nói.

img

TS. Vũ Đình Ánh cho rằng cần đánh giá tác động cụ thể của tăng thuế suất thuế GTGT

Tại buổi tọa đàm “Những điểm nhấn trong sửa đổi 5 luật thuế” diễn ra vào sáng nay (12.9) tại Cổng TTĐT Chính phủ, xung quanh vấn đề tăng thuế GTGT từ 10% lên 12% sẽ tác động như thế nào tới người nghèo. Bà Lê Thị Mai Liên - Trưởng ban Chính sách Tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) tiếp tục trích dẫn lại những quan điểm mà đại diện Bộ Tài chính và Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) từng đưa ra.

Theo bà Liên, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của việc tăng thuế GTGT phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thuế GTGT thực chất đánh vào túi tiền của người tiêu dùng cuối cùng, DN chỉ là đơn vị thu hộ. Với DN trong nước, tăng thuế GTGT sẽ làm tăng giá bán sản phẩm, hàng hóa nên tạo tác động tới người dân. Song mức độ tác động tới đâu thì phải xem xét mức độ phụ thuộc và chia sẻ của người dân với doanh nghiệp. Ngoài ra, tăng thuế GTGT cũng sẽ tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI), song tác động như thế nào lại phụ thuộc vào quy mô và khối lượng, hàng hóa tiêu dùng. Thêm vào đó, là ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền lạm phát cũng ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa, dịch vụ.

“Với người thu nhập thấp, việc điều chỉnh 5 Luật thuế cần nhìn trên tổng thế. Bởi ngoài việc tăng thuế GTGT, lần này cũng điều chỉnh giảm thuế TNCN. Theo quy định hiện hành, trong 25 nhóm hàng hóa không chịu thuế GTGT, nhóm thu nhập thấp chủ yếu sử dụng hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT hoặc chịu thuế ở mức thấp như y tế, giáo dục...

Theo khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2014 do Tổng cụ thống kê công bố, người thu nhập thấp dành 59,6% thu nhập cho các nhu cầu cần thiết của cuộc sống như lương thực, thực phẩm, thuốc… Những thành phần kinh tế trực tiếp sản xuất, bán ra những mặt hàng này sẽ không chịu thuế. Nếu buôn bán thương mại trên thị trường sẽ chịu thuế 5%. Cho nên việc điều chỉnh thuế lần này sẽ không tác động quá nhiều tới người thu nhập thấp” – bà Liên nói.

img

Theo bà Lê Thị Mai Liên Bộ Tài chính, tăng thuế GTGT sẽ không tác động nhiều tới người nghèo

Trong khi đó, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, lựa chọn tăng thuế GTGT rất nhạy cảm, có tác động xã hội rất lớn. Quan trọng, phải tính toán thời điểm, mức độ điều chỉnh tăng thuế GTGT. Đồng thời, khi điều chỉnh tăng thuế GTGT, phải đưa ra căn cứ, lý do tăng thuế.

Ông Ánh nói: “Ở thời điểm này, căn cứ vào thực tế, lập luận và cả những thông tin chị Liên vừa chia sẻ. Tôi cũng chưa đủ cơ sở để kết luận tăng thuế suất thuế GTGT phổ thông từ 10% lên 12%, thuế suất ưu đã từ 5% lên 6% là phù hợp hay không?

Đầu tiên, trong điều chỉnh chính sách thuế của chúng ta, có nhiều cách để làm chứ không chỉ là điều chỉnh thuế suất. Đặc biệt với sắc thuế có phạm vi tác động trên toàn xã hội là thuế GTGT. Cần cân nhắc trong bối cảnh với những lựa chọn chính sách khác, chứ không phải chi tập trung tăng thuế suất thuế GTGT.

Thứ hai, việc tăng thuế suất thuế GTGT phổ thông từ 10% lên 12% tôi cũng rất chia sẻ với chị Liên. Nhưng chúng ta rất cần đánh giá tác động. Với một sắc thuế có tác động tới toàn xã hội như thuế GTGT, cần phải có đánh giá tác động kĩ càng. Tăng thuế GTGT tác động tới từng nhóm dân cư, từng nhóm thu nhập như thế nào? Tác động tới phát triển kinh tế - xã hội ra sao? Giúp tăng tổng thu ngân sách thêm bao nhiêu tiền? Có ảnh hưởng tới chỉ số lạm phát không?...

Chức năng đầu tiên của thuế là phân phối lại thu nhập. Khi tăng thuế suất thuế GTGT phổ thông, thu nhập người dân sẽ được phân phối lại như thế nào?

Chức năng thứ hai của thuế là điều tiết nền kinh tế. Tăng thuế GTGT sẽ tác động như thế nào tới hàng vạn ngành, nghề, tiêu dùng của mỗi gia đình, lạm phát?

Cuối cùng, là đánh giá tác động của tăng thuế tới quy mô ngân sách và điều tiết kinh tế vĩ mô.

Sau khi có kết quả đánh giá tác động, mới có thể biết tăng thuế suất thuế GTGT phổ thông từ 10% lên 12%, thuế suất ưu đã từ 5% lên 6% là phù hợp hay không”.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, có rất nhiều cách nhằm tăng nguồn thu từ thuế.

“Đầu tiên, mở rộng đối tượng chịu thuế, diện thu thuế. Thứ hai, giảm ưu đãi không cần thiết với doanh nghiệp. Thứ ba, chống thất thu, phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để các doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm Luật về thuế. Tăng thuế suất là lựa chọn cuối cùng” – ông Ánh nói.

Còn ông Đào Huy Giám - Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) đưa ra quan điểm: “Không phải cứ tăng thuế là tăng nguồn thu. Mà giảm thuế nhiều khi lại tạo ra sự hứng khởi cho người lao động, để họ yên tâm làm việc và có thu nhập cao hơn. Từ đó, số thu của Nhà nước cũng sẽ lớn hơn”.