Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) mỗi ngày tiếp nhận vài ca ngộ độc, mắc sảng rượu, nhiều trường hợp đến viện đã quá muộn. Mới đây, chỉ trong 5 ngày đã có 3 trường hợp tử vong vì ngộ độc rượu methanol, đều nhập viện khi đã hôn mê, tổn thương nội tạng.
Gần đây nhất, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Đ. ở Hưng Yên bị chứng viêm phổi do nghiện rượu. Mặc dù mới 39 tuổi nhưng anh Đ. đã nghiện rượu hơn 15 năm. Khi vào viện, bệnh nhân trong tình trạng tổn thương phổi, suy hô hấp nặng và có sốc nhiễm trùng. Hiện, anh Đ. Vẫn phải hồi sức tích cực.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, hầu hết các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng loạn thần do rượu với các biểu hiện không tỉnh táo, không nhận ra người thân.
Người bệnh ban đầu vào viện do xơ gan, xuất huyết tiêu hóa… sau vài ngày điều trị, không được uống rượu, người bệnh bắt đầu có biểu hiện của hội chứng cai (hay còn goi là rối loạn tâm thần vì rượu), mức độ nặng nhất là sảng rượu.
Khi mắc sảng rượu, bệnh nhân có biểu hiện mất ngủ, chân tay run, vã mồ hôi toàn thân, vật vã và mất khả năng nhận thức.
Có người miệng chỉ ú ở, mất khả năng phối hợp các hành vi.
Có người lại nằm yên, tay chân co quắp.
Thậm chí, có bệnh nhân bác sĩ phải lấy dây vải buộc chặt tay, chân họ vào giường.
Theo bác sĩ Nguyên, những người mắc bệnh này đều có thời gian uống rượu lâu dài, ít nhất là 10 năm và hơn 300ml/ngày.
Người nghiện rượu lâu năm làm nhiều cơ quan phủ tạng bị tổn thương nên điều trị rất khó khăn. Vi khuẩn do rượu kháng thuốc nên phải sử dụng nhiều loại kháng sinh mạnh, đắt tiền.
"Hoàn toàn có thể chữa khỏi bệnh cho người sảng rượu. Tuy nhiên, họ thường không tuân thủ chế độ kiêng rượu bia nên hầu hết bệnh nhân sẽ tái phát, lúc đó nguy cơ xơ gan, ung thư gan nặng rất khó chữa. Một người nằm viện cũng kéo theo nhiều người trong gia đình phải khổ theo", bác sĩ Nguyên cho biết.
Theo thống kê năm 2015, Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á (sau Thái Lan), đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 thế giới về tỷ lệ tiêu thụ bia, rượu. Trong đó, tỷ lệ người trẻ uống rượu ở mức nguy hại ngày càng gia tăng.
Hầu như ngày nào ở khoa Tiêu hóa cũng tiếp nhận các bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do rượu. Chỉ 2 ngày sau khi nhập...