Dân Việt

Lao đao vì cá tra giống không rõ nguồn gốc

Huỳnh Xây 14/09/2017 18:40 GMT+7
Cá tra (bố mẹ) có nguồn gốc không rõ ràng, dẫn đến việc nhân giống đạt tỷ lệ thành công thấp, cá giống thường xuyên gặp dịch bệnh trong quá trình phát triển… Tình trạng trên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, đầu tư của người dân vùng ĐBSCL và cả trong xuất khẩu.

Nhiều bất cập

Theo ông Huỳnh Văn Mừng - đại diện Công ty Sản xuất cá tra giống Mừng Liêm (Đồng Tháp), nơi chuyên sản xuất cá tra giống, hiện có 200 đơn vị vệ tinh ở ĐBSCL cho biết: Hiện nay, phần lớn cá tra giống bố mẹ của đơn vị được mua trôi nổi trên thị trường, kể cả cá từ Campuchia mang về.

img

Báo động về chất lượng cá tra giống ĐBSCL. (Trong ảnh: Nông dân huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp đang cho cá tra giống ăn) . Ảnh: H.X

Hiện nay, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước ASEAN, Trung Quốc… Riêng tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra hàng năm của Việt Nam vào thị trường Mỹ chiếm khoảng 25% (khoảng 1,8 tỷ đô la Mỹ).

 “Tổng đàn cá tra bố mẹ của công ty chúng tôi hiện có là trên 6.000 con, tuy nhiên, trong đó chỉ có 1.800 con có nguồn gốc. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ hao hụt trong quá trình ương từ cá bột lên cá giống rất lớn; có lúc lên đến 85-90%, tức 100 cá bột khi nuôi lên cá giống chỉ đạt 10-15 con” - ông Mừng nói.

Theo nhận định Công ty cổ phần thủy sản Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu hiện nay ở ĐBSCL, cá tra (bố mẹ) có nguồn gốc hiện vẫn đang thiếu rất nhiều.

Thời gian qua, công ty này đã nhận từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II tất cả là 5.000 con cá tra giống bố mẹ (trong đó, có 3.500 con nhận từ dự án hỗ trợ của Chính phủ và 1.500 con còn lại là mua). Với số lượng cá tra bố mẹ hiện có, mỗi năm, nơi đây cho sinh sản được khoảng 40-50 triệu cá giống.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Đức Trung - đại diện Công ty cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn cho biết, số lượng cá giống trên chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu nuôi thương phẩm của vùng nuôi do phía công ty quản lý. “Hiện nay, không đủ nguồn cá giống có nguồn gốc. Hơn nữa, trong số cá giống có nguồn gốc này, sức kháng kháng bệnh vẫn chưa cao” – ông Trung nhấn mạnh khi nói về chất lượng cá tra giống.

Liên kết sản xuất cá tra giống chất lượng cao

Ông Lê Hoàng Vũ - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Cá giống được nhân giống bố mẹ có nguồn gốc xét về mức độ tăng trưởng cơ bản đã đáp ứng được một số tiêu chí, tức cá lớn nhanh, tỷ lệ phi lê đạt cao nhưng khả năng kháng bệnh vẫn chưa tốt. Vì vậy, cần đầu tư nghiên cứu sao cho cá vừa lớn nhanh và có thể kháng được dịch bệnh”.

Để khắc phục thực trạng trên, cũng như tạo nguồn giống có chất lượng, phục vụ cho nhu cầu nuôi thương phẩm, đáp ứng nguồn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp, Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản (VIFEP) thuộc Bộ NNPTNT đang tiến hành “chấp bút” thực hiện đề án “Liên kết sản xuất cá tra giống 3 cấp chất lượng cao cho vùng ĐBSCL”.

Theo VIFEP, 3 cấp ở đây có nghĩa là có sự tham gia của viện, trường (cấp 1), trung tâm giống cấp 1 của tỉnh (cấp 2) và cấp 3 là các vùng sản xuất giống của người dân. Trong đó, cấp 1 giữ vai trò nghiên cứu, lưu giữ nguồn gen và tạo ra đàn cá bố mẹ chất lượng cao; cấp 2 với sự tham gia của các doanh nghiệp sẽ nhận cá tra bố mẹ từ viện, trường và sau đó phân phối xuống cấp 3 để sản xuất giống.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Viện trưởng VIFEP cho hay: Đề án trên được thực hiện 2 giai đoạn (từ năm 2018 đến 2020 và từ năm 2021 đến 2025). Đề án sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 10.2017 và chính thức có hiệu lực kể từ năm 2018.