Thua trên sân nhà
Chưa có con số thông kê chính thức về số lượng hoa lan Thái Lan nhập vào thị trường trong nước nói chung và TP.HCM nói riêng, nhưng theo bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền – Giám đốc HTX Hoa lan Huyền Thoại (TP.HCM), mỗi ngày có khoảng 200 kiện hoa lan Thái nhập vào thị trường TP.HCM và 500 kiện vào Hà Nội. “Vào dịp lễ, tết số lượng, hai thị trường này nhận cả ngàn kiện lan nhập từ Thái Lan” - bà Huyền ước tính.
Thu hoạch lan mokara tại vườn lan của ông Kiều Lương Hồng (Bình Chánh, TP.HCM). Ảnh: T.Đ
“Mỗi kiện hoa lan nhập có 50 vĩ, mỗi vĩ có 12 nhánh. Thường thương lái chỉ bán giá 32.000 – 35.000 đồng/vĩ, trong khi chúng tôi bán từ 70.000 – 80.000 đồng/vĩ, nên chỉ xét về cạnh tranh giá là xem như lan của chúng tôi thua trên sân nhà”, chị Trần Ngọc Tuyết – chủ vườn lan Mokara rộng 17.000m2 (xã Hòa Phú, Củ Chi) chia sẻ.
Cũng theo chị Tuyết, hoa lan giá rẻ nhập từ Thái Lan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức mua từ các nhà vườn trong nước. “Theo tôi biết, số lượng lan cắt cành bán ra từ các nhà vườn ở TP.HCM đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian gần đây” - chị nói.
Theo bà Thanh Huyền, mặc dù tiềm lực của các nhà vườn trồng lan trong nước không nhỏ, tuy nhiên về chất lượng lan của Việt Nam nhìn chung không bằng chất lượng lan Thái Lan. Giá cả trên thị trường hiện nay cũng không thể cạnh tranh được.
Ông Mai Quốc Thái – Phó Chủ tịch Hội Trang trại và Làm vườn TP.HCM thừa nhận, nếu hoa lan Thái Lan đổ bộ vào Việt Nam ồ ạt thì lan Việt Nam chỉ còn cách “chào thua”!
Tránh đối đầu
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, hiện diện tích trồng hoa lan trên địa bàn vào khoảng 360ha. Sản lượng hoa lan cung ứng hàng năm khoảng 7 triệu chậu và hơn 68 triệu cành đạt giá trị hơn 600 tỷ đồng. Thành phố hiện có 5 HTX sản xuất hoa lan với 70 thành viên và hàng trăm nông hộ chuyên canh loại hoa này.
Hiện TP.Hồ Chí Minh có khoảng 360ha trồng lan các loại. Ảnh minh họa
Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP.HCM, thời gian qua công tác xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho ngành hoa lan của thành phố vẫn còn yếu. Theo TS Nghĩa, muốn tìm đầu ra cho ngành hoa lan phải thường xuyên tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng. Trong khi đó, việc liên kết giữa nhà vườn với nhau cũng như giữa nhà vườn với các ngành khác như du lịch vẫn còn lỏng lẻo. Nhiều nhà vườn còn thiếu thông tin trong việc kết nối tiêu thụ.
Theo ông Mai Quốc Thái, Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố cần đẩy nhanh việc lai tạo lan và chuyển giao kết quả này cho nông dân trồng lan nhằm nâng cao chất lượng hoa, tăng giá trị sản phẩm... |
Về vấn đề đẩy mạnh đầu ra cho hoa lan, ông Trần Trường Sơn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cũng cho rằng, các nhà vườn trồng lan cần liên kết lại, thậm chí là liên kết vùng, cũng như xây dựng thương hiệu. “Hiện, nghề trồng lan ở thành phố hầu hết vẫn còn nhỏ, lẻ và chưa có một nhà vườn nào dám xây dựng doanh nghiệp nông nghiệp, yếu tố để ngành lan cạnh tranh được với sản phẩm nước ngoài và đẩy mạnh tiêu thụ trong – ngoài nước” - ông Sơn cho biết.
Trước mắt, theo ông Mai Quốc Thái, với lan mokara, các nhà vườn không nên phát triển thêm diện tích mà chuyển hướng sang trồng lan dendro chậu vì đây là phân khúc không cạnh tranh với Thái Lan cũng như dễ tiêu thụ trên thị trường.