Dân Việt

Bộ Công Thương dự kiến cắt giảm hơn 600 điều kiện đầu tư kinh doanh

Thanh Xuân 15/09/2017 18:56 GMT+7
Bộ Công Thương cho biết, dự kiến, có khoảng 464-612 điều kiện kinh doanh sẽ bị cắt giảm trong thời gian tới, tương đương với khoảng 38,15% - 50,3% tổng các điều kiện kinh doanh.

img

Bộ Công Thương dự kiến cắt giảm hơn 600 điều kiện đầu tư kinh doanh (ảnh IT)

2 phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh

Tại cuộc họp chiều 15.9, tổ công tác về cải cách hành chính cùng đại diện các vụ, cục đã trình Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bản báo cáo rà soát, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; đồng thời đề xuất kế hoạch hành đồng gồm lộ trình cắt giảm các thủ tục điều kiện kinh doanh cũng như phương án giám sát cụ thể.

Tổ công tác đề xuất 2 phương án, trong đó phương án 1: đề xuất cắt giảm 464 điều kiện, tương đương với 38,15% tổng số các điều kiện kinh doanh. Riêng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm đề xuất cắt giảm 180/350 điều kiện. Phương án 2, mức cắt giảm lên đến 612 điều kiện kinh doanh, tương đương với mức cắt giảm 50,3% tổng số 17 ngành nghề. Trong đó riêng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, số điều kiện đề xuất cắt giảm là 331 trên tổng số 350 điều kiện kinh doanh.

Như vậy, sau khi cắt giảm, tổng số điều kiện còn lại là 752, nếu áp dụng theo phương án 1 và 604 điều kiện, nếu áp dụng phương án 2.

img

Bộ Công Thương từng giam gia giải cứu dưa hấu cho người dân (ản IT)

Trong đó, đối với riêng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm – vốn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, Vụ Pháp chế của Bộ Công Thương đánh giá, nếu thực hiện theo phương án 1 thì chỉ cần căn cứ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về an toàn thực phẩm mà Chính phủ phân công 3 Bộ quy định chi tiết các điều kiện chung đang được quy định tại Luật An toàn thực phẩm 2010.

Còn nếu thực hiện theo phương án 2 tức là sẽ có sự thay đổi lớn về tư duy quản lý theo hướng chuyển từ tiền kiểm (quy định điều kiện – kiểm tra đáp ứng đủ điều kiện – chứng nhận đủ điều kiện) sang hậu kiểm (quy định tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn – kiểm tra việc thực hiện trong quá trình kinh doanh). Và nếu thực hiện theo phương án này sẽ tốn nhiều thời gian, không kịp thời do việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn phải thực hiện theo quy trình của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn. Ngoài ra, không thể xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chung về an toàn thực phẩm cho các ngành sản xuất các thực phẩm khác nhau.

Trên cơ sở đánh giá tính khả thi cũng như điều kiện thực tế tại Việt Nam, các đơn vị thống nhất sẽ song song thực hiện cả hai phương án, trên cơ sở: cái nào có thể cắt giảm ngay, điều kiện nào không còn phù hợp và bị coi là rào cản thì cần cắt bỏ ngay. Cái nào đã là quy chuẩn và theo thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế thì cần tiếp tục nghiên cứu rà soát để đề ra lộ trình cắt giảm cụ thể, đồng thời cần ban hành kế hoạch hành động và giám sát cụ thể đối với quá trình thực hiện.

Tiếp tục rà soát thêm 100 điều kiện

 Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ là công việc trọng tâm đi suốt quá trình cải cách hành chính, hoàn thiện Bộ máy, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo.Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng công việc trước mắt còn ngổn ngang, đề ra được danh mục cắt giảm rồi còn phải chuẩn bị được nguồn lực và cả nguồn ngân sách để đảm bảo việc giám sát, thực hiện có hiệu quả.

Trước mắt, các đơn vị cần bắt tay vào đánh giá kết quả cũng như tác động của đợt đơn giản hóa thủ tục hành chính tại Quyết định số 4846 ban hành hồi tháng 10.2016 đến đời sống doanh nghiệp cũng như người dân. “Kết quả đánh giá này sẽ cho  chúng ta thấy rằng những nỗ lực cắt giảm đã thực sự đúng, cần thiết và gỡ bỏ được rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp hay chưa. Cái gì còn vướng, chưa khả thi cần khắc phục thì tiếp tục đề xuất giải pháp tháo gỡ để hướng tới mục tiêu tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, qua đó bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thống nhất với ý kiến của Tổ công tác: “Vẫn còn khoảng 100 điều kiện khác cần tiếp tục được nghiên cứu, rà soát để cắt giảm bổ sung”; đồng thời phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị. Trong đó, Cục Công nghiệp có nhiệm vụ rà soát điều kiện kinh doanh đối với lĩnh vực thuốc lá, khoáng sản. Cục An toàn kỹ thuật môi trường công nghiệp rà soát điều kiện kinh doanh với lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp, kiểm định máy móc, thiết bị an toàn lao động; Cục Hóa chất rà soát các điều kiện kinh doanh đối với lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp; Cục Xuất nhập khẩu rà soát các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tạm nhập tái xuất; Vụ Thị trường trong nước rà soát các điều kiện kinh doanh lĩnh vực xăng dầu, sở giao dịch hàng hóa và Vụ Khoa học và công nghệ rà soát điều kiện kinh doanh lĩnh vực thực phẩm. Hạn chót ngày 21.9 tới, các đơn vị sẽ có báo cáo kết quả cụ thể trình Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xem xét quyết định.