Đôi cánh thứ nhất: Kiến thức thị trường
Hai chén chè khoai môn, chụp ngay trên bếp, chưa thấy hấp dẫn bằng hình ảnh sinh tố khoai môn, rất đặc sắc để tiếp thị. Ảnh: TLKH.
Còn ở đây, xin nêu các xu hướng tiêu dùng thực phẩm thế giới, có sáu xu hướng đang được thị trường châu Á quan tâm (theo điều tra của công ty Innova Market Insight). Có mười xu hướng, gồm: (1) Sản phẩm sạch, an toàn, được ghi nhãn rõ và đúng cách là yêu cầu rất cao, được gọi chung là “Nhãn hàng sạch” (clean label) ở châu Á, hiện chiếm tới 67% sản phẩm mới (không có phụ gia, không chất bảo quản và chất gây nghiện). Nhãn sạch và rõ, nay là tiêu chuẩn toàn cầu mới. Tiếp thị thương hiệu bằng minh bạch toàn bộ chuỗi cung ứng là phương thức hiện đại nhất. (2) Xu hướng XANH HƠN, sử dụng nguyên liệu thực vật, sản phẩm thay thế thịt và thức ăn thuần chay đã nhanh chóng tăng trong nhu cầu thực phẩm hiện nay. (3) Xu hướng dùng đường thiên nhiên, hữu cơ đang tăng. Giảm đường chế biến bằng hoá chất, giảm ngọt. Người tiêu dùng vẫn cần đường nhưng họ rất chú trọng cân bằng hương vị với bảo toàn sức khoẻ. (4) Tận dụng hương vị đa dạng, đặc sản của nhiều nền ẩm thực, nhiều nước khác nhau. (5) Người tiêu dùng ưa thích hơn khám phá các loại hạt (thuộc giống) mới lạ như chia và quinoa, nên đang thúc đẩy việc ứng dụng các hạt giống mới, mang hương vị tự nhiên, tốt cho sức khoẻ, hàm lượng protein cao, vào thực phẩm nói chung. (6) Xuất hiện nhiều khoá học về thiên nhiên, khám phá thiên nhiên để ứng dụng cho thực phẩm, đồ uống.
Nói chuyện nghiên cứu thị trường toàn số liệu với biểu đồ, không vui bằng đọc cái bài ngắn của các bà bạn tôi, kể chuyện nấu nướng bếp núc, chia sẻ kinh nghiệm. Tôi không chú ý chuyện “thực hành” bếp núc, nhưng chú ý đến các sản phẩm mới, loại bán thành phẩm đông lạnh bán ở siêu thị hết sức tiện lợi để mua về chế biến ngay cho người ít thì giờ, ít chuyên môn pha chế. Đó là món chè khoai môn…
Bạn Ngô Thanh Thuỷ viết: Từ khi có khoai cau đông lạnh của Agrifood Đà Lạt và bột nước cốt dừa Hương Xưa của Mikko, việc nấu chè nếp khoai cau trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Ăn nóng rất ngon mà để tủ lạnh hôm sau ăn vẫn ngon. Nhớ thuở nhỏ mỗi lần nấu món chè này phải hì hụi gọt khoai ngâm và ngồi lọc nước cốt dừa...
Quá đúng nhu cầu của người phụ nữ Việt hiện nay!
Nghĩ thương công lao của những “nhà sáng chế” của hai công ty thực phẩm này. Còn cần đến nhiều sáng kiến khác nữa của các nhà chế biến kinh doanh thực phẩm Việt. Một bầu trời mênh mông mở ra cho cơ đồ chế biến thực phẩm Việt. Tôi có thể nói ngay đến món mứt dừa ngũ sắc của chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương và cô bạn Nhật Bản nặng nợ với thực phẩm Việt Ino Mayu. Và hàng loạt sản phẩm chờ cải tiến hoàn thiện từ đặc sản độc đáo: trầu tiên Yên Tử, sá sùng Vân Đồn, trái mắc khén Lào Cai...
Có khi là thay đổi nâng cấp bao bì, như những chai rượu sen của Đồng Tháp, được chuyển thành chai thuỷ tinh thuôn dài và cao, đang bán với giá gấp năm lần hũ rượu sen Đồng Tháp bình thường. Hay cái bánh gai Ninh Giang ngon tuyệt tôi mua ở hội chợ OCOP Quảng Ninh, chỉ cần thay cái bao bì và cách bao gói sao cho bột bánh đừng dính lá. Hay câu hỏi dễ thương của một anh bán bánh tét ở Đồng Tháp, gọi điện hơi gắt với tôi là phải chỉ cho anh làm sao nâng số ngày bảo quản bánh từ ba ngày lên một tuần, mười ngày?
Tôi đã tìm gặp các thầy ở đại học Nông lâm TP.HCM và đại học Cần Thơ. Có vẻ các câu trả lời là khả dụng.
Đôi cánh thứ hai: Năng lực công nghệ
Mới hôm qua, tôi đọc thấy một bài viết về báo cáo “Tăng cường sức cạnh tranh và liên kết doanh nghiệp vừa và nhỏ” mà ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố. Hơi lựng khựng nghĩ ngợi về kết luận, doanh nghiệp Việt, so với các nước bạn ASEAN, đã chi tiêu cho R&D thấp hơn, năng lực công nghệ hạn chế hơn, và lại ít chú ý giới thiệu sản phẩm mới ra thị trường. Bài báo viết:
Nâng cao năng lực công nghệ và hiểu biết thị trường, qua các nghiên cứu mới nhất, quả là đáng phải suy nghĩ và tìm giải pháp. |
“Dữ liệu cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng cải tiến sản phẩm và quy trình sản xuất của mình, nhưng lại hiếm khi giới thiệu những sản phẩm mới và có chức năng hoàn toàn mới so với các sản phẩm hiện có ra thị trường. Ngoài ra, tỷ trọng số tiền trung bình thực chi trên tổng doanh thu vẫn thấp hơn hầu hết các nước Đông Nam Á khác. Đồng thời, còn ít nhà đầu tư bỏ tiền vào các nghiên cứu đã được cấp phép hay cấp bằng sáng chế.
Mức chi tiêu cho R&D của doanh nghiệp Việt Nam cũng đang kém hơn một chút so với Campuchia và cũng không cao so với nhiều nước Đông Nam Á. Theo đó, các doanh nghiệp Việt chi 1,6% doanh thu hàng năm cho R&D, Philippines là 3,6% Malaysia là 2,6% trong khi tỷ lệ này ở Campuchia là 1,9%. Tổng quan, các mức độ về đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình, tỷ lệ chi cho R&D của doanh nghiệp Việt Nam đều rơi vào mức trung bình tại Đông Nam Á. Trong đó, các doanh nghiệp Campuchia đang năng động hơn doanh nghiệp Việt trong các hoạt động này. Sức ép về tiếp thu công nghệ mới và sáng tạo đối với doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng cao trong Cách mạng 4.0, nếu không muốn tụt hậu so với các nước lân cận.
Và đây là một lời khuyên, theo tôi rất đáng suy nghĩ: “Các bạn cần nâng cao năng lực công nghệ. Hãy thử đi học từ Đài Loan và Nhật Bản. Học qua từng bước, bằng cách liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài”, Jang Yoonho, giám đốc bộ phận hỗ trợ đối tác trung tâm mua hàng Việt Nam của Samsung Electronics Vietnam, nói.
Vào những ngày này, chúng tôi đang ráo riết hoàn tất báo cáo nghiên cứu về bốn loại tài nguyên bản địa chính của các tỉnh ABCD-Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) để chuẩn bị cho Mekong Connect diễn ra vào 25 và 26.10.2017. Hai kết luận từ báo cáo về phát triển sản phẩm mới của WB, tuy mới nghe thì hơi buồn, là phải nâng cao năng lực công nghệ và hiểu biết thị trường, qua các nghiên cứu mới nhất, quả là đáng phải suy nghĩ và tìm giải pháp.
Thiếu một cánh nào trong đôi cánh cũng không xong mà để cho đôi cánh cụt, không đủ mạnh như hiện nay cũng thật đáng tiếc.