Dân Việt

Doanh nghiệp và chủ trại thực sự xuất gà đi Nhật bị "cướp công"?

Bảo Anh 16/09/2017 07:03 GMT+7
Cuối tuần qua, ngành chăn nuôi đón nhận thông tin hết sức tích cực, đó là lần đầu tiên, Việt Nam xuất khẩu thành công thịt gà qua chế biến vào thị trường Nhật Bản. Chuyện sẽ không có gì phải nói, nếu như người có công thực sựđược nhắc đến trong buổi lễ…

Lễ công bố xuất khẩu lô hàng thịt gà đầu tiên sang Nhật Bản là sự kiện nổi bật của ngành chăn nuôi từ trước đến nay. Ngành chăn nuôi gà công nghiệp của Việt Nam có giá trị hơn nửa tỉ USD mỗi năm, nhưng do nhiều nguyên nhân, con gà Việt Nam chỉ quẩn quanh trong nước theo hình thức “tự sản tự tiêu”. Nhiều năm nay, các doanh nghiệp nuôi gà trong nước chưa xuất được con gà nào, mà chỉ biết đứng nhìn hàng chục ngàn container thịt gà Mỹ, Brazil, Hàn Quốc… nhập về đều đặn. Vì lẽ đó, việc lần đầu tiên có doanh nghiệp xuất khẩu thịt gà sang Nhật, nên ai cũng mừng là điều dễ hiểu.

img

Koyu & Unitek cùng với một trang trại nuôi gà ở Đồng Nai, mới là chủ nhân thực sự xuất khẩu thịt gà qua Nhật Bản. Trong ảnh là sản phẩm gà qua chế biến của Koyu & Unitek giới thiệu tại buổi lễ công bố sự kiện. Ảnh: Ngọc Ánh.

Trong lễ công bố xuất khẩu lô hàng thịt gà đầu tiên sang Nhật Bản, toàn bộ khâu tổ chức sự kiện do ba doanh nghiệp: De Heus, Bel Gà và Hùng Nhơn chịu trách nhiệm. Trong khi đó, không hiểu vì lý do gì mà những chủ nhân thật sự trong sự kiện này là công ty Koyu & Unitek và một chủ trang trại gà ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai chỉ được biết đến là… khách mời. Trong lễ “bấm nút” xuất container hàng đầu tiên và phần thời sự trên kênh VTV1 (tối ngày 9.9), không thấy hai chủ nhân chính xuất hiện, mà chỉ thấy hình ảnh của những người chẳng liên quan gì đến xuất khẩu gà.

Sáng sớm ngày 10.9, một ngày sau “lễ công bố xuất khẩu lô hàng thịt gà đầu tiên sang Nhật Bản”, nhiều người trong ngành chăn nuôi gà, phản ánh “những chuyện không hay” về sự kiện này.

Một chủ trại gà tâm sự rằng, ông có tham gia lễ công bố hôm thứ bảy (ngày 9.9) nhưng doanh nghiệp và chủ trại gà xuất khẩu thực sự không phải “chủ nhân” tổ chức sự kiện này, mà ba doanh nghiệp khác lại đứng ra làm. “Tôi có cảm giác nhiều doanh nghiệp nhân sự kiện này đánh bóng thương hiệu”, vị chủ trại gà kết luận.

Tại sao De Heus, Bel Gà, Hùng Nhơn không xuất khẩu lại đứng ra phối hợp tổ chức? Đem thắc mắc hỏi một số người trong cuộc, nhận được nhiều câu trả lời khá… hài. Có ý kiến cho rằng, do Koyu & Unitek là công ty liên doanh (trong đó tập đoàn thực phẩm Koyu của Nhật nắm chi phối) quen cách “làm nhiều nói ít, không thích khoa trương, không muốn PR thương hiệu”. Koyu & Unitek có sản phẩm xuất khẩu nhưng lại không dính dáng gì đến buổi lễ, họ xuất hiện với nhiệm vụ “chiên sản phẩm mẫu cho thực khách ăn”. Đó là câu chuyện có thật 100%!

Cũng có người thắc mắc, tại sao lễ công bố không tổ chức đúng vào ngày Koyu & Unitek chính thức xuất khẩu container thịt gà đầu tiên (hôm 24.8), mà để tới ngày 9.9? Tại sao lễ công bố không làm ở cảng Cát Lái (TP.HCM), nơi được Koyu & Unitek xuất khẩu thịt gà, mà lại làm ở cảng Long An…? Còn  nhiều thắc mắc đến sự kiện này, chúng tôi không tiện nói ra.

Trở lại bản chất thực của vấn đề xuất khẩu gà đi Nhật, theo đánh giá của giới chuyên môn, đây là thành công bước đầu đáng ghi nhận trong ngành chăn nuôi. Từ con gà, tới đây, theo đánh giá của Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam sẽ xúc tiến để xuất khẩu thịt heo, thịt bò, quả trứng…

Ông Nguyễn Minh Kha, chủ trại duy nhất đang cung cấp nguyên liệu cho công ty Koyu & Unitek chế biến xuất khẩu, đã có ba trại gà được phía Nhật Bản công nhận đạt tiêu chuẩn. Công suất của ba trại đạt khoảng 720.000 con gà/năm/2 lứa nuôi. Hiện nay, trại gà của ông Kha đang sử dụng con giống của Koyu & Unitek, thức ăn cũng do một nhà máy của Nhật cung cấp (có tin nói rằng 30% cám lấy của De Heus). Mỗi ngày, trại gà cung cấp cho Koyu & Unitek khoảng 15.000 con, tương đương 30 tấn gà lông. Để được cục Thú y Việt Nam, cũng như Nhật Bản công nhận đạt chuẩn xuất khẩu, trại gà ông Kha phải thiết kế toàn bộ, chăn nuôi theo quy trình giám sát nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm. Trại gà có vùng đệm an toàn sinh học lên tới 3km, tốn kém khá nhiều chi phí để xây dựng.

Ông Kha tâm sự: Lúc trước, đi đây đi đó rồi khi tới trại là xông vào thăm gà liền. Còn nay, muốn vào phải tắm rửa, sát trùng sạch sẽ mới vào được để đảm bảo an toàn. Nghe qua đủ thấy, việc nuôi được con gà đạt chuẩn xuất khẩu vào Nhật vất vả như thế nào. Còn công ty Koyu & Unitek mất hàng chục năm trời đeo đuổi kế hoạch xuất khẩu; mất nhiều năm hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu. Bỏ ra hàng chục triệu USD hỗ trợ chủ trại, xây nhà máy giết mổ, chế biến. Nói chung là rất cực khổ mới có được kết quả như ngày hôm nay. Những công việc này, họ coi là lẽ thường trong kinh doanh, chứ không cần PR, đánh bóng thương hiệu...