Sự chọn lựa
Hiện thời, giá dâu tại vườn 18.000đ/kg, cam mật: 8.000đ/kg, cam xoàn: 25.000đ/kg, bưởi Năm Roi: 20.000đ/kg, bưởi da xanh: 35.000đ/kg… Trong khi đó, giá bán lẻ tại các chợ Ninh Kiều cao hơn từ 10.000 – 15.000đ/kg, cách Phong Điền không hơn 10 cây số.
Dâu Hạ Châu bán tại vườn giá 18.000 đồng/kg. Trong ảnh là thu hoạch dâu Hạ Châu ở Phong Điền. Ảnh: H.L.
“Cân cho lái không có lời. Nhưng nói lái “ăn” hết cũng không phải, vì họ phải tốn tiền xăng xe mà xăng mới vừa lên giá, trừ hao hàng giập, thúi, tiền thuê mặt bằng, thuế má đủ thứ hết”, bà Ước, từng làm lái trái cây từ vườn ra chợ Tham Tướng, nói.
Đối với ông Tư Hài, ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, có vườn dâu Hạ Châu rộng 3.000m2, bán tất cho thương lái vì ông tính toán công hái dâu, vận chuyển, bán buôn hay bán lẻ… chưa chắc được 25 triệu đồng. Ông Tư biết chênh lệch giá, vì tại Nhơn Nghĩa, giá dâu mua mão là 18.000đ/kg; giá bán lẻ 25.000đ… “Chở đi nơi khác sẽ cao hơn. Nếu bán tại vườn lấy tiền mặt một lần, khỏi chịu rủi ro gì hết, cũng khỏi nghe ai kèo nài giá cả, khoẻ re”, ông Tư chọn lựa cách bán cho thương lái.
“Có hai cách bán”, ông Nguyễn Phước Hậu, ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền, nói. Năm nay sầu riêng, chôm chôm, dâu Hạ Châu đều được giá nhờ bán lai rai tại vườn, khi nào rộ thì bán cho thương lái. Sầu riêng cuối mùa, ông Hậu bán lai rai với giá 40.000 – 45.000đ/kg loại 1. Lúc rộ, bán cho thương lái. Sầu riêng cơm vàng hạt lép có giá hơn mọi năm, do vườn sầu riêng ở Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre chưa phục hồi sau đợt hạn mặn năm ngoái.
Trồng bưởi VietGAP sẽ có chỗ đứng dễ dàng hơn trong siêu thị. Ảnh minh hoạ
Ông Hậu nói: Thực ra thương lái tự thu hái đồng loạt, giá chỉ còn 25.000đ/kg. Nếu làm hàng đi Trung Quốc hái đủ loại cỡ trái rồi nhúng thuốc, nhiều vườn họ mua lá từ đầu vụ, phun xịt thuốc ra hoa, thu trái, nhưng làm vậy sẽ tổn tới mấy vụ sau. Có khi vài vụ là cây chết.
Năm nay, ông Hậu có 150 triệu đồng nhờ bán trái cây từ 5.000m2 trồng sầu riêng, 2.000m2 trồng chôm chôm, 3.000m2 trồng dâu Hạ Châu. Chôm chôm bán tại vườn là 6.000đ/kg, giá bán lẻ ven quốc lộ 61B gấp đôi. Hiện nay, sắp cuối mùa dâu Hạ Châu, giá dao động từ 17.000 – 19.000đ (bán xô), mỗi ngày ông Hậu bán được 50 – 70kg dâu, lời gần 1 triệu đồng/ngày sau khi trừ chi phí.
“Tui có thằng cháu chở trái cây đi Miệt Thứ (Kiên Giang), chịu khó đi xa thì mua một lời một. Còn lái mua đi bán lại tại đây cho người bán lẻ thì lời tầm 1.000 – 3.000đ/kg, người bán lẻ ngoài chợ bán lại, lời từ 7.000 – 8.000đ/kg”, ông Hậu nói về lái đường xa, lái chợ gần.
“Lái” không chọn GAP?
Đang ở cuối mùa, giá bưởi Năm Roi là 17.000đ/kg, giá bưởi da xanh dao động 25.000 – 30.000đ/kg. Giá bán lúc nghịch mùa có thể đạt hơn 30.000đ/kg đối với bưởi Năm Roi và 50.000 – 55.000đ/kg đối với bưởi da xanh. Ông Hồ Văn Nan, vừa là khuyến nông viên xã Kế An (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) vừa là tổ trưởng tổ hợp tác (THT) bưởi xã Kế An, nói khi thương lái tới vườn mua, đã dọ giá của mấy THT khác để nhà vườn biết cách thương lượng.
Dự án trồng mãng cầu ta (na) VietGAP tại TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: I.T
Tổng diện tích của THT Kế An 12,7ha, trồng giống Năm Roi, da xanh. Vụ trước tạm ổn nhưng vụ sau chưa biết sẽ thế nào, vì bão số 3, 4, 5 làm tỷ lệ ra hoa kết trái nghịch vụ từ 10 phần còn chừng phân nửa.
Đối với những người trồng theo tiêu chuẩn VietGAP như các thành viên hợp tác xã (HTX) nhãn Thắng Lợi, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, Sóc Trăng thì thương lái mua nhãn tiêu da bò tại vườn với giá 11.000đ/kg, 22.000đ/kg đối với nhãn xuồng cơm vàng. Dù nhãn đạt chuẩn VietGAP giá mua cũng như bình thường. Lẽ nào lái không biết VietGAP thì chất lượng trái tốt hơn?
Ngược lại, nhãn nghịch mùa, bán sau tết được giá hơn, nhưng làm vụ nghịch sâu bệnh nhiều, cực công chăm sóc hơn và phải dùng thuốc. Giá mua nhãn da bò 20.000 – 22.000 đồng/kg, nhãn xuồng 40.000 – 50.000đ/kg, còn nhãn Ido 35.000 – 37.000đ/kg, vậy là họ không cần VietGAP.
Ông Nguyễn Hiền Hoà, giám đốc HTX, cho biết quy mô canh tác của các thành viên HTX là 10,5ha, trồng nhãn tiêu da bò đạt VietGAP, ông cũng không biết ai cần VietGAP và chấp nhận mua với giá cao hơn!
VietGAP trong cảnh “tắt đèn”
Thương lái địa phương mua chôm chôm xuất khẩu Trung Quốc giá 8.500đ/kg, còn mua đi bán lại nội địa chỉ mua với giá 7.500đ/kg, nhưng làm sao nhà vườn biết ai bán cho Trung Quốc, ai bán nội địa?
Nhà vườn ở Vĩnh Long thu hoạch nhãn tiêu da bò. Ảnh: I.T
Ông Trương Văn Tím, giám đốc HTX chôm chôm Java Tân Khánh (Tích Thiện, Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) nói lúc trước HTX suốt 7 – 8 năm làm theo chuẩn GlobalGAP, giá bán cũng không có gì khác biệt. Các thành viên “tuột xuống” làm theo chuẩn VietGAP trong hai năm nay (diện tích 40ha) cũng không ổn. Giá cứ bấp bênh nên nhiều người nản chí, vì làm an toàn mà bán bằng với giá người ta trồng phân thuốc thì đâu có ý nghĩa gì!
Thuê 8 công đất thời hạn mười năm với giá 200 triệu đồng để trồng cam, chi phí đầu tư mỗi năm 20 triệu đồng. “Chăm sóc cực nhọc suốt ba năm qua, nhưng thương lái mua cam tại vườn với giá từ 7.000 – 8.000đ/kg”, ông Hồ Thanh Xuyên, Phụng Hiệp, Hậu Giang, nói chỉ trồng theo kinh nghiệm và mong cho “lái buôn thương” mới đỡ khổ, chứ VietGAP chưa đủ liều hấp dẫn thương lái.
Ông Từ Hữu Huệ, ở THT nhãn tiêu da bò Tân Hạnh, TP Vĩnh Long, cho biết hiện nay thương lái mua khoảng 14.000đ/kg nhãn tiêu da bò. THT có 10ha trồng nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP, không có thương lái nào nói VietGAP giá tốt hơn. Họ nói vậy, nhưng không bán cho thương lái cũng đâu có vô siêu thị được. Siêu thị muốn giao từng điểm, còn nhà vườn đã quen bán mão.
Mỗi người làm một phép tính, tất nhiên những đáp số thường không giống nhau. Ông Võ Kim Út ở xã Xuân Hoà (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) trồng 2ha mít (giống của Thái Lan) nghịch vụ, giá thương lái mua tại vườn 40.000đ/kg, nếu chở tới vựa giá mua khoảng 47.000đ/kg.
Đợt này mít bị bệnh xơ đen, không có cách trị nên thương lái Trung Quốc ngưng mua mít. Khi thương lái đường dài, vựa ngưng mua có kêu giá 9.000 – 10.000đ/kg cũng khó bán.