Dân Việt

Bắt chó thả rông: Chủ chó không được quyền khiếu nại!

Minh Phong - Bảo Yến 16/09/2017 09:50 GMT+7
Chó bị bắt giữ quá thời hạn quy định mà không có chủ đến nhận sẽ được xem là chó vô chủ, chủ chó không được quyền khiếu nại.

Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.9. Theo đó, sẽ tiến hành phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Trao đổi với PV, ông Đặng Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết đơn vị này cũng đã đề xuất thành lập đội bắt chó thả rông như tại TP.HCM. “Hà Nội chưa bao giờ có đội chuyên trách xử lý chó thả rông. Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch để trình cấp trên phê duyệt. Sau đó mới triển khai các nhiệm vụ cụ thể. Hà Nội chưa thành lập ngay đội bắt chó thả rông, làm chậm nhưng chắc” – ông Sơn cho hay.

img

Chó thả rông sau khi bị bắt giữ, nếu quá 48 giờ không có chủ đến nhận được xem là chó vô chủ. CTV

Theo ông Sơn, việc cấm thả rông chó, khi ra đường phải có người xích, rọ mõm, tiêm phòng khám chữa bệnh đã được quy định rõ từ lâu. Ở Hà Nội, thời gian qua chủ yếu triển khai tuyên truyền, vận động để người dân đưa chó đi tiêm phòng bệnh dại.  

Đối với quy định sau 72 giờ chó bị bắt giữ nếu không có chủ đến nhận sẽ tiêu hủy chó, ông Sơn cho hay trong Nghị định 90 không có. Tuy nhiên, quy định tiêu hủy đã có trong thông tư  Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 9.1.2007 của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật và Phụ lục 05 hướng dẫn phòng chống bệnh Dại ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT.

Còn tại TPHCM, việc quy định tổ chức đội bắt chó chạy rông đã được tiến hành từ năm 1997. Theo Quyết định số 2073/QĐ-UB-KT ngày 2.5.1997 của UBND TPHCM về việc tiêm Phòng bệnh Dại và bắt chó chạy rông, Chi cục Thú y Thành phố được giao nhiệm vụ thường xuyên tổ chức bắt chó chạy rông.

Theo Chi cục Thúy y TP.HCM, hiện nay, chó thả rông trong phạm vi lòng lề đường phố công cộng sẽ bị cơ quan thú y bắt và tạm giữ tại số 252 Lý Chính Thắng, Quận 3. Chủ chó khi đến nhận chó sẽ phải nộp phạt theo quy định.

“Chó bị bắt tạm giữ tại 252 Lý Chính Thắng quá 48 giờ nếu chủ nuôi không đến nhận xem như chó vô chủ, được xử lý theo quy định. Chủ chó không được quyền khiếu nại” – đại diện Chi cục Thú y TPHCM nhấn mạnh.

Đối với chó thả rông bị bắt sau thời gian lưu giữ, nếu vô chủ, Chi cục Thú y sẽ chuyển cho các trường phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy hoặc xử lý tiêu hủy theo quy định.