Bà Lan cho biết, qua khảo sát thực tế tại các địa phương, thức ăn đường phố là “vấn đề lớn và khó”, vì còn ảnh hưởng tới kế sinh nhai của hàng nghìn hộ lao động nghèo, thu nhập thấp, đặc biệt là ở các quận trung tâm. Vấn đề chất lượng và vệ sinh ATTP của thức ăn đường phố cũng khiến Ban phải băn khoăn.
Thức ăn đường phố cũng sẽ có “chuẩn”
Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng thức ăn đường phố, bà Lan đề nghị xây dựng bộ tiêu chuẩn về ATTP cho thức ăn đường phố, trên cơ sở đó, những hộ kinh doanh nào đạt chuẩn sẽ được cấp phép và phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.
TP.HCM sẽ có bộ tiêu chuẩn về ATTP cho thức ăn đường phố. Ảnh: internet.
Bên cạnh đó, các quận, huyện sẽ phải kế hoạch để quản lý, khoanh vùng, thu hẹp dần phạm vi hoạt động của hình thức kinh doanh thức ăn đường phố, dần dần tiến tới bãi bỏ luôn. Tuy nhiên, phải có lộ trình và không thể nói bỏ là bỏ ngay.
“Trong khi chờ đợi việc quản lý đi vào nề nếp, chờ xây dựng các bộ tiêu chuẩn thì phía Ban và các địa phương sẽ hỗ trợ hết mức cho bà con, qua đó, hạn chế tối đa tình trạng mất vệ sinh ATTP đối với thức ăn đường phố như tài trợ bao tay, kẹp gắp thức ăn, muỗng nĩa dùng một lần…”, bà Lan đề xuất.
Ngoài ra, qua khảo sát thực tế, Ban Quản lý ATTP TP.HCM cho rằng, đối với các hộ kinh doanh thức ăn đường phố, xô nước rửa ly chén, thực phẩm… hiện không đảm bảo ATTP khi sử dụng từ sáng sớm đến cuối buổi kinh doanh. Do đó, Ban ATTP đề xuất hỗ trợ bà con nước sạch để phục vụ kinh doanh.
“Có thể theo hình thức đầu tư một xe bồn nước rồi theo định kỳ cung cấp nước sạch cho bà con, hạn chế tình trạng nhiễm vi sinh, vi khuẩn do sử dụng nước không đảm bảo”, bà Lan cho biết.
Còn đối với một số tuyến đường kinh doanh thực phẩm đường phố hiện đã đi vào nề nếp, được quản lý tốt, đảm bảo vệ sinh… ở như Tân Phú… sẽ được nhân rộng cho các phường, xã khác cùng học tập. Tuy nhiên, việc tập trung kinh doanh thức ăn đường phố vào một điểm hoặc một tuyến phố là không dễ dàng, không phải quận, huyện nào cũng thực hiện được như các quận ở trung tâm.
Đầu tư cho ATTP còn hạn chế
Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, vấn đề ATTP vẫn khiến người tiêu dùng lo lắng, nghi ngờ, trong khi kinh phí đầu tư cho hoạt động đảm bảo ATTP còn rất thấp so với khu vực và liên tục bị cắt giảm trong những năm qua.
Trong khi đó, đầu tư kinh phí cho công tác ATTP ở Việt Nam giai đoạn 2001 – 2005 là 780 đồng/người/năm, chỉ bằng 1/25 so với Thái Lan, ở mức 1 USD/người/năm. Đến giai đoạn 2011 – 2015, mức đầu tư cho ATTP bình quân chỉ đạt 2.800 đồng/người/năm, trong khi tại Bắc Kinh, mức đầu tư này khoảng 100.000 đồng/người/năm.
Bà Thu cũng từng đề xuất, cần tăng cường cho mỗi phường, xã một cán bộ biên chế chuyên trách công tác ATTP. Về vấn đề này, bà Lan “cập nhật” là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây khi họp với TP.HCM về ATTP đã đồng ý chủ trương, tuy nhiên, với điều kiện không tăng biên chế tại các phường, xã.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan thông tin thêm, hiện đang là giai đoạn mà công tác tổ chức của quản lý nhà nước về ATTP tại TP.HCM có nhiều biến chuyển và đang dần đi vào nề nếp. Ban Quản lý ATTP TP.HCM cũng đã xây dựng xong “barem” chấm điểm thi đua về ATTP cho riêng TP.HCM và sẽ cập nhật thêm các tiêu chuẩn quốc gia về ATTP trong thời gian tới.
Ngoài ra, đây được xem là thời điểm nhạy cảm về an toàn thực phẩm khi mà tết trung thu đang tới gần. Nhu cầu sử dụng bánh trung thu và thực phẩm của người dân tăng cao. Do đó, Ban sẽ tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
“Có người cho rằng các thương hiệu bánh trung thu lớn, có tên tuổi… thì không vi phạm ATTP nhưng thực tế kiểm tra cho thấy, họ vẫn vi phạm như thường dù trước khi thanh tra đã có thông báo trước”, bà Lan nhận định.