Thạc sĩ Vũ Minh Đức (Viện Văn hóa): Nhu cầu nghe nhạc ở khách sạn rất ít
Người dân nếu có nhu cầu nghe nhạc thì đã đến thính phòng, các trung tâm hòa nhạc, hoặc là các quán cà phê, phòng trà… chứ mấy ai lại vào khách sạn để nghe nhạc. Có thể chắc chắn là hầu như không có khán giả có ý định nghe nhạc tại các khách sạn, nhà nghỉ, vì đó là nơi họ nghỉ ngơi khi đi chơi, đi công tác. Họ chỉ xem tin tức, thời tiết, phim...
Tính mỗi tivi 25.000 đồng/năm nghe có vẻ nhỏ, nhưng hàng triệu căn phòng trong các khách sạn trên đất nước này là một con số khổng lồ, ước tính hàng chục tỷ đồng.
Nhiều ý kiến phản đối việc thu phí nghe nhạc ở khách sạn. Ảnh: M.H
Chuyên gia truyền thông Trần Chí Hiếu: Sao lại ra con số 25.000 đồng/tivi/năm?
Chúng tôi sẵn sàng đóng tiền bản quyền âm nhạc nhưng phải hợp lý, cần con số cụ thể và trường hợp cụ thể chứ không chung chung. Tại sao không phải là 10.000 đồng, 20.000 đồng mà là 25.000 đồng? Căn cứ theo số liệu nào mà ra 25.000 đồng, xin trung tâm giải thích? Tôi cho rằng đóng tiền như vậy sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác như là nay mai các chung cư cao cấp cũng sẽ phải đóng tiền “âm nhạc” này. Nói chung tôi không đồng ý với quyết định trên.
Nhà thơ Anh Ngọc: Đã đóng phí truyền hình cáp rồi...
Việc đóng tiền tác quyền cho các bản nhạc hay là đúng, nhưng nó phải cụ thể và hợp lý, không thể thu một cách bừa bãi. Chúng ta có nhiều cách để thu tiền tác quyền âm nhạc, ví dụ khi đài truyền hình phát đi bản nhạc nào thì có thể thu ngay tại đài truyền hình. Chẳng hạn khách sạn đã đóng tiền cho truyền hình cáp rồi, không lẽ phải đóng thêm một lần nữa tiền nghe nhạc trên truyền hình?