Năm 1985, ông Nguyễn Văn Phương, xóm Xuân Thọ, xã Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa (Nghệ An) xuất ngũ về địa phương sau hơn 8 năm tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Về quê, ông Phương phải làm đủ nghề để mưu sinh.
Từ nghề phụ hồ, rồi đến cả công việc nặng nhọc như làm công nhân cho mỏ đá tại địa phương... không việc gì là ông không trải qua. Do mang thương tật trong người cùng với tuổi cao sức khỏe không cho phép ông tiếp tục những công việc nặng nhọc nữa. Không để mọi người coi mình là người thừa, ông bắt đầu nung nấu ý định tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm của nhiều mô hình kinh tế trang trại tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Phương bên vườn bưởi hồng QuangTiến sai trĩu quả của gia đình mình. Ảnh Cảnh Thắng
Nghĩ là làm, vào năm 2014 ông Nguyễn Văn Phương vay mượn của bạn bè, dồn tiền chắt bóp, tằn tiệm bấy lâu nay quyết định cải tạo hơn 3.000m2 vườn tạp của gia đình để trồng giống bưởi hồng Quang Tiến. Ông lại vay thêm gần 100 triệu đồng để mở xưởng mộc cho con làm nghề.
Sau một thời gian chăm sóc vườn bưởi đã không phụ công của người thương binh già luôn cần cù chịu thương, chịu khó. 2 năm nay vườn bưởi hồng Quang Tiến đã cho ra quả. Và kể từ đó tới nay, năm nào vườn bưởi hồng Quang Tiến của gia đình ông Phương cũng sai chi chít quả. Bình quân, mỗi năm vườn bưởi hồng Quang Tiến của gia đình ông Phương mang lại khoản tiền hơn 50 triệu đồng. Không chỉ chuyên cần chăm sóc vườn cây ăn quả và ao cá, nuôi lợn, nhưng lúc rảnh rỗi, tranh thủ thời gian ông còn phụ giúp người con trai làm những công việc nhẹ tại xưởng mộc để kịp thời giao hàng cho khách.
Vườn bưởi hồng Quang Tiến cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm của gia đình ông Phương. Ảnh Cảnh Thắng
Trao đổi với Dân Việt ông Nguyễn Văn Phương chia sẻ: “Từ khi xây dựng mô hình kinh tế trang trại, đến nay thu nhập của gia đình khá hẳn lên, nghĩ lại thời đi làm thuê thấy mừng hơn nhiều. Từ vườn bưởi, ao cá, xưởng mộc, đến nay tôi đã trả được hết nợ. Sắp tới tôi có ý định mở rộng thêm diện tích trồng giống bưởi hồng Quang Tiến để tăng thêm nguồn thu...".
Đến nay, gia đình thương binh 4/4, Nguyễn Văn Phương đã có một nền tảng kinh tế tương đối vững chắc. Đây là một trong những gương điển hình tiêu biểu về nghị lực vươn lên và được Hội cựu chiến binh và Hội Nông dân xã Nghĩa Mỹ đánh giá cao.
Ông Ngô Hữu Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Mỹ, Thị xã Thái Hòa (Nghệ An) cho biết: “Nói đến anh Phương là nói đến điển hình cho người thương binh tàn nhưng không phế. Từ 2 bàn tay trắng, anh vươn lên làm giàu từ việc trồng bưởi, đào ao thả cả...Đây là tấm gương cho nhiều người nông dân tại địa phương học tập...”
Ngoài vườn bưởi ông Phương còn đào ao thả cá để cải thiện cuộc sống. Ảnh Cảnh Thắng.
Với đôi tay không được nhanh nhẹn như người bình thường, sức khỏe ngày một yếu đi tuy nhiên người thương binh Nguyễn Văn Phương vẫn như cánh chim không mỏi. Hàng ngày vẫn cần mẫn chăm sóc, cắt tỉa những cành bưởi, chăm sóc ao cá, tranh thủ thời gian rảnh để cùng người con trai làm mộc để phát triển kinh tế gia đình...