Sau khi có thông tin cho rằng chồn hương (cầy hương) đang bị một số người đối xử dã man để sản xuất cà phê chồn, phóng viên Dân Việt đã liên hệ với một số nông dân, doanh nghiệp đang sản xuất cà phê chồn tại Đắk Lắk để tìm hiểu thực hư.
Cầy vòi hương được ông Hoàng Mạnh Cường nuôi để sản xuất cà phê chồn. Ảnh: D.H
Ông Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kiên Cường (03 Hoàng Hoa Thám, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - một đơn vị chuyên sản xuất cà phê chồn) khẳng định không có bất cứ ai nuôi chồn hương để làm cà phê chồn. “Chúng tôi không nuôi chồn hương để làm cà phê chồn. Động vật chúng tôi đang nuôi là cầy vòi hương- một loại hoàn toàn khác với chồn hương”- ông Cường khẳng định.
Cũng theo ông Cường, cầy vòi hương được nuôi để làm cà phê chồn không những không bị “đối xử dã man” mà ngược lại còn được chăm sóc rất kỹ. “Chúng được nuôi gần như tự nhiên và rất tự do. Môi trường nuôi nhốt chúng chẳng những không thô bạo mà còn rất an toàn”- ông Cường nói.
Cầy vòi hương sống trong môi trường bán tự nhiên. Ảnh: Duy Hậu
Ông Cường cho biết, nếu trong tự nhiên cầy vòi hương có tuổi thọ lý tưởng là 15 năm thì số ở tại trang trại của ông động vật này có tuổi thọ trung bình từ 10-11 năm. Để những con cầy vòi hương này phục vụ cho việc kinh doanh của mình, ông đã tốn nhiều công sức và tiền bạc để chăm sóc chúng.
Ông Nguyễn Quốc Khánh (chủ trang trại cầy vòi hương ở thôn 6 xã Krông Buk, huyện Krông Păk, Đắk Lắk) cũng cho biết, cầy vòi hương nuôi để làm cà phê chồn rất được “cưng”.
“Chúng được cho ăn trái cây, thịt, cá… và được chăm sóc rất kỹ càng mỗi khi bị đau ốm. Ngoài việc chúng giúp chúng tôi sản xuất ra loại cà phê đặc biệt thì giá trị thương phẩm của chúng cũng rất cao, nên không có lý do gì chúng tôi phải đối xử thô bạo với chúng” - ông Khánh cho hay.
Nước uống và cà phê cho cầy vòi hương như ngoài môi trường tự nhiên. Ảnh: D.H
“Có người cho rằng chúng tôi bỏ đói cầy vòi hương để buộc chúng ăn cà phê nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Chỉ có những con cầy vòi hương khỏe mạnh mới chịu ăn loại thức ăn khó ăn này”- ông Khánh nói.
Ông Khánh cho biết, hiện ông có hai cơ sở nuôi cầy vòi hương ở Đắk Lắk và Lâm Đồng. Ở cả hai cơ sở này, cầy vòi hương được nuôi trong môi trường bán tự nhiên, chúng gần như được tự do như ở môi trường bên tự nhiên. Cũng chính nhờ thế đàn cầy vòi hương của ông phát triển rất nhanh, từ chưa đến 10 con năm 2006 đến nay đã có hàng trăm con.
Cầy vòi hương con được chăm sóc rất chu đáo. Ảnh: D.H
Một giảng viên tại trường Đại học Tây Nguyên cũng khẳng định động vật đang được nuôi để làm cà phê chồn là cầy vòi hương chứ không phải chồn hương. Hai loại này hoàn toàn khác nhau, cụ thể cầy vòi hương có tên khoa học là paradoxurus hermaphroditus còn cầy hương có tên khoa học là viverricula indica.
Các sản phẩm cà phê chồn. Ảnh: D.H
Cả hai loài này đều ăn cả động vật và thực vật nhưng cầy hương thì ăn động vật nhiều hơn. Chính vì thế nó không được nuôi để sản xuất cà phê chồn. “Trước đây, chính vì nhầm lẫn này mà một số cơ sở nuôi cầy vòi hương đã gặp rất nhiều khó khăn do vướng nghị định 32 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.”- giảng viên này thông tin thêm.