Dân Việt

500 đại biểu dự hội nghị biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long

Trần Dũng 20/09/2017 17:44 GMT+7
Chiều nay 20.9, Bộ TNMT tổ chức Họp báo thông tin về Hội nghị của Chính phủ về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ diễn ra ngày 26.9 tới đây.

Nhận diện biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL

Phát biểu tại họp báo Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cho biết, trong từng giai đoạn lịch sử Đảng và Nhà nước luôn chú trọng xác lập những chính sách lớn, tăng cường quản lý TNMT, từng địa phương có chính sách riêng.

img

Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà chủ trì buổi họp báo.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định ĐBSCL là một trong những vùng đồng bằng chịu sự tác động biến đổi khí hậu hết sức nhạy cảm. Từ trước đến nay, chưa có một hội nghị nào phân tích, nhận dạng đầy đủ những khó khăn của vùng này. Việc chuyển đổi mô hình phát triển bền vững hết sức cần thiết.

“Khi nói đến ĐBSCL, tại chuyến thăm Hà Lan Thủ tướng đã ký hợp tác với Hà Lan về nghiên cứu, tư vấn, chuyển giao khoa học công nghệ. Ngay chuyến thăm đó Thủ tướng chỉ đạo Bộ TNMT, các Bộ ngành tháp tùng Thủ tướng khẩn trương tổ chức hội nghị quan trọng, kế thừa nhiều kết quả của quốc tế, các nhà khoa học, quản lý. Để phát huy sáng kiến xem xét tổng thể, toàn diện, có hệ thống, nhận diện đầy đủ trên cơ sở khoa học về tiềm năng đặc điểm tự nhiên, cũng như những thách thức với ĐBSCL.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, phải tìm ra được mô hình phát triển, huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, đưa ra chủ trương, quyết sách đảm bảo cho ĐBSCL phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh tiềm năng thiên nhiên, con người, chủ động ứng phó những thách thức nói trên”.

img

Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL đang diễn ra hết sức phức tạp, khó lường.

500 đại biểu tham gia 3 nhóm chuyên đề

Theo Bộ TNMT Hội nghị sẽ diễn ra vào ngày 26.9 tới đây tại TP. Cần Thơ, với 3 nhóm chuyên đề gồm 500 lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, nhà khoa học. Cụ thể gồm:

Nhóm 1: Có sự tham gia của các nhà khoa học tự nhiên, nhân văn, môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ, tổ chức quốc tế thảo luận trên cơ sở khoa học, khách quan. Đánh giá, nhận dạng đúng điều kiện tự nhiên của ĐBSCL, xem xét lại toàn bộ quá trình phát triển trên 300 năm của đồng bằng này.

So sánh hiện tại với quá trình hình thành, đặc điểm, tính chất; Phân tích, đánh giá xu hướng biến đổi khí hậu, xu hướng tác động của thượng nguồn, trên cơ sở nội tại và quốc tế, định hướng thế nào cho mô hình đổi mới, tăng trưởng bền vững. Trong đó, yếu tố tự nhiên, con người, văn hóa, môi trường, đặc điểm vùng đất đó có sự khác biệt cho sự phát triển. Tiếp cận được xu thế mới của thời đại trong vấn đề lựa chọn mô hình phát triển kinh tế, cũng như thích ứng hài hòa thiên nhiên.

Nhóm 2: Do Bộ NNPTNT chủ trì, có sự tham gia xây dựng của Bộ GTVT, các nhà quản lý Trung ương và địa phương. Định hình hạ tầng vùng như thế nào phù hợp sự phát triển trước thách thức, sắp xếp lại cấu trúc nông nghiệp.

Nhóm 3: Sắp xếp, quy hoạch các hoạt động văn hóa xã hội, dân cư, bố trí mặt không gian phù hợp môi trường sinh thái như thế nào? Quy hoạch vùng tiếp cận đúng đắn, dựa vào tự nhiên, khả năng cung ứng của tự nhiên để hoạch định nhu cầu phát triển. Đồng thời, hài hòa thích ứng của con người, phát triển với tự nhiên.

“Thủ tướng cũng đặt ra Hội nghị sẽ phải đưa ra quyết sách, tầm nhìn dài hạn, đồng thời có tính khả thi, cấp bách. Từng ngành, địa phương lựa chọn ra vấn đề căn cơ nhất, cơ chế chính sách, cho đến đầu tư, hợp tác quốc tế. Tính toán huy động, phân bổ nguồn lực để sau khi hội nghị khép lại sẽ thống nhất được phương thức, những công việc chuẩn bị cho chặng đường hàng trăm năm, mãi mãi, cho ĐBSCL phát triển”, Bộ trưởng Bộ TNMT nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vai trò của người dân tham gia chuyển đổi mô hình phát triển bền vững vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh cần công bố, tuyên truyền thông tin rộng rãi về các dự án, quy hoạch. “Mỗi người dân cần hiểu rõ vấn đề, ở đây sẽ có sự sáng tạo của nhân dân. Những người đại diện cho tiếng nói nhân dân đóng góp cụ thể kinh nghiệm thực tiễn bản địa. Thời gian tới bất cứ hội nghị nào, chúng ta cần chia sẻ cho người dân biết, quy hoạch ĐBSCL cần công bố cho người dân biết, để được góp ý, giám sát doanh nghiệp, cơ quan quản lý”.

Thông tin về quan điểm của Bộ TNMT trong hoạt động quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường – 1 trong 3 trụ cột phát triển bền vững Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, quan điểm của Bộ nhất quán, không để sự phát triển mà chấp nhận hy sinh môi trường.

“ĐBSCL là vùng tiềm năng lớn nhưng hết sức nhạy cảm. Một vùng đất nước luôn  quyện với nhau, đất không có nước trở thành phèn chua, đất có nước mới làm nên giá trị, nguồn nước dồi dào, về phía biển triều cường xâm nhập mặn. Quản lý tài nguyên phải dựa trên tính toán, đánh giá, nhận dạng cho đúng, làm sao phát huy được tiềm năng tự nhiên, đất, nước, con người. Không dùng nhu cầu phát triển để khai thác cạn kiệt tài nguyên, khai thác thiếu sự tính toán hài hòa với thiên nhiên”…