Dân Việt

Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam và nỗi buồn thăm thẳm…

Văn Công Hùng 22/09/2017 05:45 GMT+7
Té ra, nghe nói nhiều, nhưng đến giờ, ở địa chỉ cụ thể là Hãng phim truyện Việt Nam này, ta mới thấy, sự khốc liệt của cuộc đấu tranh giữa văn hóa và kinh tế, giữa tâm hồn và vật chất nó như thế nào?

Tôi có một tuổi thơ gắn với nông thôn, sơ tán về đấy và có tất cả mọi thứ của tuổi trẻ từ đấy. Nếu không có những ngày sơ tán ấy, có lẽ tôi không được là tôi như bây giờ.

Một trong những ký ức huy hoàng thời ấy mà đến giờ, mỗi lần nhớ lại, vẫn rưng rưng, vẫn như mới hôm qua với đầy đủ sự hồi hộp, phấn khích và ước vọng, ấy là đi xem phim bãi.

Thường là cái sân kho hợp tác xã. Từ chiều tiếng loa đã réo rắt, có vần có điệu, du dương êm ái, mời bà con tranh thủ ăn cơm sớm ra bãi xem phim. Sân kho vừa hết người làm thì mấy anh chiếu phim lưu động đã “chiếm lĩnh trận địa”, kiểm tra hết ngóc ngách không còn ai thì bắt đầu giăng dây bảo vệ, mắc đèn ở cổng soát vé, dựng phông, lắp máy và... thử loa.

img

Đội chiếu bóng lưu động của Trung tâm Điện ảnh Khánh Hòa phục vụ đồng bào.

Thử loa nó không chỉ là thử loa mà là nhắc nhở, thúc giục mọi người. Anh em tôi luôn được ba mẹ cho một hào để mua 2 vé, mỗi vé năm xu. Nhưng trẻ con ở làng thì không thế, hầu hết... trốn vé.

Và anh em tôi, có lần cũng tham gia trốn vé. Có mấy cách, một là chui trước vào đống lúa, lấp lại, đợi đến lúc họ kiểm tra xong, tưởng hết người rồi, giăng dây bảo vệ thì... bò ra. Thứ nữa là... bơi qua ao. Đoạn này cũng có người gác, nhưng cứ quay lưng đi (cũng có thể do bị nghi binh, một đứa nào đó giả vờ lẻn vào một góc, xa góc tụi lụi vé chuẩn bị bơi qua), là tụi bơi trộm ào xuống. Thứ nữa là chui rào, xin xỏ... các kiểu... Những đêm có chiếu bóng về ấy, làng như có hội.

img

Cảnh ấn tượng trong phim Con chim vành khuyên

Nhắc để thấy một thời huy hoàng của điện ảnh, những là “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Không nơi ẩn nấp”, “Chung một dòng sông”, “Con chim vành khuyên”, “Đường về quê mẹ”.v.v..

Rồi thời cuộc thay đổi, hãng phim đầu đàn một thời của quốc gia rơi vào thảm cảnh, dù đã hết sức lèo lái, nhưng cơn lốc thị trường đã khiến nó “mốc meo” ở cả nghĩa đen và bóng. Cổ phần hóa là điều không thể khác, không thể cưỡng.

Nhưng té ra, dù đúng, dù hợp quy luật, vẫn có gì đấy... sai sai, từ của dân mạng giờ hay dùng.

Tôi thấy báo chí, TV tường thuật cảnh cán bộ nghệ sĩ của hãng đối thoại với “ông chủ” mà thấy xót lòng.

Hình như các “ông chủ” mới đã không mấy hiểu công việc làm phim, hay là cố tình không hiểu, có người phải thốt lên: Làm phim không phải là... xúc cát.

Nhưng hình như các “ông chủ” cũng không sai, họ bỏ tiền ra, giờ họ phải tính cách để lấy lại vốn, dù đấy là cách xa... văn hóa nhất. Họ kinh doanh chứ không phải Mạnh Thường Quân.

Họ lạnh lùng kiếm tiền, coi phim là để kiếm tiền, nghệ sĩ là công cụ làm ra tiền, nên có thể làm phim cho xã, cho dòng họ, miễn là có... hợp đồng. Họ sẽ treo biển quảng cáo rất to: Nhận hợp đồng viết kịch bản, quay phim, làm phim .v.v.. 

Vậy thì ai sai?

Các nghệ sĩ, của đáng tội, họ rơi vào thế không quyết định được công việc của mình, dù cũng phải nói thẳng, họ cũng hơi dựa vào cơ chế cũ, không thành một khối để mà vượt qua cơn bĩ cực của giai đoạn khổ ải này. Nhưng như thế mới là họ, những nghệ sĩ.

Người có quyền tìm “ông chủ” mới cho hãng phim đã vội vàng chỉ nhìn một phía, là tiền, mà quên rằng, cái họ cần là một hướng đi, tiền là phương tiện để hướng đi ấy tới đích, chứ tiền không phải là mục đích để hướng đi ấy nhắm tới, dù nó phải có.

img

Nghệ sỹ Quốc Tuấn trình bày những bức xúc. Ảnh: VNE

Cuộc đối thoại hôm qua, không chỉ bản thân các nghệ sĩ của hãng phim truyện Việt Nam đau xót, toàn loại gạo cội, lung linh trên màn ảnh, trên thảm đỏ, giờ hiện ra, cô đơn, bất lực, và nhỏ bé, mà còn cả rất đông khán giả, trong đấy có tôi, đau xót.

Té ra, nghe nói nhiều, nhưng đến giờ, ở địa chỉ cụ thể là Hãng phim truyện Việt Nam này, ta mới thấy, sự khốc liệt của cuộc đấu tranh giữa văn hóa và kinh tế, giữa tâm hồn và vật chất nó như thế nào?

Sự phát triển nào cũng phải có mất mát, có những hy sinh, có cả những trái ngang. Nhưng ít nhất cũng thấy ở sự phát triển ấy những tia hy vọng, để rồi người ta nghiến răng mà phát triển.

Qua cuộc đối thoại ấy, từ ý kiến của các “ông chủ” mới, hình như chính các ông này cũng chưa biết phía trước sẽ là cái gì?

Rất nhiều nước mắt của những nghệ sĩ lớn, những cái tên mà nhắc lên gần như không ai không biết, khiến ta buồn thăm thẳm. Và cả hoang mang nữa.

Mà đây không phải là cái mũ, cái hăng gô đạo cụ như một đạo diễn đã trưng ra trong đối thoại khi anh nói nhặt được nó khi bà mua đồng nát chuẩn bị mua, và bị quy chụp là... ăn cắp của hãng, mà nó là một hãng phim truyện hùng mạnh (từng) của Nhà nước, là biểu trưng một thời của văn hóa cách mạng, là sự huy hoàng trong ký ức của nhiều thế hệ, là sự nhạy cảm trong vùng nhạy cảm của vấn đề cũng rất nhạy cảm...

Họ không khóc cho cá nhân họ, bởi những người khóc ấy, họ đã đầy đủ danh phận, đã về hưu, điện ảnh trong họ giờ là hào quang thôi chứ không phải cơm áo gạo tiền nữa. Họ khóc cho văn hóa nước nhà, cho vàng son một thuở và cho những ký ức của tương lai…