Dân Việt

Tại sao xã Đỗ Động nhiều năm không phải dùng thuốc trừ sâu?

Vân Đình 21/09/2017 13:20 GMT+7
Xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội gần đây trở thành một hiện tượng được đông đảo người tìm kiếm ở trên mạng vì nhiều năm hầu như không phải dùng đến thuốc trừ sâu…

img

Cánh đồng sinh thái Đỗ Động

Những nguyên tắc cơ bản

Đỗ Động làm được điều ấy dựa trên những nguyên tắc cơ bản của hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI). Đó là một hệ thống các biện pháp canh tác hợp lý, giúp cho cây lúa phát huy tối đa các khả năng về sinh trưởng, phát triển, chống chịu với sâu bệnh và năng suất đồng thời cũng tạo ra các điều kiện không phù hợp cho sâu bệnh gây hại.

Áp dụng tốt hệ thống thâm canh lúa cải tiến sẽ giúp không mất tiền mua thuốc BVTV, giảm các chi phí sản xuất như giống, nước tưới, phân bón... mà năng suất khá, chất lượng nông sản tốt, sức khỏe của nông dân cũng như vệ sinh môi trường được đảm bảo.

Trong những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội nói chung và huyện Thanh Oai nói riêng đã ứng dụng SRI và đem lại hiệu quả kinh tế tăng từ 10 - 15%. Song trong sản xuất nông nghiệp, nông dân vẫn còn nhiều thiếu sót trong việc sử dụng phân bón, sử dụng giống chưa được hợp lý, từ đó xảy ra không ít những hậu quả xấu làm năng suất và hiệu quả kinh tế trong sản xuất không cao.

Có nhiều địa phương thực hiện SRI nhưng ít nơi nào đạt đến quy mô lớn, thực hiện nghiêm ngặt và nâng nó lên tầm cao mới là hầu như không phải sử dụng đến thuốc trừ sâu trong nhiều năm, nhiều vụ như ở xã Đỗ Động. Đó là cả một quá trình thấm nhuần KHKT từng bước, từng bước một dưới sự tập huấn kỹ càng của hệ thống BVTV của Hà Nội từ Chi cục đến Trạm.

Vụ xuân 2009, Trạm BVTV Thanh Oai phối kết hợp với HTX Nông nghiệp xã Đỗ Động đã tổ chức lớp nghiên cứu cho nông dân về chương trình thâm canh lúa cải tiến và một số thí nghiệm đồng ruộng. Họ bố trí làm 4 công thức tuần tự không nhắc lại để có sự so sánh.

Công thức I: Cấy 16 khóm/m2 (25cm x 25cm). Công thức II: Cấy 25 khóm/m2 (20cm x 20cm). Công thức III: Cấy 32 khóm/m2 (17,5cm x 17,5cm). Công thức IV: Cấy 36 khóm/m2 (theo tập quán nông dân).

Các công thức I, II, III cấy 1 dảnh/khóm, riêng công thức IV cấy 2 - 3 dảnh/khóm.

Về phân bón, công thức I: Bón 4 kg đạm ure/sào. Công thức II: Bón 6kg đạm ure/sào (theo tập quán nông dân). Công thức III: Bón 8kg đạm ure/sào. Công thức I: Bón 2kg kali/sào (theo tập quán nông dân). Công thức II: Bón 4kg kali/ sào. Công thức III: Bón 6kg kali/sào.

Thực tế cho thấy cấy càng thưa khả năng đẻ nhánh và tỷ lệ bông hữu hiệu của lúa càng cao. Công thức I cho số dảnh tối đa là 12,4 dảnh/khóm và tỷ lệ bông hữu hiệu là 68,5% còn công thức theo tập quán nông dân có tỷ lệ bông hữu hiệu 57,3%.

Về sâu bệnh thì càng cấy to cây, cấy dày thì khô vằn gây hại càng nặng và ngược lại cấy nhỏ cây, cấy thưa tỷ lệ bệnh và chỉ số bệnh càng ít.

Công thức I có tỷ lệ bệnh (18,3%) và chỉ số bệnh (5,2%) ít nhất, cao nhất ở công thức cấy theo tập quán nông dân tỷ lệ bệnh (30,3%) và chỉ số bệnh (14,5%). Cấy càng dày, càng to cây tỷ lệ bệnh đạo ôn cổ bông càng cao. Công thức 16 khóm/m2 có tỷ lệ bệnh thấp nhất 1%, cao nhất ở công thức cấy theo tập quán nông dân có tỷ lệ bệnh 5,1%.

Về năng suất, công thức I có số hạt chắc/bông (180,9) cao nhất và thấp nhất ở công thức tập quán nông dân (117,3). Tỷ lệ lép thấp nhất ở công thức I (11,6%), cao nhất ở công thức IV (18,4%). Nhưng cấy ở mật độ 25 - 32 khóm/m2 cho năng suất cao nhất.

Đến vụ mùa năm 2011, được sự giúp đỡ của tổ chức quốc tế OXFAM, trực tiếp là Chi cục BVTV Hà Nội, Trạm BVTV huyện Thanh Oai lại kết hợp với HTX Đỗ Động để thực hiện mô hình 10ha về SRI.

Cũng tuân thủ theo những nguyên tắc chung như cấy thưa, mạ non, bón phân cân đối, rắc vôi khử chua, mô hình đặc biệt quan tâm đến việc điều tiết nước: Giữ đủ nước từ khi cấy đến sau bón thúc lần 1 từ 3 – 4 ngày, sau đó rút kiệt nước đến khi lúa chuẩn bị đứng cái. Giữ đủ nước từ khi lúa đứng cái đến chín sáp, sau đó lại rút kiệt nước đến cuối vụ.

img

Cánh đồng sinh thái Đỗ Động

Việc rút kiệt nước vừa giúp cho giải phóng khí độc trong đất lại hạn chế sâu bệnh phát triển. Trên thực tế đồng ruộng mật độ các loài sâu hại rất thấp, chỉ xuất hiện bệnh khô vằn phát sinh. Ruộng cấy theo tập quán ngoài mô hình tỷ lệ bệnh khô vằn cao hơn rất nhiều. Ngược lại, chi phí của các hộ trong mô hình SRI lại ít hơn hẳn ngoài mô hình (ngoài chuyện tốn hơn công một chút là bởi phải bắt ốc bươu vàng hay làm cỏ, dọn bờ hay dặm tỉa).

Cũng ở vụ mùa 2011, Đỗ Động lại thực hiện các thí nghiệm đồng ruộng trong lớp huấn luyện thâm canh lúa cải tiến để củng cố thêm cơ sở khoa học cho những người nông dân vững tin làm theo.  

Nhà khoa học nói gì?

Điều kỳ lạ là tất cả 3 báo cáo của xã gồm kết quả nghiên cứu hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI năm 2009, kết quả thực hiện mô hình về thâm canh lúa cải tiến vụ mùa 2011 và kết quả thực hiện các thí nghiệm đồng ruộng lớp huấn luyện nông dân về thâm canh lúa cải tiến vụ mùa 2011 đều chỉ thể hiện các chi phí: Làm đất, giống, phân bón, chăm sóc, thu hoạch…chứ hoàn toàn không có chi phí cho thuốc sâu.

Cả trong mô hình lẫn ngoài mô hình đều như vậy, điều đó chứng tỏ Đỗ Động có một cộng đồng nông dân rất đáng để ngưỡng mộ. Theo Tiến sĩ Jonathan Pincus chuyên gia của FAO - người đã nghiên cứu những thay đổi của nông dân Việt Nam trước và sau khi tham gia lớp học đồng ruộng trong 3 năm trên 79 nông dân của 17 xã với 235 thửa ruộng cho thấy: Nông dân sau khi học đã thay đổi tập quán canh tác, giảm số lần sử dụng thuốc, trong đó thuốc trừ sâu giảm 80%, số thửa không sử dụng thuốc BVTV từ 40% tăng lên 82%, chi phí thuốc BVTV giảm xuống. Nông dân cũng thay đổi sử dụng phân bón cả về loại, liều lượng và thời điểm bón (bón đạm giảm, bón kali tăng), giảm mật độ cấy và số dảnh/khóm, năng suất lúa tăng 10 - 15%.