Kế hoạch ám sát
Hiện trường vụ đánh bom Rangoon năm 1983. Ảnh AFP/Chosun Ilbo
Vào tháng 9.1983, Tổng thống đương nhiệm của Hàn Quốc là ông Chun Doo-hwan chính thức nhận lời mời viếng thăm đến Rangoon, Myanmar (Rangoon hay Yangon là thủ đô cũ của Myanmar, hiện nay thủ đô chính thức của Myanmar là Naypyidaw). Trước đó, phái đoàn Tổng thống Chun Doo-hwan đã lên kế hoạch viếng lăng của cố chủ tịch Aung San.
(Aung San 1915-1947 là một nhà hoạt động dân chủ tự do và là người lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc, đòi dân chủ và tự do từ tay Thực dân Anh. Ông cũng là nhà lãnh đạo quân đội Myanmar với quân hàm Đại tướng. Cố chủ tịch Aung San đã bị ám sát vào năm 1947 và được coi là chủ tịch vĩ đại của Myanmar).
Sáng ngày 9.10.1983, phái đoàn Hàn Quốc đã chuẩn bị di chuyển đến lăng Chủ tịch Aung San. Trước đó 2 tiếng, các nhân viên an ninh từ 2 phía Hàn Quốc và Myanmar đã có mặt tại lăng để chuẩn bị cho công tác bảo đảm an ninh tại lăng.
Tuy nhiên, họ không phát hiện ra 3 quả bom được hai sĩ quan của Lực lượng đặc biệt thuộc quân đội Triều Tiên (North Korean Special Operation Force – NKSOF) đặt tại đây.
Vào 10h25 sáng 9.10.1983, khi một chiếc xe hơi cắm cờ Hàn Quốc đi tới, tiếng kèn trống vang lên rộn rã, thì bất ngờ 1 trong 3 quả bom được giấu trên mái của lăng được kích nổ. Vụ nổ khủng khiếp đã thổi bay cả đám đông đứng bên dưới mái lăng để chuẩn bị cho buổi lễ viếng của Tổng thống Chun Doo-hwan.
Vụ đánh bom đã giết chết 21 người trong đó có nhiều bộ trưởng và các tướng lĩnh quân đội Hàn Quốc đồng thời làm bị thương 46 người. 3 bộ trưởng Hàn Quốc đã thiệt mạng bao gồm: Ngoại trưởng Lee Beom-seok; Bộ trưởng bộ Tài chính kiêm Phó thủ tướng Suh Suk-joon; Bộ trưởng bộ thương mại và công nghiệp Kim Dong-whie. 14 cố vấn tổng thống cùng các nhà báo và quan chức an ninh Hàn Quốc đã thiệt mạng. 4 công dân Miến Điện, trong đó có 3 nhà báo, cũng nằm trong số người tử nạn trên.
Vụ đánh bom Rangoon khiến 21 người thiệt mạng. Ảnh Ảnh: AFP/Chosun Ilbo
Trong khi đó, mục tiêu ám sát của đặc nhiệm Triều Tiên là Tổng thống Chun Doo-hwan đã thoát chết trong gang tấc do chiếc xe chở ông đến buổi lễ chậm hơn 10 phút so với ban đầu do tắc nghẽn giao thông tại Rangoon. Quả bom bị kích nổ sớm do các kẻ đánh bom lầm tưởng tiếng kèn báo hiệu, cho rằng Tổng thống Chun đã đến lăng. Chiếc xe đến lăng đầu tiên là xe chở Đại sứ Hàn Quốc, người cũng đã thiệt mạng trong vụ đánh bom.
Hai kẻ đánh bom Triều Tiên bị bắt giữ, một kẻ bị bắn chết
Tìm kiếm người thiệt mạng và bị thương trong vụ đánh bom Rangoon.
Sau vụ đánh bom, các cơ quan an ninh Myanmar và Hàn Quốc đã vào cuộc điều tra. Họ xác định 3 đặc nhiệm Triều Tiên bao gồm 1 thiếu tá và 2 đại úy đã thực hiện kế hoạch trên.
Theo những tiết lộ trong quá trình điều tra của cảnh sát Myanmar, 3 người mang quốc tịch Triều Tiên thả neo tại cảng Yangon, sau đó họ nhận số thuốc nổ từ 1 nhân viên ngoại giao Triều Tiên.
Nghi can Kang Min-chul và 2 kẻ tấn công khác đã cố gắng tự sát bằng 3 trái lựu đạn nhưng cảnh sát Myanamar đã kịp thời ập vào và bắt gọn 2 người, Kim Jin-su và Kang Min-chul, người bị bắt sống nhưng mất 1 cánh tay trong cuộc giao tranh với cảnh sát.
Kẻ đánh bom thứ 3, Zin Bo (được cho là tên thiếu tá chỉ huy cuộc đánh bom) đã tẩu thoát. Lực lượng vệ binh Myanmar đã tấn công và hạ gục Zin Bo sau khi hắn đã giết 3 binh sĩ Myanmar. Trong quá trình thẩm vấn, Kang Min-chul đã khai nhận toàn bộ vụ việc và khẳng định sự liên quan của chính phủ Triều Tiên trong vụ đánh bom trên.
Tuy nhiên, chính phủ Triều Tiên khi đó cũng mạnh mẽ phủ nhận sự dính líu trực tiếp đến vụ đánh bom khủng bố phái đoàn Hàn Quốc và bác bỏ sự tồn tại của sĩ quan Kang Min-chul thuộc NKSOF, đồng thời bác bỏ những tình tiết mà Kang khai nhận với phía cảnh sát Myanmar.
Sau đó, Kim và Kang bị đưa ra xét xử tại toà án Myanmar. Kim quyết không hé răng khai bất cứ điều gì và bị treo vào năm 1986. Còn Kang Min-chul quyết định thú tội để thoát án tử và lĩnh án chung thân.
Năm 2002, có tin cho rằng Kang Min-chul đã bị một điệp viên Triều Tiên thủ tiêu, tuy nhiên, 4 năm sau đó, phía Hàn Quốc đã phủ nhận cái chết của Kang Min-chul.
Vụ đánh bom lăng Aung San đã khiến dư luận Myanmar cũng như Hàn Quốc phẫn nộ. Myanamar đã đình chỉ quan hệ ngoại giao với Chính phủ Triều Tiên. Trung Quốc lên án đánh bom và chính thức từ chối các buổi gặp mặt đối thoại và hội đàm với Triều Tiên nhiều tháng sau đó.
Các sát thủ của đơn vị này thậm chí còn tự đào mồ chôn mình, nằm cạnh xương người để đạt được mức độ dũng...