Dân Việt

Nghịch lý: Việt Nam có 63 tỉnh thành, mỗi tỉnh một nền kinh tế

Hoàng Thắng 25/09/2017 13:03 GMT+7
“Tập trung phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng và giữa các vùng, tạo sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Không thể phát triển kinh tế mà không gian kinh tế bị chia cắt như chúng ta”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

img

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn Kinh tế miền Trung lần 2.

63 tỉnh thành, mỗi tỉnh một nền kinh tế

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, phát triển kinh tế vùng và tăng cường liên kết vùng có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

“Văn kiện Đại hội Đảng XII đã chỉ rõ: Chú trọng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực, các khu kinh tế, các khu công nghiệp. Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; tạo không gian phát triển thống nhất trong vùng và cả nước; khắc phục tình trạng phát triển trùng dẫm, manh mún, kém hiệu quả. Nghiên cứu cơ chế quản lý liên kết hợp tác phát triển vùng phù hợp.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và trực tiếp làm việc với các vùng, các địa phương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước, hình thành và phát triển các mô hình hợp tác liên kết vùng hiệu quả, bền vững.

Tập trung phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng và giữa các vùng, tạo sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Không thể phát triển kinh tế mà không gian kinh tế bị chia cắt như chúng ta”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp tục đặt câu hỏi: “Động lực của liên kết là gì? Không phải tự nhiên 10 tỉnh ngồi lại được với nhau rất nhiều năm rồi, dĩ nhiên phải có động lực gì đó. Trước hết nó là lợi ích về kinh tế, xác định thế nào là động lực liên kết, phải chắc các địa phương, các vùng tham gia, tức là tiềm năng, lợi thế so sánh của từng địa phương phải được tôn trọng và phát huy, không chỉ vì bản thân tỉnh đó mà vì lợi ích chung cả vùng, cao hơn là cả nước.

Tiếp đó, vấn đề phân bổ lợi ích, tính toán của địa phương như thế nào? Vì lợi ích chung của vùng và cả nước thì vùng và địa phương đối xử thế nào? Cơ chế lập và quyết toán ngân sách nếu không có chỉnh sửa cơ cấu lại thu chi ngân sách, đảm bảo nợ công thì khó đảm bảo. Nếu lập ngân sách chỉ tiêu thu ngân sách hàng năm căn cứ vào những chỉ số vĩ mô năm trước như thế này thì giao thu thêm từng này thì tỉnh nào cũng vậy, phải lo mà thu hút đầu tư. Cơ chế phân bổ nguồn lực và phân chia lợi ích ở đây sẽ phải như thế nào?”

Theo Phó Thủ tướng, có một nội dung hết sức quan trọng, Bộ Chính trị yêu cầu phải điều chỉnh dần cơ cấu thu chi ngân sách. Nhiều chuyên gia nói rằng chúng ta có 63 nền kinh tế, đây là điểm then chốt về mặt tư duy và nhận thức.

Phó Thủ tướng tiếp tục nói: “Bộ Chính trị yêu cầu điều chỉnh dần cơ chế xây dựng ngân sách Nhà nước theo quan điểm phát triển vùng và theo cơ sở dữ liệu về kinh tế xã hội của từng địa phương. Có địa phương tăng trưởng nhanh nhưng có địa phương mức tăng trưởng mức độ, được giao nhiệm vụ gì như hậu cần, do đó khi phân bổ về ngân sách hay nguồn lực phải nhìn tổng thể cả vùng sau đó mới đến đia phương. Phân bổ ngân sách theo từng tỉnh nên không trách nhiều chuyên gia nói 63 nền kinh tế trong 63 tỉnh. Đó là điểm then chốt về mặt tư duy và nhận thức.

Trong vấn đề về tư duy, nhận thức động lực, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế vùng, 10 năm gần đây rất rõ, Nghị quyết lần 12 nhấn mạnh chúng ta phải có thể chế kinh tế vùng phù hợp, phải có thể chế tương ứng để phát huy đầu tàu, an toàn cho cả nước. Khó khăn thì có cơ chế để địa phương có cơ hội rút ngắn”.

Tận dụng kết nối, tăng cường liên kết vùng

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, vùng duyên hải miền Trung nằm trục giao thông chính Bắc Nam đường bộ, sắt, hàng không có ý nghĩa chiến lược, quan hệ chặt chẽ Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia.

Nhìn rộng ra, trục Bắc Nam, Đông - Tây phát triển thế nào, chủ yếu mới tập trung cho tuyến Bắc Nam nhưng chưa hoàn chỉnh. Một là đường Trường Sơn, hai là đường sắt, ba là đường bộ, bốn là đường ven biển. Bốn trục này đều chưa đồng bộ, đặc biệt tuyến đường ven biển kết nối 9 tỉnh miền Trung.

img

Toàn cảnh diễn đàn Kinh tế miền Trung lần 2

Phó Thủ tướng chia sẻ: “Nếu chúng ta không tận dụng kết nối Bắc Nam với Đông Tây thì có nhiều bất lợi, đặc biệt miền Trung trải dài rất đẹp. 9 tỉnh duyên hải miền Trung phải nhìn trong kết nối Bắc Nam và Đông Tây, đánh giá tiềm năng và lợi thế khu vực này. Với lợi thế này, tiềm năng to lớn về tài nguyên thiên nhiên, lao động dồi dào, tạo hành lang quan trọng, cũng như kết nối tiểu vùng sông Mê Kong mở rộng. Nếu nhìn tiềm năng về kinh tế biển, 9 địa bàn mạnh nhất kinh tế biển, đóng vai trò mặt tiền của kinh tế. Nhìn chung là trọng điểm của trọng điểm, tiếp tục nhìn cơ hội này.

Vấn đề về phát triển tổng thể, chúng ta biết quy hoạch tổng thể kinh tế miền Trung định hướng 2030 được Thủ tướng phê duyệt 2014, nêu rõ quan điểm kinh tế miền Trung phải phù hợp với chiến lược biển miền Nam, đảm bảo thống nhất các ngành lĩnh vực, định hướng đến 2030 tiếp tục là khu vực phát triển năng động, là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao của cả nước và Đông Nam Á.

Chủ trương của Bộ Chính trị trong Nghị quyết về Phát triển du lịch là kinh tế mũi nhọn thì miền Trung là trọng điểm của trọng điểm. Cơ cấu kinh tế của miền Trung 40% là du lịch và dịch vụ. Nông nghiệp còn đến 28% trong của cả nước, hiện nay còn 15-16%. Từ cơ cấu này, tính toán xem du lịch và dịch vụ tới đây phát triển như thế nào.

Vùng miền Trung của chúng ta phát triển theo hiện đại, không gian đô thị gắn với biển, khu Chu Lai, là hạt nhân của vùng, Quy Nhơn phải trở thành trung tâm du lịch thương mại. Vấn đề này chúng ta tiếp tục nhận thức như thế nào? Có vấn đề gì điều chỉnh không?”

Cũng theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, nội hàm và bản chất quan trọng nhất là xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và phát triển hạ tầng kinh tế xã hội của vùng, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng của giao thông, chủ yếu là nhà nước làm.

Trên cơ sở quy hoạch đó, phát triển chuỗi sản phẩm, việc này xã hội làm, tới đây là doanh nghiệp. Chúng ta nói là phát triển, huy động nguồn lực xã hội. Coi kinh tế tư nhân là động lực của phát triển.

Phó Thủ tướng nói: “Chúng ta nhìn nhận vấn đề này như thế nào, các đồng chí tập trung nhìn nhận tiềm năng lợi thế khi khu hành chính Bắc Vân Phong được hình thành, có cần thiết điều chỉnh quy hoạch, chiến lược không, điều chỉnh theo hướng nào? Bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu. Trên cơ sở đó, nói thách thức là gì? Rào cản nào chặn phát triển kinh tế vùng, trong đó có miền Trung.

Về thể chế điều phối kinh tế vùng. Chúng ta không có chính quyền cấp vùng nhưng liên kết vùng, các địa phương của vùng, vùng này với vùng khác là quan trọng, muốn liên kết có dàn nhạc, trong dàn nhạc đó có nhạc trưởng, chỉ có điều không có chính quyền cấp vùng nên phải tính toán kỹ. Mô hình đồng bằng Sông Cửu Long Chính phủ cho thí điểm thành lập cơ chế điều phối do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư làm cơ trưởng, nhưng làm chưa được bao nhiêu. Các đồng chí tự nguyện, tình nguyện làm với nhau như miền Trung của chúng ta”.