Thuế ở Việt Nam thấp, nhưng miễn thuế quá nhiều
Ngân sách Nhà nước tăng 18% nhờ thu thuế VAT
Liên quan tới vấn đề thu ngân sách của Việt Nam, ông Aaron Batten – Chuyên gia Kinh tế Quốc gia của ADB cho biết, năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để cắt giảm thâm hụt ngân sách.
Ông Aaron Batten – Chuyên gia Kinh tế Quốc gia của ADB cho biết tổng thu ngân sách Nhà nước vẫn tăng 18,2% do thuế VAT, thuế TNDN, thuế TNCN, và các khoản ngoài thuế
Ông Aaron Batten chia sẻ: “Bất chấp sự sụt giảm của sản lượng khai thác dầu thô, khai khoáng nhưng tổng thu ngân sách Nhà nước vẫn tăng 18,2% do thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và các nguồn thu ngoài thuế gia tăng.
Đồng thời, Chính phủ cũng thể hiện sự cương quyết trong việc thắt chặt chi tiêu. Các khoản chi được kiểm soát chặt chẽ với mức tăng dưới 10%. Đồng thời, mục tiêu của Chính phủ về thâm hụt ngân sách là 3,%, chúng tôi đánh giá đây là mục tiêu khả thi.
Tuy nhiên, việc kiểm soát chi chặt chẽ chủ yếu là chi xây dựng cơ bản. Còn chi thường xuyên vẫn tăng mạnh, các khoản chi thường xuyên danh nghĩa đã tăng gấp 2 lần tính từ năm 2010 do tốc độ tăng lương cơ bản, cùng các khoản chi phí cho y tế, giáo dục”.
Tiếp tục siết chặt thu thuế
Tại buổi công bố Báo cáo cập nhật triển vọng Kinh tế châu Á (ADOU) 2017 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sáng 26.9, trả lời câu hỏi của phóng viên về chính sách thuế hiện nay của Việt Nam và đề xuất sửa đổi, bổ sung 5 Luật thuế của Bộ Tài chính. Trong đó, có đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) và áp thuế TTĐB với nhiều mặt hàng như nước giải khát, cà phê...
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, để đánh giá hệ thống thuế của một quốc gia, cần đánh giá dựa trên nhiều yếu tố. Đầu tiên, là cơ cấu thuế bao gồm các loại thuế, sắc thuế hiện có trong nền kinh tế. Trong đó, có bao nhiêu loại thuế trực thu? Bao nhiêu loại thuế gián thu? Bao nhiêu phần trăm thuế đánh vào doanh nghiệp, cá nhân, dịch vụ?...
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng phải siết chặt thu thuế
“Tôi thấy cơ cấu thuế ở Việt Nam chủ yếu là phù hợp, nhưng vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện hơn. Thuế suất hiện áp dụng cho nhiều sắc thuế ở Việt Nam không phải cao nếu so với chuẩn mực quốc tế hay nhiều quốc gia khác. Nhưng miễn thuế quá nhiều.
Cụ thể, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài – doanh nghiệp FDI được hưởng quá nhiều ưu đãi thuế hay cắt giảm nhiều khoản thuế. Chính phủ cũng không rõ ràng là các doanh nghiệp này được miễn giảm thuế trong bao nhiêu lâu.
Rõ ràng, cơ cấu thuế và vấn đề miễn, giảm thuế là hai lĩnh vực có dư địa, Chính phủ cần xem xét lại”.
Thứ hai, về công tác quản lý thuế. Ông Eric Sidgwick đánh giá, Chính phủ có thể quy định một mức thuế suất cho từng loại mặt hàng, dịch vụ hay đối tượng chịu thuệ. Nhưng nếu không thu được, sẽ là phản tác dụng với cơ chế thuế ở Việt Nam.
“Với tốc độ tăng trưởng cao mà Việt Nam duy trì trong nhiều năm qua, chắc chắn sẽ có nhiều tài sản tạo ra trong nền kinh tế nhưng tới nay vẫn chưa được đánh thuế một cách xứng đáng. Ngoài ra, thuế tài sản cần phải xem xét.
Để có thể cải thiện hệ thống thuế, việc thu thuế cần được siết chặt hơn để đảm bảo những loại thuế được pháp luật quy định phải thực sự thu được, thực sự đóng góp vào ngân sách Nhà nước.
Việc thâm hụt ngân sách chủ yếu được bù đắp bởi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Song không nên kì vọng vào nguồn thu này bởi nó không ổn định. Vậy nên, nguồn thu từ thuế phải đi đôi với sự tăng trưởng của nền kinh tế nhằm đảm bảo chúng ta không bóp méo những động cơ kinh doanh, hoạt động kinh tế mà vẫn tạo ra nguồn thu xứng đáng cho ngân sách Nhà nước.
Cấu trúc thuế cần được cải thiện nhiều hơn. Đặc biệt là công tác thu thuế phải được thực hiện hiệu quả hơn. Ngoài ra, Chính phủ nên xem lại cơ chế miễn, giảm thuế đã và đang cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài – doanh nghiệp FDI”.