Theo thống kê của Dân Việt, từ đầu năm đến nay, trong số 10 mã cổ phiếu Ngân hàng được niêm yết trên 2 sàn chứng khoán, ngoại trừ cổ phiếu VPB của VPBank (mới lên sàn từ ngày 17.8) là giảm giá, 9 mã cổ phiếu còn lại đều tăng trưởng mạnh về giá, trong đó có nhiều mã tăng hàng chục %, thậm chí hàng trăm %.
Cổ phiếu Ngân hàng Quân đội là một trong những mã tăng trưởng "nóng" nhất từ đầu năm đến nay (Ảnh: IT)
Tăng trưởng 2 con số, cổ phiếu “vua” đang trở lại thời hoàng kim
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, 9/10 mã cổ phiếu “vua” đều tăng trưởng mạnh về giá (chỉ trừ VPBank). Chẳng hạn, với mã MBB của Ngân hàng Quân đội, kết thúc phiên giao dịch ngày 26.9, MMB có mức giá 22.750 đồng/CP, tăng 65% so với thời điểm đầu năm (tại ngày 3.1.2017) khi cổ phiếu này ở mức giá 13.750 đồng/CP.
Tương tự, cổ phiếu ACB của Ngân hàng Á Châu cũng tăng mạnh tới 61%, hiện giao dịch ở mức giá 30.600 đồng/CP so với mức giá 19.000 đồng/CP thời điểm đầu năm.
Một loạt các mã cổ phiếu “vua” khác cũng có mức tăng trưởng đến 2 con số so với thời điểm đầu năm 2017 như: BID của BIDV giao dịch ở mức giá 20.400 đồng/CP, tăng 34,6% so với thời điểm đầu năm (ở mức giá 15.150 đồng/CP); CTG của Vietinbank giao dịch ở mức giá 19.450 đồng/CP, tăng 20,8% so với đầu năm (ở mức giá 16.100 đồng/CP).
STB của Sacombank giao dịch ở mức 12.500 đồng/CP, tăng 42,2% so với đầu năm (ở mức giá 8.790 đồng/CP); EIB của Eximbank đang giao dịch ở mức 12.400 đồng/CP, tăng 31,2% so với đầu năm (ở mức giá 9.450 đồng/CP); VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam giao dịch ở mức giá 21.600 đồng/CP, tăng 16,7% so với đầu năm (ở mức giá 18.500 đồng/CP).
Đáng chú ý nhất, cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội dù chưa đạt tới mệnh giá (10.000 đồng/CP) nhưng nếu so với thời điểm đầu năm thì SHB đang được giao dịch ở mức giá 8.000 đồng/CP, tăng 70,2% (đầu năm SHB chỉ giao dịch ở mức giá 4.700 đồng/CP).
Riêng với mã VCB của Ngân hàng Vietcombank, kết thúc phiên giao dịch ngày 26.9, VCB có mức giá 37.650 đồng/CP, tăng khoảng 1% so với thời điểm đầu năm (ở mức giá 37.250 đồng/CP).
Cá biệt, trong 10 mã cổ phiếu được giao dịch trên sàn chứng khoán thì chỉ duy nhất có cổ phiếu VPB của Ngân hàng VPBank đang giao dịch ở mức 36.650 đồng/CP, giảm mạnh so với thời điểm “chào sàn” ở mức giá 39.000 đồng/CP.
Theo nhận định của giới chuyên gia chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2017 đã tăng giá mạnh một phần là nhờ vào kết quả kinh doanh khả quan của các ngân hàng. Tuy nhiên, yếu tố quyết định đến đà tăng giá của các mã cổ phiếu “vua” lại là nhờ vào diễn biến thuận lợi của thị trường tiền tệ, cũng như tiến trình xử lý nợ xấu, đặc biệt là những quy định của Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu đã có hiệu lực từ 15.8 đã tạo sự “hưng phấn” cho các mã cổ phiếu “vua” trên thị trường trong thời gian gần đây.
“Nghị quyết 42 chính thức có hiệu lực đã giúp VAMC “mạnh tay” thu hồi tài sản đảm bảo, đây cũng là giải pháp hữu hiệu để giải bài toán nợ xấu vốn bế tắc từ lâu nay. Đồng thời, nghị quyết này có thể dẫn đến sự ra đời của một thị trường mua bán nợ thứ cấp giúp các ngân hàng thương mại có thể hạch toán lợi nhuận không thường xuyên”, đại diện Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), nhận định.
Sẽ có “sóng” mạnh trong quý 4?
Bên cạnh sự hỗ trợ đến từ chính sách và công tác chỉ đạo điều hành đối với thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm, với mục tiêu tăng trưởng ít nhất 21%, hay khoảng 21 - 22%. Với chỉ tiêu mới này, nhiều công ty chứng khoán dự đoán NHNN có thể sẽ cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại hiện sắp hoặc đang chạm trần tăng trưởng tín dụng.
Đặc biệt, NHNN mới đây cũng chính thức nới thời hạn áp dụng các nội dung chủ chốt trong dự thảo sửa đổi Thông tư 36 liên quan đến trần tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn...
Những tín hiệu này có thể sẽ là yếu tố tạo “sóng” mạnh cho nhóm cổ phiếu ngân hàng từ nay đến cuối năm. Bình luận về điều này, HSC cho rằng, việc giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giúp các ngân hàng giảm áp lực và có thể tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng quyết liệt hơn cho đến cuối năm.
“Các mã cổ phiếu như BID, VPB, TCB, EIB, SHB, LPB và VIB sẽ hưởng lợi từ việc giãn lộ trình trong dự thảo sửa đổi Thông tư 36 vì các ngân hàng này có tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn từ 45-50%...”, HSC phân tích.
Trong khi đó, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) thì cho rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ “bứt phá” trong quý 4 không chỉ liên quan đến việc hạn mức tăng trưởng tín dụng được nới lên trên 20%, mà còn bởi kỳ vọng về khả năng hoàn nhập dự phòng trong các năm tới nhờ Nghị quyết 42.
“Với các quy định về thí điểm xử lý nợ xấu, các tổ chức tín dụng và VAMC được trao nhiều quyền lực hơn trong việc thu hồi và xử lý tài sản đảm bảo. Đây là tín hiệu tốt giúp cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng mạnh thời gian gần đây”, đại diện SSI, bình luận.
Thông tin từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, tổng nợ xấu (bao gồm cả nợ xấu được báo cáo, nợ xấu chưa xử lý đang được quản lý bởi VAMC và nợ được phân loại là có rủi ro trở thành nợ xấu) ước tính lên đến 10,1% tổng dư nợ trong toàn bộ hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, trong 7 tháng đầu năm 2017, VAMC mới chỉ xử lý được gần 10 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tốc độ này nhanh hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, VAMC mua được thêm khoảng 16 nghìn tỷ đồng nợ xấu, nghĩa là tổng số lượng nợ xấu cơ quan này nắm giữ đã tăng thêm 6 nghìn tỷ đồng nợ xấu. |