Máy bay ném bom chiến lược B-1B Mỹ.
Theo Daily Mail, một nhóm các máy bay ném bom B-1B Mỹ hôm 23.9 đã áp sát bờ đông Triều Tiên ở cự ly gần chưa từng có trong thế kỷ 21.
Nhưng Triều Tiên được cho là không hề hay biết động thái phô trương sức mạnh của Mỹ ở vùng biển quốc tế, theo lời quan chức Hàn Quốc.
Chính trị gia Hàn Quốc Lee Whan Young nói, chỉ khi Lầu Năm Góc tuyên bố về chuyến bay của oanh tạc cơ B1-B, Triều Tiên mới biết để đưa chiến đấu cơ, tên lửa ra bờ đông ứng phó.
“Có vẻ như Triều Tiên không hề biết hoạt động của không quân Mỹ vào ban đêm, radar của họ đã không phát hiện được oanh tạc cơ Mỹ”, ông Lee nói trên NBC News.
Trong khi đó, các chuyên gia đặt giả thuyết Bình Nhưỡng không phản ứng vì đơn giản là muốn tránh một cuộc đối đầu với Washington.
Giới chuyên gia nói Triều Tiên chỉ đưa ra những tuyên bố cứng rắn để chứng tỏ quyết tâm đối đầu với Mỹ, trong khi che giấu nỗi lo về một cuộc chiến mà giới lãnh đạo Triều Tiên không thể thắng.
"Tôi có thể cảm nhận thấy nỗi sợ trong giọng điệu của họ", tướng Shin Won-sik, cựu chiến lược gia hàng đầu của quân đội Hàn Quốc nói . "Họ không thể khai chiến với Mỹ khi chiến đấu cơ của họ không bay được xa vì thiếu nhiên liệu hoặc có nguy cơ bị rơi cao".
Theo các quan chức tình báo Hàn Quốc, ngay cả khi đưa ra lời đe dọa bắn hạ máy bay Mỹ, quân đội Triều Tiên vẫn ra chỉ thị cho các đơn vị đóng quân ở gần biên giới Hàn Quốc không có những quyết định bốc đồng và yêu cầu thực hiện quy trình trước khi hành động.
"Triều Tiên rất muốn tránh hành vi khiêu khích quân sự hay đụng độ bất ngờ", Lee Cheol-woo, chủ tịch ủy ban tình báo quốc hội Hàn Quốc nói trong một cuộc họp kín.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
“Triều Tiên không đủ phương tiện để chống lại người Mỹ", Shin In-kyun, chuyên gia quân sự điều hành nhóm dân sự Mạng lưới Phòng vệ Hàn Quốc nhận định.
Theo các chuyên gia, dù Triều Tiên trước đây đã bắn hạ hai máy bay quân sự Mỹ vào năm 1969 và 1994, nhưng đó đã là chuyện của quá khứ.
Bình Nhưỡng ngày nay gần như không thể diệt được oanh tạc cơ chiến lược Mỹ, tiêm kích F-15 hay chiến đấu cơ tàng hình F-35, đặc biệt là khi chúng bay trên không phận quốc tế, nằm cách xa bờ biển Triều Tiên.
Về lý thuyết, các hệ thống tên lửa phòng không Triều Tiên như KN-06 hay S-200 có thể bắn hạ mục tiêu Mỹ ở khoảng cách 250km, nhưng hệ thống radar cảnh giới và dẫn đường lỗi thời khó có thể phát hiện máy bay Mỹ khi Washington kích hoạt hệ thống gây nhiễu đại trên các máy bay hộ tống.
"Triều Tiên phải mạnh miệng vì họ sợ rằng nếu họ lùi bước trước sức ép hiện nay của Mỹ, họ sẽ đánh mất vị thế", Kim Yong-hyun, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk ở Seoul nói. "Họ lo sợ rằng nếu nhún mình, Trung Quốc và Nga sẽ không giúp họ nữa".
Họ tạo ra loại vũ khí đáng sợ, nhưng trông họ rất hiền lành và lúc nào cũng cười tươi như hoa.