Từ xã Tiên Hà về trung tâm huyện lỵ Tiên Phước chỉ có con đường độc đạo dài mấy chục km. Thế nhưng khi mưa lũ đến, con đường này bị tê liệt. Để thoát được sự bế tắc cho dân Tiên Hà chỉ có một cách duy nhất là xây cây cầu nối giữa xã này với Bình Sơn qua con sông Khân chỉ rộng 30m.
Cây cầu tre tạm thứ 36 bắc qua đoạn sông Khân, mà người dân xã Tiên Hà dựng tạm sau những mùa mưa lũ đi qua. |
Bức vẽ xót xa
Ngay sau khi đất nước hòa bình, bà con địa phương đã thấy sự cần thiết của cây cầu, một mặt họ kiến nghị chính quyền quan tâm giúp đỡ, một mặt bà con tự đóng góp làm cầu tạm qua sông. Tuy nhiên, vì là cầu tạm nên mỗi năm mưa lũ về mỗi hỏng. Cứ hỏng cầu này, bà con lại làm cầu khác.
Theo anh Đặng Văn Lộc, người thôn Đại Tráng, Tiên Hà, đến năm 2011 này, bà con đã làm cây cầu tạm thứ 36.
“Bao nhiêu năm qua, dân địa phương phải qua sông Khân rất là cực khổ. Mùa khô, nước sông cạn còn đi lại được, đến mùa mưa thì tắc đường. Khổ nhất là vào mùa thu hoạch nông sản, không vận chuyển qua được bên kia buôn bán, nên sản phẩm bị hư hỏng nhiều. Những học sinh ở bên này qua xã bên (Bình Sơn) học, 10 em thì đã bỏ học giữa chừng đến 5 em. Mỗi lần đưa con đi học, người lớn phải cõng các em qua sông rất nguy hiểm, gian khổ” - anh Lộc kể.
Mùa lũ năm 2010, anh Đặng Văn Lộc cõng con (Đặng Thị Thanh Tuyền, 13 tuổi) qua bên xã Bình Sơn để học, khi đến giữa sông Khân thì bị trượt chân, hai cha con suýt chết. Ngày ngày chứng kiến cảnh cha cõng chị đi học, Đặng Thị Bích Ngọc (học lớp 4, Trường Tiểu học Tiên Hà), đã vẽ một bức tranh thương cảm về cảnh này. Trong bức tranh là hình ảnh bố cõng chị băng qua dòng nước chảy siết, còn bên cạnh là một cây cầu tre tạm bị nước lũ làm gãy đôi. Bà con và lãnh đạo xã Tiên Hà ai nhìn bức tranh cũng rưng rưng nước mắt...
Chờ tin của Bí thư Tỉnh ủy
Ông Nguyễn Hồng Dũng - Trưởng thôn Đại Tráng, xã Tiên Hà, nói: Thôn Đại Tráng có 157 hộ dân nằm dọc sông Khân, đa số đều làm nông. Mùa mưa lũ, thu hoạch nông sản về, bà con không biết đem đi đâu để bán. Nhiều lúc bà con trong xã phải chia nhau mà ăn.
“Không có cầu, muốn đến trung tâm huyện lỵ của Tiên Phước hay Hiệp Đức để buôn bán gì bà con phải đi 30km đường núi, xa xôi, cách trở, tốn kém” - lời ông Dũng.
Anh Đặng Văn Lộc
Ông Đỗ Tấn Như - Chủ tịch UBND xã Tiên Hà, kể: Bao nhiêu năm rồi, trong các kỳ họp ở huyện, nhiều thế hệ lãnh đạo xã chúng tôi đều thiết tha đề nghị cấp trên quan tâm xây cho một cây cầu để nhân dân và học sinh nơi đây đi lại bớt nguy hiểm và giao thương buôn bán thuận tiện hơn. Thế nhưng, bao nhiêu lần đề nghị là bấy nhiêu lần thất vọng vì huyện trước sau chỉ một câu trả lời “không đủ lực”.
Mỏi mòn quá, vừa qua, lãnh đạo xã đã bàn bạc với nhau và đề nghị đồng chí Lê Hồng Sơn - Bí thư Đảng ủy xã, viết thư gửi trực tiếp đến ông Nguyễn Đức Hải - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, tha thiết mong ông quan tâm chỉ đạo hỗ trợ địa phương xây cầu. Những ngày này, chúng tôi hồi hộp mong chờ kết quả bức tâm thư này. Nếu mà cũng không được thì chúng tôi không còn biết khẩn cầu ở đâu nữa...
Trương Hồng